THẢO LUẬN TỔ 10: RÀ SOÁT QUY ĐỊNH VỀ QUỸ PHÁT TRIỂN ĐẤT VÀ TỔ CHỨC PHÁT TRIỂN QUỸ ĐẤT

09/06/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 9/6 Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thảo luận tại Tổ 10, các ý kiến quan tâm góp ý về các quy định liên quan đến thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, Điều 17, trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Quỹ phát triển đất, Tổ chức phát triển quỹ đất...

THẢO LUẬN TỔ 10: CẦN TƯ DUY VÀ TẦM NHÌN MỚI TRONG QUÁ TRÌNH SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10, gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Đoàn ĐBQH Thái Bình, Đoàn ĐBQH Đồng Tháp

Tổ 10, gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Đoàn ĐBQH Thái Bình, Đoàn ĐBQH Đồng Tháp. Đa số đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã rất nỗ lực nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng trình Quốc hội.

Rà soát quy định về quỹ phát triển đất và tổ chức phát triển quỹ đất.

Góp ý về một số nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, dự thảo Luật Đất dai (sủa đổi) sử dụng cụm từ “có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước” tại các Điều 37, 43, 91, 94. Nhưng trong phần giải thích từ ngữ tại Điều 3 không có định nghĩa để có cách hiểu thống nhất tại dự thảo Luật.

Qua rà soát, đại biểu Nguyễn Văn An cho biết chưa có văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực đất đai về “có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước”, do vậy cách hiểu mà không thống nhất sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của luật, áp dụng nó cũng khó khăn, thậm chí là “tắc” vì mỗi người hiểu một kiểu.

Đối với quy định về Quỹ phát triển đất (Điều 113), khoản 3 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất.”. Đối chiếu với quy định tại Luật Ngân sách quy định: “Các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể”.

Đại biểu Nguyễn Văn An nêu quan điểm, khoản thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm là khoản thu ngân sách nhà nước được cân đối chung cho các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Việc quy định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất liệu có phù hợp với quy định như trên hay chưa?; đề nghị ban soạn thảo cân nhắc kỹ để đảmbảo đồng bộ, thống nhất.

Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị rà soát quy định về quỹ phát triển đất và tổ chức phát triển quỹ đất.

Góp ý về Tổ chức phát triển quỹ đất (Điều 115), một số ý kiến cho rằng, Tổ chức phát triển quỹ đất chỉ nên là mô hình đơn vị sự nghiệp công lập, có như vậy mới là cánh tay nối dài của Nhà nước. Nếu là mô hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ không đúng tôn chỉ, mục đích của tổ chức phát triển quỹ đất. Do đó, đại biểu đề nghị chưa quy định tại Dự thảo Luật, giao Chính phủ quy định chi tiết; hoặc đối với những vấn đề mới có thể tiến hành thí điểm, tổng kết, đánh giá; chỉ luật hóa khi vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm tính đúng đắn.

Đại biểu Quốc hội quan tâm đến tính minh bạch thông tin, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư...

Tại phiên thảo luận Tổ 10, các vấn đề như minh mạch thông tin về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, xác định giá đất, thu hồi đất, miễn giảm tiền cho thuê đất, sử dụng đất, nhà ở thương mại ở nông thôn và khu vực đô thị… tiếp tục được đại biểu cho ý kiến hoàn thiện dự thảo luật.

Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu một số bất cập trong Luật Đất đai hiện hành, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi phù hợp với thực tiễn. Trong đó, Luật hiện hành chưa có quy định công khai thông tin về Nhà nước giao đất cho thuê đất hay giá đất. Điều này dẫn đến khoảng trống lớn, dễ phát sinh tham nhũng khi người dân không được biết, không giám sát được. Do vậy, cần sửa đổi Điều 24 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng bổ sung thêm 1 mục: “Công bố công khai thông tin kịp thời về giao đất, cho thuê đất hay giao đất cho tổ chức và cá nhân trong quản lý đất đai”.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng quy định tại Điều 62 và Điều 73 của Luật Đất đai còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng giữa dự án phát triển kinh tế và dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cụm từ “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" trong Điều 62, Luật Đất đai năm 2013 có thể áp dụng vào bất kỳ dự án nào. Do đó, dự án phát triển kinh tế cần được tách biệt rõ ràng với những dự án công cộng vì lợi ích quốc gia, đại biểu đề nghị nội dung này cần được sửa đổi trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu một số bất cập trong Luật Đất đai hiện hành.

Đại biểu Lý Thị Lan cũng cho biết, quy định trong luật hiện hành về công tác bồi thường còn bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của người bị thu hồi đất và cũng hạn chế các phương án bồi thường của địa phương khi địa phương còn nhiều quỹ đất nhưng không có cùng mục đích sử dụng đất đối với loại đất thu hồi.

Cũng quan tâm đến quy định thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đại biểu Lại Văn Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, dự thảo luật thu hẹp các trường hợp thu hồi đất sẽ dẫn tới khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án quy mô nhỏ, công trình xã hội hóa, vì vậy, đề nghị tất cả có sử dụng đất đều thực hiện thu hồi đất..

Đối với quy định về bồi thường, đại biểu đề nghị chỉ quy định được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc bằng tiền hoặc bằng đất trong cùng nhóm đất với loại đất thu hồi, không bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở.

Góp ý quy định về bồi thường, có ý kiến đề nghị phân định rõ thế nào là bồi thường, thế nào là hỗ trợ, trong đó với thiệt hại của người dân và doanh nghiệp thì bắt buộc phải bồi thường, còn hỗ trợ là giúp cho cuộc sống của người bị thu hồi đất tốt hơn; việc bồi thường cũng cần đảm bảo nguyên tắc “bồi thường thỏa đáng”.

Đại biểu Lê Minh Hoan – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm, trong dự thảo luật nêu nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đảm bảo người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn sau khi thu hồi đất - đây là vấn đề tưởng đơn giản nhưng không đơn giản.

Theo quy định của dự thảo luật, hàng năm Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành bảng giá đất (trên cơ sở tiến hành khảo sát, điều tra, xây dựng đơn giá bồi thường) nhưng quá trình thực hiện trên thực tế đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Bởi việc bồi thường không chỉ căn cứ vào bảng giá đất, mà cần phải tính đến nhiều vấn đề như sinh kế, không gian sống, không gian học tập, phong tục tập quán….của người bị thu hồi đất.

"Cần có cách tiếp cận mới trong đền bù, giải phóng mặt bằng, chừng nào còn tư duy mua bán trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì chừng đó sẽ thất bại. Vì vậy, lãnh đạo địa phương cần đến từng hộ dân khảo sát, sau đó mới tiến hành áp đơn giá đền bù, đặc biệt lưu ý việc đền bù tính theo chệnh lệch địa tô, không chỉ là đơn giá", đại biểu Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ngoài ra, một số ý kiến tại Tổ 10 cũng đề nghị thu hẹp nội dung tại Điều 67 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; sửa đổi một số quy định về đất cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, thời hạn sử dụng đất của dự án....

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi thảo luận.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã khái quát về quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu, ý kiến Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, quán triệt tinh thần định hướng tại Nghị quyết 18 của Trung ương, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; giải quyết các vấn đề còn bức xúc, bất cập, tồn đọng của luật hiện hành.

Bộ trưởng cũng nêu rõ quan điểm sửa đổi luật, trong đó đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý thông qua quy hoạch, kế hoạch, sử dụng đất, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, định giá đất, quản lý sử dụng đất… nhằm bảo đảm lợi ích Nhân dân và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, đã bổ sung 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng nêu một số vấn đề đại biểu đặt ra tại phiên thảo luận tổ liên quan đến bồi hường, hỗ trợ tái định cư, trong đó nhấn mạnh, việc bồi thường phải đảm bảo cuộc sống tốt hơn về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, sinh kế của người dân. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng tiếp thu ý kiến của đại biểu, trong đó quy định cụ thể hơn về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư và phân cấp cho địa phương phải tiến hành điều tra xã hội học, trước khi tiến hành bồi thường trong trường hợp thu hồi đất….

Một số hình ảnh tại Tổ 10:

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10 về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu.

Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang góp ý về trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị thu hẹp nội dung trong Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp góp ý về quản lý đất đai trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Đại biểu Lê Minh Hoan - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp góp ý về bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với người bị thu hồi đất.

Lan Hương - Nghĩa Đức