ĐBQH HOÀNG MINH HIẾU: CẦN GIÁM SÁT VIỆC XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU TRONG CÁC LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

27/05/2023

Góp ý về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị bổ sung chuyên đề giám sát về việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các luật, nghị quyết của Quốc hội từ khi ban hành Hiến pháp năm 2013 đến nay.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT NĂM 2024

 ĐBQH Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Góp ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 tạiKỳ họp thứ 5, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng tình đồng tình với chuyên đề giám sát về chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập, chuyên đề giám sát việc thực hiện các nghị quyết về chính sách phục hồi kinh tế và một số dự án, công trình quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, đối với chuyên đề giám sát về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội và chuyên đề giám sát trật tự, an toàn giao thông, đại biểu cho rằng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát hoạt động lập pháp.

Bên cạnh hai chuyên đề lựa chọn, đại biểu tỉnh Nghệ An đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm chuyên đề giám sát về việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến việc xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các luật, nghị quyết của Quốc hội từ khi ban hành Hiến pháp năm 2013 đến nay.

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, để phục vụ cho quá trình tin học hóa, chuyển đổi số quốc gia kể từ khi ban hành Hiến pháp năm 2013 đến nay, rất nhiều đạo luật đã quy định về việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Riêng trong Kỳ họp này thống kê đã có trên 85 % tổng số dự án luật được cho ý kiến hoặc thông qua. Một số cơ sở dữ liệu như cơ sở dữ liệu quốc gia về hợp tác xã, cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, hệ thống thông tin quốc gia về thị trường bất động sản, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên nước và còn nhiều cơ sở dữ liệu khác nữa...

Đại biểu nhấn mạnh, đây là cơ sở quan trọng để tạo nền tảng phục vụ cho việc chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định này đòi hỏi phải có nguồn lực lớn và kỹ thuật chuyên môn rất cao, nếu không được tổ chức thực hiện và giám sát một cách phù hợp thì có thể gây ra việc lãng phí nguồn lực.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Bên cạnh đó, qua theo dõi thực tiễn triển khai xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu này, đại biểu nhận thấy còn có tồn tại nhất định, trước hết là tình trạng trùng lặp giữa các cơ sở dữ liệu. Ví dụ như hiện nay theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật chỉ có cơ sở dữ liệu quốc gia Văn bản quy phạm pháp luật vđang được Bộ Tư pháp vận hành, quản lý tương đối tốt. Bên cạnh đó còn có cơ sở dữ liệu công báo, nội dung bao gồm nội dung dữ liệu tương tự. Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, điều này có thể gây ra sự lãng phí nguồn lực cũng như sự lúng túng cho người dân trong quá trình tra cứu.

Ngoài ra, một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã được xây dựng, nhưng tính cập nhật và tính hiệu quả cũng không được cao. Ví dụ như trong năm 2020, cơ sở dữ liệu mở quốc gia đã khai trương. Đây là một cơ sở dữ liệu quan trọng nhưng cho đến nay các dữ liệu của cơ sở dữ liệu mở quốc gia  này vẫn chủ yếu là dữ liệu từ năm 2020 cách đây 3 năm hoặc có những hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được đầu tư và xây dựng tương đối tốt, tuy nhiên hiệu quả phục vụ sử dụng của người dân chưa cao.

Đại biểu cho biết, mới đây trong Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công, tỷ lệ người dùng có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã giảm 16 % trong năm 2021 và tiếp tục giảm xuống còn 14 % trong năm 2022. Cũng trong khuôn khổ nghiên cứu báo cáo này, số người dân được sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến thì cứ 100 người dân thì chỉ có khoảng 5 người dân biết đến dịch vụ công trực tuyến này.Như vậy rõ ràng hiệu quả phục vụ cho người dân chưa cao, chưa được như mong muốn.

Đại biểu tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, hiện nay là thời điểm phù hợp để Quốc hội tiến hành giám sát, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống thông tin vào cơ sở dữ liệu. Bởi vì cho đến nay công cuộc chuyển đổi số nước ta đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên lại chưa thực hiện việc giám sát tối cao về nội dung này. Trong khi đó, Nghị quyết của Đảng trong nhiệm kỳ này cũng đã đề ra những mục tiêu rất cụ thể về phát triển Chính phủ số, kinh tế xã hội số với những kỳ vọng rất lớn.

Do vậy, đại biểu cho rằng, thời điểm này tiến hành sẽ là cơ sở quan trọng để hoàn thiện thể chế, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia hiện nay. Bên cạnh những hoạt động giám sát, đại biểu cho rằng cũng  cần có quy định chặt chẽ hơn về việc xây dựng các quy định liên quan đến việc xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin vào cơ sở dữ liệu.

Bởi hiện nay, thực trạng trong các đạo luật có quy định về nội dung này cũng không thống nhất. Có những dự thảo Luật có những quy định rất cụ thể về việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Trong kỳ họp này, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã có những quy định cụ thể về việc xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu có liên quan. Tuy nhiên, cũng có những dự án Luật lại chỉ có quyết định rất vắn tắt, giao cho các cơ quan có liên quan xây dựng dữ liệu. Đại biểu băn khoăn về trách nhiệm cung cấp,  thẩm quyềntính liên kết dữ liệu như thế nào?

Do vậy, đại biểu Hiếu kiến nghị, trong quá trình thẩm tra dự án Luật, trong hồ sơ xây dựng Luật cần có ý kiến chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông về các nội dung liên quan tương tự, cũng như trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao đối với các vấn đề thuộc trách nhiệm tương ứng của từng bộ. Điều này sẽ giúp cho việc xây dựng thể chế các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả và tránh trùng lặp./.

Thu Phương