CÒN CHỒNG CHÉO CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ GIỮA CÁC BỘ NGÀNH TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ

28/03/2023

Tham gia đóng góp ý kiến tại Tọa đàm “Tiếp tục kiện toàn chính sách và công tác tuyên truyền bảo tồn động, thực vật hoang dã nguy cấp” do Ban Công tác đại biểu phối hợp tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho rằng, chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ ngành trong công tác bảo vệ động vật hoang dã còn chồng chéo, chưa rõ ràng, dẫn tới lãng phí nguồn lực và làm giảm hiệu quả của công tác này.

KIỆN TOÀN CHÍNH SÁCH, NÂNG CAO HIỆU QUẢ TUYÊN TRUYỀN BẢO TỒN ĐỘNG, THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP

Còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ ngành trong công tác bảo vệ động vật hoang dã

Theo kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, là nơi cư trú của một số loài động, thực vật hoang dã thuộc nhóm tiêu biểu và nguy cấp, quý hiếm trong Sách đỏ thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia sớm tham gia các Công ước và hợp tác quốc tế về bảo tồn, bảo vệ động, thực vật hoang dã.

Vừa qua, tại Tọa đàm “Tiếp tục kiện toàn chính sách và công tác tuyên truyền bảo tồn động, thực vật hoang dã nguy cấp” do Ban Công tác đại biểu phối hợp tổ chức, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, nhận thức về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và vai trò của các loài động, thực vật hoang dã, đồng thời thực hiện cam kết quốc tế, trong thời gian qua, Việt Nam luôn quan tâm đến bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, triển khai nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả. Bên cạnh đó, từng bước nội luật hóa và ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã.

Quang cảnh Tọa đàm

Các đại biểu, chuyên gia và nhà nghiên cứu cho rằng, trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng tính đa dạng sinh học có biểu hiện suy giảm, số loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng, cần được bảo vệ ngày càng nhiều. Những hạn chế của văn bản pháp luật và sự chồng chéo, vướng mắc giữa các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và về cơ quan quản lý chuyên ngành… cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ, quản lý động, thực vật hoang dã.

Chia sẻ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo tồn, quản lý động, thực vật hoang đã và công tác tuyên truyền nhằm giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã, TS.Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan Thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, còn thách thức, khó khăn trong thực hiện các quy định pháp luật do có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành gây lãng phí nguồn lực.

Cụ thể, Điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định 160/2013/NĐ-CP quy định "Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, hướng dẫn việc điều tra, quan trắc, đánh giá tình trạng loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài được t tiền bảo vệ thống kê, tổng hợp thông tin về diễn biến loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ trên toàn quốc". Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP quy định "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, đánh giá thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trên phạm vi cả nước".

Do vậy, Quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định 160/2013/NĐ-CP chồng chéo, mâu thuẫn với quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, không chỉ tạo ra mâu thuẫn, chồng chéo về nhiệm vụ của hai Bộ mà còn gây tốn kém trong hoạt động điều tra, đánh giá hiện trạng các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nếu triển khai trên thực tiễn.

TS.Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan Thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 44 Luật Đa dạng sinh học năm 2008 quy định “việc khai thác có điều kiện loài hoang dã trong tự nhiên được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về thuỷ sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan". Khoản 2 Điều 44 Luật Đa dạng sinh học quy định "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc bảo vệ loài hoang dã bị cấm khai thác trong tự nhiên và việc khai thác loài hoang dã được khai thác có điều kiện trong tự nhiên".

Như vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Quốc hội, Chính phủ giao thực hiện quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến, thương mại lâm sản (theo Luật Lâm Nghiệp) và quản lý nhà nước về thủy sản (theo Luật Thủy Sản), trong đó có động vật, thực vật rừng và các loài thủy sản.

Theo Phó Giám đốc Cơ quan Thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Điều 35 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP quy định Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam phối hợp với Cơ quan Khoa học CITES Việt Nam xây dựng hạn ngạch khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc các Phụ lục CITES. Tuy nhiên, Điều 11 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP quy định khai thác các loài động vật hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Như vậy, Điều 11 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP không những trái với quy định tại Điều 44 Luật Đa dạng sinh học, chồng chéo với quy định tại Điều 35 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP mà còn không phù hợp với thực tiễn quản lý.

Trước khi Nghị định số 06/2019/NĐ-CP có hiệu lực, các loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đồng thời thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; hoạt động nuôi bảo tồn chịu sự quản lý của ngành Tài nguyên và Môi trường, trong khi hoạt động nuôi vì mục đích thương mại và phi thương mại (trừ nuôi bảo tồn) chịu sự quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Như vậy, cùng một đối tượng nhưng chịu các chế độ quản lý khác nhau.

Đảm bảo pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã phù hợp với tình hình thực tiễn

Chia sẻ về những khó khăn trong áp dụng pháp luật liên quan đến bảo vệ động, thực vật hoang dã, TS.Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an cho rằng, Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao “Hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của BLHS”, đã có hướng dẫn về vấn đề săn bắt vào thời gian bị cấm tức là “săn bắt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm vào mùa sinh sản hoặc mùa di cư của chúng; việc xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn hoặc quy định về mùa sinh sản, mùa di cư của các loài, do vậy rất khó xử lý đối với trường hợp này. Chưa có văn bản quy định, hướng dẫn liên quan đến hoạt động nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng, cấy nhân tạo, trao đổi quan các loài động, thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các sản phẩm của các sản phẩm của các loài này phục vụ mục đích thương mại.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Theo quy định, việc xử lý tang vật động vật rừng chỉ được thực hiện sau khi có kết quả xử lý vi phạm. Thời gian từ khi phát hiện vi phạm đến khi kết thúc xử lý vụ vi phạm thường kéo dài, trong khi đó điều kiện cơ sở vật chất để nuôi nhất, điều kiện chăm sóc còn bất cập, hạn chế, không đảm bảo, ảnh hưởng đến việc xử lý tang vật. Do thời gian chờ phản hồi kéo dài nên số lượng lớn động vật hoang dã bị chết trong khi lực lượng Kiểm lâm không có kinh phí chăm sóc và kỹ năng chăm sóc.

Từ thực tiễn công tác, TS.Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết nhiều vụ thu giữ số lượng lớn động vật sống (đặc biệt là các loài thuộc nhóm IB và thuộc loài nguy cấp được ưu tiên bảo vệ gặp khó khăn trong công tác bảo quản, lưu giữ động vật sống. Nhiều trung tâm cứu hộ của Nhà nước không có đủ điều kiện, khả năng để cứu hộ, chăm sóc, bảo quân động vật, việc bản giao cho các đơn vị tư nhân có đủ điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng động vật thì còn gặp nhiều vướng mắc trong quy định phải chuyển đến cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp.

Nhiều vụ việc diễn ra tại các địa bản xa trung tâm cứu hộ do đó khó khăn trong việc di chuyển, bàn giao tang vật, dễ dẫn đến việc động vật là tang vật bị chết. Mặt khác, đối với tang vật là động vật đã chết, sản phẩm động vật (da, bộ phận cơ thể...) hiện nay phần lớn các đơn vị địa phương chưa có kho đông lạnh để bảo quản nên rất khó khăn cho việc bảo quản; nếu đi thuê các đơn vị có kho lạnh bảo quản thì không có kinh phí, không đảm bảo an toàn, không đảm bảo điều kiện lưu giữ sẽ gây hư hỏng, ô nhiễm.

Để tháo gỡ những chồng chéo, vướng mắc này, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, các Bộ, ngành cần thực thi đầy đủ Chỉ thị 29/CT-TTg, năm của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 06/2019/NĐ-CP, trong đó có trách nhiệm nâng cao nhận thức, phổ biến pháp luật.

Ngoài ra, cần tiếp tục hợp tác với các bên liên quan đào tạo, nâng cao năng lực các cơ quan thực thi luật trong vấn đề kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, đồng thời thực hiện các chiến dịch tuyên truyền giảm cầu, nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã. Đưa giáo dục bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm vào giảng dạy ở các cấp bậc phổ thông. Hợp tác chặt chẽ (từng bộ, ngành) với các quốc gia trong vùng, các thể chế, các tổ chức phi chính phủ trong kiểm soát buôn bán, nâng cao nhận thức, giảm cầu tiêu thụ động vật hoang dã quốc tế.

Hồ Hương