CỬ TRI ĐÁNH GIÁ CAO PHIÊN THẢO LUẬN KINH TẾ - XÃ HỘI TRUYỀN TẢI ĐƯỢC TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG CỦA NGƯỜI DÂN
NHẬN DIỆN THẲNG THẮN BỨC TRANH TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA ĐẤT NƯỚC
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long nêu rõ, dưới sự điều hành linh hoạt, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần hiện thực hóa chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 được cử tri và nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá của Chính phủ cũng cho thấy hiện nay có nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh, tác động tiêu cực đến tâm trạng chung của toàn xã hội khiến cử tri và nhân dân cả nước băn khoăn, quan tâm, lo lắng.
Về cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cho biết, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá trong những tháng đầu năm 2023, bình quân một tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, không chỉ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa gặp khó mà cả những doanh nghiệp lớn, đa ngành, đa lĩnh vực cũng đối diện với tình trạng thiếu đơn hàng, áp lực trả nợ lớn nên phải ngưng hoạt động, giải thể hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần. Hệ lụy liền kề là người lao động bị giảm, giãn việc, mất việc diễn ra tại nhiều khu công nghiệp. Trong số đó, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại biểu nhận thấy, thực trạng trên cho thấy trong giai đoạn này, cả doanh nghiệp và người lao động đang cần những chính sách hỗ trợ vượt trội. Do đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá, dự báo các yếu tố ảnh hưởng, xu hướng vận động cũng như khả năng phát triển của các lĩnh vực đầu tư kinh doanh để kịp thời điều chỉnh các cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, phí, lệ phí, đất đai, đầu tư kinh doanh.
Đồng thời, ưu tiên nguồn lực và tạo động lực tăng trưởng để tăng khả năng tiếp cận hấp thụ vốn của doanh nghiệp gắn với chỉ đạo đẩy mạnh thanh tra công vụ, nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, yếu kém trong nền hành chính công phụ hiện nay để nâng cao hiệu quả phối hợp. Khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành trong thực thi công vụ; đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ban hành chính sách quy định mới làm phát sinh chi phí thủ tục, thời gian không cần thiết ở tất cả các lĩnh vực, để doanh nghiệp có môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, có điều kiện phục hồi, phát triển và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ quan tâm, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về tiếp cận vốn của ngân hàng, vay vốn ưu đãi, vốn tín dụng, có ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, phí, lệ phí trước bạ nhằm thu hút doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và thành lập mới. Ngân hàng vừa huy động được vốn nhàn rỗi trong dân, vừa cho vay lãi suất hợp lý, hài hòa lợi ích nhau. Kiểm soát nợ xấu phát sinh, triển khai có hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến thị trường bất động sản, chứng khoán để hoạt động thuận lợi, dễ dàng có kiểm soát. Mặt khác, cần tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc đối với quy định về phòng cháy, chữa cháy, tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình, chưa tính đến khả năng khi áp dụng vào thực tiễn. Nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau chia sẻ, sau thời gian dịch bệnh, do kinh tế khó khăn, hầu hết người dân phải thắt chặt chi tiêu. Do đứt gãy nguồn cung ứng, người nuôi tôm không tiêu thụ được sản phẩm hoặc phải bán với giá rất rẻ, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên sản phẩm bán ra không đủ bù đắp chi phí đầu vào dẫn đến nhiều hộ nuôi tôm đang lao đao, có nguy cơ vỡ nợ và nghèo hóa.
Tình hình kinh doanh ngành thủy sản cũng không khá hơn, nhiều công ty đã kiệt sức phải đóng cửa, một số khác phải bán rẻ tài sản để tránh vỡ nợ hoặc co hẹp quy mô sản xuất, giảm nhân sự để cầm cự. Không chỉ vậy, doanh nghiệp các ngành khác cũng trong tình trạng trên do thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh, cạnh tranh quốc tế gia tăng nên phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Cuối năm 2022 đến nay, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều lượt người về quê do thiếu việc làm. Điều này sẽ làm tiềm ẩn về khó khăn an sinh và trật tự xã hội.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên là do suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng một phần cũng đến từ các vấn đề nội tại như tắc nghẽn dòng vốn, mặt bằng lãi suất tăng nhanh, vay thương mại gặp khó, dòng vốn ưu đãi thuộc chương trình phục hồi kinh tế cũng tắc nghẽn... Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp gỡ khó, xong khâu thực hiện đang có vấn đề. Nhiều dự án vướng về mặt pháp lý, thủ tục phê duyệt, hoàn thiện hồ sơ và thời gian. Mặt khác, do mâu thuẫn hoặc không rõ ràng trong chính sách nên cả bên cho vay và bên vay không mặn mà trong việc thực hiện.
Qua đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội hoặc xem xét có các chính sách giảm thuế, phí, lãi suất phù hợp. Đồng thời, rà soát các bất cập để tiếp tục thực hiện gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% thuộc chương trình phục hồi kinh tế-xã hội; rà soát, loại bỏ các quy định mâu thuẫn, chồng chéo để tạo môi trường thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ thêm về nhận định, đánh giá tình hình tác động đến phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023, nhất là những yếu tố khó khăn. Theo đại biểu, khi đánh giá quý I, có nhiều tỉnh, thành phố là những trung tâm công nghiệp lớn nhưng có mức tăng trưởng âm hoặc tăng trưởng rất thấp. Bên cạnh đó, rất nhiều địa phương được dự báo khó có khả năng thực hiện được dự toán thu ngân sách.
Cùng với những khó khăn của thị trường bất động sản và thị trường tín dụng, nhiều địa phương dự báo không đạt chỉ tiêu thu ngân sách từ nguồn thu sử dụng đất, qua đó tác động lớn đến nguồn vốn cho các dự án đầu tư công. Đại biểu kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các địa phương và doanh nghiệp liên quan đến các ngành, lĩnh vực, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang chiếm tỷ trọng rất lớn giá trị xuất khẩu để tránh tình trạng dẫn đến mất cân đối cung cầu và gây khó khăn cho việc tiêu thụ các sản phẩm trong nước./.