ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH KHẢO SÁT VIỆC CHẤP HÀNH CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

23/03/2023

Thực hiện Kế hoạch số 1740/KH-UBTP15 ngày 09/2/2023 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về “Việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2022”, trong các ngày từ 23/3 đến 27/3, Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu.

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT CỦA ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI TRONG NĂM 2022

Theo đó, căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; trên cơ sở Chương trình hợp tác giữa Ủy ban Tư pháp của Quốc hội với Văn phòng Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Ủy ban Tư pháp xây dựng Kế hoạch khảo sát tại một số địa phương về “Việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 – 2022”.

Việc khảo sát nhằm nghiên cứu, tìm hiểu về thực trạng triển khai thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người; thực trạng tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người diễn ra trên địa bàn, phương thức, thủ đoạn phạm tội; nguyên nhân, điều kiện và các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến tình hình mua bán người và công tác phòng, chống mua bán người; công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán người; công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người… nhằm thu thập thông tin, phục vụ việc hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người, nhất là việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp làm việc tại Hà Giang

Tại mỗi địa phương, Đoàn khảo sát sẽ tập trung khảo sát về tình hình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, Bộ luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh. Đánh giá các quy định của Luật Phòng, chống mua bán người, các quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm mua bán người và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhất là những bất cập trong chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; hoạt động chỉ đạo điều hành của chính quyền địa phương về công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn.

Đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là với các đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng yếu thế; công tác trợ giúp pháp lý đối với nạn nhân bị mua bán; công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ đối với tội phạm và vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Cùng với đó là công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án mua bán người; công tác giải cứu, tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với nạn nhân bị mua bán; công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người và sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan trong công tác phòng, chống mua bán người; Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống mua bán người và điều kiện, cơ sở vật chất;

Thực trạng tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm mua bán người trên địa bàn; phương thức, thủ đoạn của tội phạm (nhất là đối tượng, phương thức, thủ đoạn phạm tội mới); các biện pháp phòng, chống đã áp dụng và dự báo tình hình mua bán người trong thời gian tới.

Nguyên nhân, điều kiện, yếu tố tác động, ảnh hưởng đến tình hình mua bán người, công tác phòng, chống mua bán người; dự báo nguy cơ, thách thức đối với Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người và các giải pháp, kiến nghị.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên làm Trưởng đoàn. Cùng đi có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú, các Ủy viên Ủy ban Tư pháp: Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Sang; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân;  Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An Phan Thị Mỹ Dung; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan.

Cùng đại diện Văn phòng Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo cấp Cục, Vụ thuộc Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Lãnh đạo, Công chức Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội. 

Tại Hà Giang, Đoàn khảo sát đã có chuyến khảo sát, làm việc tại Trung tâm Công tác xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) và Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy và làm việc với UBND tỉnh về tình hình triển khai các quy định của pháp luật về phòng, chống mua, bán người (MBN) giai đoạn 2012 – 2022. 

Bảo Yến

Các bài viết khác