ĐBQH TRẦN QUỐC TUẤN: ĐỀ NGHỊ RÚT NGẮN THỜI GIAN TĂNG LƯƠNG CƠ SỞ

03/11/2022

Góp ý kiến về nội dung “Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023”, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị rút ngắn thời gian tăng lương cơ sở với 04 lý do.

ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN: SỚM TRÌNH QUỐC HỘI GIẢI PHÁP CẤP BÁCH KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG THIẾU THUỐC, TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh mạnh: “để đánh giá đúng tình hình Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tôi xin phép được trích lại một nội dung bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, ngày 09/10/2022, là: Chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả”.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, giữa một thời điểm có những biến động bất thường, ảnh hưởng nhiều mặt đối với các quốc gia trên thế giới, từ an ninh chính trị đến kinh tế - xã hội, đã tác động rất lớn đến tình hình trong nước, đặc biệt là khi Việt Nam vừa mới trãi qua một cơn đại dịch Covid-19; áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, cùng với dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân.

Nhưng với những định hướng, quyết sách đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đã làm cho thế giới thán phục và kinh ngạc trước mức tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng là 8,83%, ước cả năm 2022 là khoảng 8%, cao hơn nhiều so với mục tiêu nghị quyết; đi cùng với đó là ước đạt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việt Nam được xem là con hổ châu Á trong năm 2022 này.

Qua tổng hợp ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp nhận thấy một nội dung rất quan trọng, được nhiều cử tri quan tâm, đó là trong kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng cho cán bộ, công chức, viên chức; tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do (Ngân sách Nhà nước) NSNN chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Thời điểm thực hiện tăng lương từ ngày 01/7/2023. Đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ cần thực hiện việc điều chỉnh tăng lương cơ sở ngay thời điểm ngày 01/01/2023, thay vì ngày 01/7/2023 như phương án Chính phủ trình.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, việc kiến nghị tăng lương sớm hơn 06 tháng vì 04 lý do. Cụ thể, sau khi Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp, vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Giờ đã đến lúc, các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước cần phải được quan tâm, xem xét tăng lương, phụ cấp để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Theo các báo cáo của Chính phủ, mặc dù thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, do tình hình dịch bệnh Covid-9 phát sinh làm cho kinh tế đứt gãy, tăng trưởng chậm lại, nhưng trong 02 năm qua nhà nước đã cố gắng, nỗ lực chi hỗ trợ hơn 237.000 tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, chi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hơn 86.000 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, miễn giảm thuế, tiền thuê đất, các khoản phí và lệ phí…. hơn 151.000 tỷ đồng.

Đến nay, kinh tế đã phục hồi rất tốt, đời sống người dân cũng dần ổn định, các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại bình thường và phát triển tốt…. Nhưng xuất hiện một thực trạng đáng lo, đó là theo báo cáo của Chính phủ, đã có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư, nguyên nhân chính là do mức lương không đủ sống. Vì vậy việc điều chỉnh lương cơ sở kịp thời sẽ từng bước kéo giảm chênh lệch mức lương giữa khu vực công và khu vực tư, góp phần ngăn sự dịch chuyển này.

Bên cạnh đó, hiện nay lực lượng cán bộ, công chức, viên chức đang phải đối mặt với áp lực công việc và áp lực xã hội ngày càng nhiều hơn do nhu cầu thực tiễn phát sinh, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; mặt khác chúng ta đang thực hiện nghiêm chính sách tinh giảm biên chế, người ít nhưng việc nhiều, trong khi tốc độ ứng dụng và hàm lượng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, việc tăng lương kịp thời sẽ góp phần bù đắp những áp lực cơ bản ấy.

Đại biểu Tuấn cho biết, lần điều chỉnh lương cơ sở gần đây nhất là 01/7/2019, nên nếu áp dụng tăng lương cơ sở vào ngày 01/7/2023 như Tờ trình của Chính phủ, thì mất 04 năm công chức, viên chức mới được tăng 20,8%... trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng qua các năm từ 2019 đến 2022 bình quân khoảng 11,8%. Như vậy, nếu trừ yếu tố lạm phát, trong 04 năm, tiền lương công chức, viên chức chỉ tăng khoảng 9%, điều này là không hợp lý so với mức tăng trưởng kinh tế cả nước hơn 20% trong giai đoạn từ 2019 đến 2022. Mặt khác, theo dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023 sẽ vào khoảng 4,5 - 5,0%, do vậy việc tăng lương cơ sở rất cần được quan tâm thực hiện ngay từ đầu năm 2. Do vậy, đại biểu Tuấn đề xuất tăng lương cơ sở từ 01/01/2023, sớm hơn 6 tháng so với Chính phủ trình Quốc hội.

+Trước đó vào ngày 20-10, trình bày báo cáo dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại phiên khai mạc họp thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2023, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách về lao động, tiền lương, trong đó thực hiện điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023. Cùng với đó, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ thực hiện điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%) từ 1/7/2023.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết đa số ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng do tác động của dịch bệnh tới tình hình thực hiện thu NSNN, lương cơ sở chưa được điều, chỉnh từ năm 2020 trở lại đây, theo đó nếu tiếp tục giữ mức 1,49 triệu đồng/tháng như năm 2019 sẽ ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người lao động trong khu vực nhà nước.

Bên cạnh đó, một số đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, người có công, phụ cấp nghề đối với các bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn có mức hưởng thấp, nhất là trong bối cảnh hiện nay nên việc điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng này là phù hợp./.

Thu Phương