CẦN GIÁM SÁT TOÀN DIỆN VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 43 VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN KT-XH

23/06/2023

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần giám sát toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, để làm rõ những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm.

ĐẦY ĐỦ CĂN CỨ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN ĐỂ SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái bày tỏ đồng tình, thống nhất rất cao với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.Sau khi nghiên cứu các chuyên đề dự kiến giám sát năm 2024 đang xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu đề xuất 2 chuyên đề giám sát của Quốc hội năm 2024 là chuyên đề 1 và chuyên đề 2

Về chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, thời kỳ trước và sau có liên quan, đại biểu cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 43 của Quốc hội được ban hành và triển khai thực hiện là một dấu ấn đột phá, chưa có tiền lệ, góp phần rất quan trọng để phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh, doanh của các thành phần kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của khu vực và thế giới về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện nghị quyết vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai thực hiện nghị quyết còn chậm, nhiều chính sách quan trọng kết quả đạt được còn thấp so với mục tiêu đặt ra. Ví dụ như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và việc triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc chương trình, v.v..

Đối với các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia thì có thể nói việc triển khai các nghị quyết này là một điểm sáng, có bước đột phá thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Hàng loạt dự án quan trọng quốc gia đã được khởi công mới, một số đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đã góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch. Bên cạnh đó cũng còn những mặt tồn tại, hạn chế như: Tốc độ giải ngân một số dự án còn chậm, nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn của chủ đầu tư, các nhà thầu chưa được tháo gỡ kịp thời.

Do vậy, đại biểu cho rằng cần sự giám sát tối cao của Quốc hội đối với chuyên đề này để có sự đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được, làm rõ được những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân, rút ra được những bài học kinh nghiệm và đề xuất được những giải pháp khả thi cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để đảm bảo hoàn thành toàn diện các mục tiêu theo nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Về giám sát chuyên đề Quốc hội năm 2024, trong 4 chuyên đề, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất Quốc hội giám sát tối cao 2 chuyên đề, là chuyên đề 1 và chuyên đề 4 với lý do sau:

Với chuyên đề 1, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu đề ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ khả thi, kịp thời, hiệu quả để nâng cao năng lực phòng, chống COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và được thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023. Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 43 với Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2024. Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm quốc gia có liên quan cần phải giám sát để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm đưa vào khai thác, sử dụng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc chọn chuyên đề này Quốc hội giám sát tối cao là phù hợp với thực tiễn.

Với chuyên đề 4, việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ 2015 đến hết 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Là chuyên đề hết sức quan trọng và được xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn và đóng băng trong mấy năm vừa qua cần phải có giải pháp để tháo gỡ. Bên cạnh đó, việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay đang vướng mắc nhiều cơ chế, chính sách cần phải được tháo gỡ, nhất là những vướng mắc về thể chế. Vì vậy, việc Quốc hội giám sát để tháo gỡ những nội dung trên cho lĩnh vực bất động sản và nhà ở xã hội là rất cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang 

Tham gia thảo luận về việc chọn lựa chuyên đề giám sát cho Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng đây là những vấn đề rất bức xúc mà Tổng Thư ký đã tổng hợp từ những đề xuất của các địa phương và các cơ quan của Quốc hội. 4 chuyên đề này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho ý kiến. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem lại thời gian tổ chức giám sát của từng chuyên đề. Bởi vì, có chuyên đề thời gian giám sát rất dài, từ năm 2009, từ khóa XII, XIII, XIV, XV, tức là kéo dài 4 nhiệm kỳ. Như vậy, rất khó khăn cho cơ sở trong công tác tổng hợp, đánh giá kết quả làm sao cho phù hợp với từng điều kiện.

Minh Hùng