NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15 ĐƯỢC TRIỂN KHAI VỚI CÁC BIỆN PHÁP ĐẶC BIỆT, ĐẶC CÁCH, ĐẶC THÙ

13/01/2023

Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Chính phủ đã triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, làm thay đổi cục diện chống dịch COVID-19.

CHÍNH PHỦ ĐỀ XUẤT QUỐC HỘI CHUYỂN TIẾP THỰC HIỆN 2 CHÍNH SÁCH CÓ TRONG NGHỊ QUYẾT 30/2021/QH15

NGHỊ QUYẾT 30/2021/QH15 – SÁNG KIẾN PHÁP LUẬT GÓP PHẦN HIỆU QUẢ VÀO PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH PHỤC HỒI KINH TẾ - XÃ HỘI

Nghị quyết 30/2021/QH15: Sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ trong hoạt động lập pháp.

Ngày 28/7/2021, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã quyết nghị các chính sách phòng, chống dịch COVID-19:  Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15, quyết nghị các chính sách phòng, chống dịch COVID-19.

Nghị quyết số 30/2021/QH15 là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ trong hoạt động lập pháp; là quyết định đúng đắn, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân. Quốc hội đã phát huy vai trò là người đại diện của Nhân dân, tích cực, chủ động đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt thể chế, cùng Chính phủ triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách phòng, chống dịch theo phương châm đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Đây là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc tại thời điểm cấp bách khi đại dịch COVID-19 bùng phát để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương chủ động thực hiện các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như trong tình trạng khẩn cấp; đặc biệt, Chính phủ có Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, chủ động, sáng tạo, áp dụng linh hoạt, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch bệnh kịp thời, đúng đắn tại thời điểm quyết định, góp phần kiểm soát dịch bệnh, huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhận định: Nghị quyết 30/2021/QH15 không chỉ là sáng kiến lập pháp mà là “sáng kiến lập pháp rất đặc biệt”, cùng với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách, Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm, trao quyền cho Chính phủ. Đây là cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử lập pháp Việt Nam. Nghị quyết 30/2021/QH15 đã định hình, định khung, đi trước mở đường, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, táo bạo, hiệu quả, làm thay đổi cục diện chống dịch.

Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã được triển khai với các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù.

Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, hơn một năm qua Chính phủ đã triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp theo quy định tại Nghị quyết số 30 góp phần kiểm soát thành công tình hình dịch bệnh COVID-19 và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định.

Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 05 Nghị quyết, 02 Nghị định; Bộ Y tế đã ban hành 02 Thông tư để quy định các biện pháp và tổ chức triển khai thực hiện. Nhiều chỉ thị, công điện, công văn của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng được ban hành và triển khai nhanh chóng.

Chính phủ đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội như trong tình trạng khẩn cấp, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.

Lần đầu tiên trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ đã huy động một lực lượng lớn tham gia phòng, chống dịch tại tuyến đầu:

Chính phủ cũng chủ động các nguồn lực tài chính, ngân sách cho phòng, chống dịch COVID-19, như: năm 2021 cắt giảm 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên; bổ sung dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 cho công tác phòng, chống dịch COVID-19...

Cùng với các giải pháp đặc thù, đặc cách, tiết kiệm, huy động nguồn lực, từ khi Nghị quyết 30/2021/QH15 có hiệu lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định để bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, tạo việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế khác và lực lượng tuyến đấu chống dịch; Thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; Công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân.

Quốc hội đồng ý kéo dài một số chính sách chưa có tiền lệ trong phòng, chống COVID-19.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách, giải pháp, biện pháp theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có lúc, có nơi còn chậm, chưa đồng bộ, chưa sát thực tiễn; công tác tuyên truyền, phổ biến có lúc chưa kịp thời; gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn chậm, dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc; thanh toán, quyết toán chi phí liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Đặc biệt, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, biến thể mới tiếp tục phát sinh, trong khi đó tại mục 3 của Nghị quyết 30/2021/QH15 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022, trong khi một số chính sách đã triển khai nhưng cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán.

Nghị quyết 30/2021/QH15 đã quy định: “căn cứ tình hình thực tế, nếu cần thiết kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp này thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét quyết định”. Do đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề xuất Quốc hội việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đã đồng ý kéo dài một số chính sách trong Nghị quyết 30/2021/QH15.

Qua thảo luận, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024. Theo đó, các chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 được tiếp tục thực hiện từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023:

Các chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và chế độ, chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thanh toán  theo quy định tại Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Kinh phí thực hiện các khoản chi phí, chế độ, chính sách này được chuyển nguồn  sang năm 2023 để thanh toán và hạch toán, quyết toán vào niên độ ngân sách năm 2023.

Việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Nghị quyết cũng nêu: Việc sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024. Theo đó, giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024 được cơ sở đăng ký nộp hồ sơ gia hạn và giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được kéo dài thời hạn thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 mà chưa được gia hạn kịp thời theo quy định của Luật Dược được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024, trừ một số trường hợp.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.

Để nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống, các ý kiến thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đều nhấn mạnh, các thủ tục cần đơn giản, rút gọn; nên áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc mua sắm vật tư y tế, đầu tư cơ sở trang thiết bị, hóa chất trong thời gian Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) chưa đi vào cuộc sống. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện chi trả đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tăng cường điều động để tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sauk hi Quốc hội ban hành nghị quyết, Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất, rõ tiêu chí để dễ triển khai thực hiện thanh toán, quyết toán chi phí phòng, chống dịch.

Ngoài ra, có ý kiến nhận định vaccine là biện pháp căn cơ, bài bản để ngăn chặn dịch COVID-19 hiệu quả, tuy nhiên thời gian qua vẫn chưa tận dụng được hết kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm để sản xuất vaccine, mà giao cho một số công ty tư nhân.

“Tôi cho đây là bài học rất lớn mà chúng ta cần phải rút kinh nghiệm và dịch vẫn đang các dịp khác vẫn đang còn. Tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo để sớm tổ chức một hệ thống sản xuất vaccine một cách bài bản, quy củ, đúng cách để phục vụ cho đất nước”, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu quan điểm./.

Lan Hương - Trọng Quỳnh