ĐBQH TRẦN VĂN LÂM: CHƯA CÓ ĐỦ DỮ LIỆU THÔNG TIN CỦA THỊ TRƯỜNG ĐỂ ĐỊNH GIÁ ĐẤT Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG

01/11/2022

Đại biểu Trần Văn Lâm-Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, hiện chưa có đủ dữ liệu thông tin của thị trường để định giá đất ở các địa phương, vùng miền nên cần được xem xét kỹ lưỡng. Ngoài ra, việc xác định tính toán giá đất phải do cơ quan chức năng có trách nhiệm tổng thể cả về chính trị, xã hội đứng ra thực hiện.

GS.TS ĐẶNG HÙNG VÕ: NHÀ NƯỚC CẦN CÓ PHƯƠNG ÁN ĐỂ GIÁ TRỊ THỊ TRƯỜNG ĐƯỢC GHI TRÊN CÁC HỢP ĐỒNG CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI

ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: BỎ KHUNG GIÁ ĐẤT GÓP PHẦN CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI

Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm, với 5 lần sửa đổi, bổ sung và gần nhất là vào năm 2013. Nhiều ý kiến cũng như Tờ trình của Chính phủ đã chỉ ra, sau hơn 8 năm thực thi, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo so với các Luật khác dẫn đến việc mập mờ về trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện trong thực tiễn.

Một trong những bất cập là thị trường đất đai của Việt Nam hiện nay đang tồn tại cơ chế 2 giá đất. Đó là một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án. Giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá Nhà nước quy định. Thực tế cho thấy, sự chênh lệch rất lớn giữa 2 loại giá này đã gây ra nhiều hệ lụy khác nhau như khiếu kiện kéo dài, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...


Việc bỏ khung giá đất ở trongh dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết (ảnh minh họa: Internet).

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có đề cập về bỏ khung giá đất ở trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, vấn đề quan tâm và đặt ra đối với cơ quan quản lý Nhà nước là tiêu chí nào để định giá đất sát với thị trường và nên giao cho đơn vị, cơ quan nào thực hiện.

Đóng góp ý kiến vào vấn đề trên, đại biểu Trần Văn Lâm- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc định giá đất ở các địa phương, vùng miền chưa có đủ dữ liệu thông tin của thị trường để làm căn cứ xác định giá. Vì vậy, khi xem xét sửa đổi Luật Đất đai, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này. Việc xác định tính toán giá đất thì phải do cơ quan chức năng có trách nhiệm tổng thể cả về chính trị, xã hội thực hiện như từ Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh trở lên.

Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật đất đai (sửa đổi). Đại biểu quan tâm đến nội dung nào nhất và có ý kiến, đề xuất như thế nào?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tôi quan tâm nhất là vấn đề định giá đất, tiền trả cho người dân sao cho hài hòa giữa doanh nghiệp và các lợi ích của Nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ được giao khi địa phương giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án. Có như vậy, việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang các loại đất khác mới thuận lợi, nhanh chóng và hạn chế được những khiếu kiện phức tạp, tiêu cực, tham nhũng…

Việc xác định giá đất như thế nào, các quy trình, thủ tục liên quan đến vấn đề định giá đất là nội dung cần được xem xét kỹ lưỡng trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.

Phóng viên: Hiện nay, khung giá đất thực tế ở trên thị trường thường cao hơn nhiều giá đất do Nhà nước quy định. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai kéo dài. Để khắc phục tình trạng này, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ khung gia đất. Theo đại biểu, để việc bỏ khung giá đất có thể áp dụng hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống thì cần có chế tài đủ mạnh như thế nào?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Việc định giá đất trong thời gian qua cho thấy có lợi ích nhóm và có những hành vi tham nhũng, tiêu cực từ đất đai. Chính vì thế nên mới cản trở và kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng, thậm chí phát sinh khiếu nại, tố cáo.


Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Hiện nay, khung giá đất do Nhà nước quy định đã lạc hậu, thấp hơn nhiều lần so với giá đất trên thị trường. Khi giải phóng mặt bằng, việc định giá đất được tính như trong khung nhưng thực tế giá trên thị trường rất cao, vượt khung nhiều. Chính vì vậy mới có chuyện người dân bức xúc, phản đối việc giải phóng mặt bằng, thực hiện đền bù và trả đất cho địa phương thực hiện các dự án.

Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quy định việc bỏ khung giá đất của Nhà nước quy định và cơ quan chức năng cần tính toán giá đất sát với giá thị trường. Như vậy, cơ chế đã được mở ra nhưng làm thế nào để thực hiện được việc này mới là vấn đề cần bàn luận, đặt ra thách thức với cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi vì việc định giá đất ở các địa phương, vùng miền chưa có đủ dữ liệu thông tin của thị trường để làm căn cứ xác định giá. Vì vậy, khi xem xét sửa đổi Luật Đất đai, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này.

Phóng viên: Có ý kiến nêu lên là việc tính giá đất nên do một cơ quan độc lập, có trách nhiệm thực hiện hoặc do địa phương thực hiện dựa trên thăm dò ý kiến, đề xuất của người dân. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Việc định giá hàng hóa theo Luật Giá hiện hành có cơ quan, công ty tư vấn để xác định giá đối với một số mặt hàng. Tuy nhiên, để các công ty tư vấn này định giá đối với lĩnh vực đất đai thì không thể được mà phải theo Luật Đất đai. Hiện các công ty tư vấn không có đủ các cơ sở dữ liệu quốc gia để nắm bắt, tổng hợp thông tin để xác định giá đất cho phù hợp.

Việc xác định giá đất không chỉ đơn thuần liên quan đến vấn đề kinh tế, lợi ích giữa Nhà nước-doanh nghiệp và người dân mà còn liên quan đến ổn định chính trị, xã hội. Cho nên, việc xác định tính toán giá đất phải do cơ quan chức năng có trách nhiệm tổng thể cả về chính trị, xã hội đứng ra xem xét. Vì vậy, việc định giá đất là phải giao cho cơ quan chức năng như Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh xác định và hàng năm xây dựng hệ số phù hợp.

Khi Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh được giao xem xét định giá đất thì các Bộ, ngành có chức năng hướng dẫn, kiểm tra việc định giá đất theo quy định pháp luật.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan