CHÍNH PHỦ CẦN ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUYẾT ĐỊNH THUỘC THẨM QUYỀN ĐỂ ĐIỀU CHỈNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH DTTS&MN CHO PHÙ HỢP

05/02/2024

Thẩm tra đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá việc thực hiện các Quyết định thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung đối tượng của Chương trình cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng, trong trường hợp cần thiết thì báo cáo Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024.

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ RÀ SOÁT CÁC VĂN BẢN LIÊN QUAN ĐẾN TIÊU CHÍ PHÂN ĐỊNH VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC NGUYỄN LÂM THÀNH: CHÍNH PHỦ CẦN LÀM RÕ TÍNH CẤP THIẾT, CƠ SỞ, THẨM QUYỀN ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH DTTS&MN ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI, ĐỒNG BỘ

THẨM TRA SƠ BỘ BÁO CÁO ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CTMTQG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

Toàn cảnh Phiên họp

Thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 thông qua ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, trong đó tại Mục 2 Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung thực hiện nhũng giải pháp, cam kết, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chương trình, chiến lược trong các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng và các quy định của pháp luật. Đối với lĩnh vực dân tộc (tiểu mục 2.2), “trong năm 2023, nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh lãng phí, tiêu cực”.

Thực hiện yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ báo cáo việc đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan và ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước, hoàn thiện Báo cáo đề xuất trình Chính phủ theo quy định. Ngày 15/12/2023, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thiện Báo cáo đề xuất có Tờ trình số 2353/TTr-UBDT trình Chính phủ xem xét, quyết định. Tiếp đó, Chính phủ đã có Tờ trình số 698/TTr-CP ngày 21/12/2023 của Chính phủ về báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Tại Phiên họp mở rộng của Thường trực Hội đồng Dân tộc diễn ra mới đây để thẩm tra sơ bộ "Báo cáo đề xuất điểu chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có ý kiến tham gia thẩm tra nội dung của Báo cáo này.

Qua nghiên cứu hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lò Thị Việt Hà thấy rằng, cơ bản hồ sơ đã bảo đảm đầy đủ thành phần theo quy định tại Điều 20 của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên một số báo cáo chưa rõ nội dung theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:

(1) Tờ trình của Chính phủ chưa nêu hết lý do ban hành Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 như thực trạng tình hình thực hiện quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 1 và thực hiện các Dự án 4, 5, 6, 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết 120/2020/QH14, những tác động ảnh hưởng do quy định chưa phù hợp tại Nghị quyết này để làm cơ sở đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét quyết định điều chỉnh;

(2) Về đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh, các chính sách để tháo gỡ vướng mắc, báo cáo đánh giá tác động, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến việc đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hộ, giải pháp thực hiện chính sách trong dự thảo nghị quyết. Để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội có đầy đủ căn cứ xem xét, quyết định, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lò Thị Việt Hà đề nghị Chính phủ bổ sung các phụ lục tính toán kinh phí chi tiết đối với các đối tượng được đầu tư tại các tiểu dự án 2, Dự án 4; tiểu dự án 1, Dự án 5; Dự án 6 và Dự án 7 trong hồ sơ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lò Thị Việt Hà 

Về thời điểm trình, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, hồ sơ Nghị quyết của Chính phủ không thể hiện thời điểm trình Nghị quyết tại kỳ họp nào của Quốc hội (Kỳ họp bất thường, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV hay thời điểm khác). Nếu trình tại Kỳ họp bất thường tháng 01/2024 thì sẽ không phù hợp. Nếu trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) thì cần cân nhắc thận trọng vì thời gian thực hiện của Chương trình sẽ chỉ còn hơn 1 năm.

Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Tờ trình số 698/TTr-CP ngày 21/12/2023 của Chính phủ báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình nêu 2 nội dung sự cần thiết điều chỉnh đầu tư Chương trình. Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, các lý do cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư của Chương trình chưa có tính thuyết phục, không có căn cứ khẳng định sự cần thiết để điều chỉnh chủ trương đầu tư của Chương trình (Nghị quyết 120/2020/QH14). Trường hợp thật sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư, đề nghị Chính phủ chuẩn bị hồ sơ theo quy định đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.

Tờ trình nêu các căn cứ pháp lý để đề xuất điều chỉnh chủ trương dầu tư Chương trình, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, Nghị quyết 100/2023/QH15 của Quốc hội có nêu “Trong năm 2023, nghiên cứu đề xuất, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của các Chương trình mục tiêu…”, tuy nhiên đến nay Chính phủ mới trình điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu theo Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội và điều chỉnh hai nội dung trong Tờ trình là chưa thực sự phù hợp về thời gian, nội dung và tính thống nhất của các Chương trình.

Về một số nội dung đề xuất điều chỉnh cụ thể, liên quan đến điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 120/2020/QH14, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, việc đề xuất điều chỉnh quy định “Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025” điều chỉnh thành “Nguồn vốn đầu tư được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định” là không cần thiết. Vì quy định Nguồn vốn đầu tư được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là không có vướng mắc; kinh phí sự nghiệp trong hai năm còn lại của giai đoạn 2021-2025 về cơ bản không vướng do Chính phủ đã tháo gỡ. Bên cạnh đó, tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội (tháng 01/2024 vừa qua) đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG với 08 chính sách thì sẽ còn tạo điều kiện hơn nữa trong việc triển khai thực hiện, giải ngân nguồn vốn của các CTMTQG.

Liên quan đến các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 điều chỉnh sửa đổi, bổ sung đối tượng của Chương trình, tại khoản 2, Điều 2 của Nghị quyết 120/2020/QH14, tham chiếu điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 88/2020/QH14, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng:

Thứ nhất, về các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực dân tộc (Tiểu dự án 2, Dự án 4): Hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đề xuất bổ sung 10 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực dân tộc là các đơn vị nằm ngoài địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (theo phân loại tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cần thuyết minh làm rõ và Chính phủ Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội biện pháp giải quyết phù hợp. 

Thứ hai, đối với các đối tượng còn lại cụ thể (như xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.…), về cơ bản vẫn do quy định tại các Quyết định 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Quyết định số 33/QĐ-TTg về Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025… thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá việc thực hiện các Quyết định này làm cơ sở để sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung đối tượng của Chương trình cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng, trong trường hợp cần thiết thì báo cáo Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024./.

Bích Ngọc