BẢO ĐẢM VAI TRÒ CHỦ ĐẠO CỦA NHÀ NƯỚC TRONG PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT 88

17/08/2023

Tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến cơ bản cho rằng, việc nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của nhà nước là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 88.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 14/8: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Toàn cảnh phiên họp

Một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi về giám sát chuyên đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đề nghị của Đoàn giám sát về nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của nhà nước.

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát nhận định việc không tổ chức biên soạn được bộ sách giáo khoa của nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước; nguy cơ gây rủi ro trong trường hợp không có sách giáo khoa hoặc sách giáo khoa không bảo đảm chất lượng. Do vậy, Đoàn giám sát kiến nghị cần nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Trước kiến nghị này của Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kiến nghị cần “hết sức cân nhắc" với đề xuất này. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc. Đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu để hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình. “Chương trình là duy nhất, thống nhất; học liệu là đa dạng và linh hoạt. Vậy có cần một bộ sách giáo khoa, tức một bộ học liệu của nhà nước hay không?", Bộ trưởng Sơn đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu ý kiến, chúng ta đã có quy định nếu mỗi môn học cụ thể đã có ít nhất một bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước nữa. Bộ trưởng cho rằng việc biên soạn bộ sách chung không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa, mà có thể tác động tới tinh thần đổi mới.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh- - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát nhấn mạnh, chương trình chỉ quy định khung kiến thức, còn nội dung kiến thức phổ thông cũng đặc biệt quan trọng, được thể hiện cụ thể ở sách giáo khoa. Nếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ giữ vai trò phê duyệt khung nội dung như hiện nay thì chưa đảm bảo trách nhiệm xây dựng, phát triển nội dung kiến thức phổ thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát

Do đó, Đoàn giám sát đã đưa ra một phương án có tính mở. Chính phủ có thể chỉ đạo việc biên soạn nội dung nếu không có đơn vị nào lo được hoặc có thể được tặng bản quyền để nắm được nội dung của một bộ sách. Giá bản quyền sẽ không được tính vào giá sách, góp phần giảm giá thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, Nghị quyết 88 giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Đến năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết 122 quy định nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất 1 bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước.  

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn khác. Như vậy, kiến nghị của Đoàn giám sát đưa ra là trên cơ sở Nghị quyết 88.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình sách giáo khoa quy định về nội dung, là thể chế, cái cốt lõi nhất của chương trình. Tuy nhiên, sách giáo khoa không chỉ là học liệu đơn thuần. “Chương trình chỉ là khung, còn nội dung giáo dục phải được thể hiện trong sách giáo khoa. Không thể nói sách giáo khoa là không quan trọng, chỉ là học liệu, người dạy muốn dạy gì thì dạy được”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng số liệu của Đoàn giám sát cho thấy, dù có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, song rất nhiều địa phương chỉ chọn 1 bộ sách. Ngày xưa, cả nước chỉ dùng 1 bộ sách giáo khoa. Tại phiên họp lần trước, Ủy ban Thường vụ cơ bản tán thành với Đoàn giám sát về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hiểu đúng về Nghị quyết 88. Nghị quyết này nêu rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải đầy đủ một bộ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, xã hội hóa sách giáo khoa nhưng vẫn phải bảo đảm nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Do đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Nghị quyết 88 là biên soạn bộ sách giáo khoa của nhà nước.

“Nghị quyết 122 để giải quyết tình thế những bộ sách thị trường có rồi, mà ngân sách chưa đáp ứng được thì chấp nhận chưa biên soạn. Nghị quyết 122 không phủ nhận, không thay thế cho Nghị quyết 88”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.  

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ nghiên cứu thấu đáo, đánh giá tác động, nêu rõ những khó khăn, hạn chế, làm rõ trách nhiệm khi chưa có một bộ sách giáo khoa của nhà nước theo Nghị quyết 88; đồng thời xem xét trình Quốc hội cho ý kiến về chủ trương, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa; có cơ chế miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản bộ sách do nhà nước làm chủ sở hữu quyền tác giả; việc in ấn, phát hành, cung ứng sách giáo khoa thực hiện theo cơ chế xã hội hóa, tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Chính phủ sớm ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa theo quy định của Luật Giá, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết kiệm, giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách./.

Thu Phương