THẢO LUẬN TỔ 9: ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HƠN NỮA, SÂU HƠN, PHÙ HỢP HƠN VỚI ĐẶC ĐIỂM ĐỊA PHƯƠNG

27/10/2022

Sáng 26/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Nam, Thừa Thiên – Huế về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, các đại biểu cơ bản nhất trí với chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Đồng thời đề nghị nghiên cứu làm sâu sắc hơn những nội dung chính sách, lựa chọn cơ chế phù hợp để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, thực hiện được mục tiêu phát huy tiềm năng, thế mạnh tạo bước đột phát trong tăng trưởng cho địa phương.

CẦN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐỂ TP BUÔN MA THUỘT THÀNH TRUNG TÂM ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC VÀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

TỔNG THUẬT CHIỀU 20/10: QUỐC HỘI TIẾP TỤC NGHE BÁO CÁO VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NSNN 2022, DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)...

Thảo luận tại Tổ, các đại biểu Quốc hội cho biết thời gian qua Quốc hội đã ban hành một số nghị quyết để cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương, bước đầu cho thấy các chính sách phát huy phần nào hiệu quả đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên đối với đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đây là trường hợp đặc biệt khi lần đầu trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị cấp huyện.

Thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Nam, Thừa Thiên – Huế

Cơ bản thống nhất với chủ trương cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột, các đại biểu nêu rõ, Thành phố Buôn Ma Thuột có vai trò đặc biệt quan trọng của đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên. Đồng thời việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này cũng nhằm thể chế, cụ thể hóa Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng văn bản pháp luật cho phép thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù” nhằm góp phần phát triển Thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, cho ý kiến về các chính sách cụ thể, đại biểu các chính sách còn ít; khó tạo sức lan tỏa vùng miền, trong khi đó mục tiêu ban hành Nghị quyết này theo Tờ trình của Chính phủ, không chỉ nhằm phát triển một Thành phố Buôn Ma Thuột mà là tạo cơ sở để phát triển cả khu vực Tây Nguyên.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết trao cho Buôn Ma Thuột một số cơ chế, chính sách đặc thù, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, các chính sách lần này nằm trong 4 lĩnh vực về tài chính ngân sách, thuế, quy hoạch và thu hút nhân lực chất lượng cao đều đã được cho phép thực hiện thí điểm ở một số địa phương khác từ 2016 đến nay. Đại biểu mong muốn tạo điều kiện cho địa phương phát triển theo khung chung nhưng nội dung khác nhau phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ ủng hộ cơ chế ưu đãi về thuế đối với dự án đầu tư trên địa bàn nhất là ưu đãi đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; y tế, giáo dục và đào tạo và ưu đãi đối với sản xuất, chế biến cà phê theo đó, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất đối với các Dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột. Cùng với đó, là ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt cũng phù hợp bởi hiện Đắk Lắk có hệ thống các trường đại học, cao đẳng và một số trường chuyên sâu về kĩ thuật như trường Đại học Đông Á, Cao đẳng thực hành FPT, Cao đẳng Kĩ thuật Đắk Lắk. Đại biểu cho rằng cơ chế chính sách góp phần tạo cơ hội, tạo sức bật mới cho tỉnh, để phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo lớn không chỉ cho toàn vùng Tây Nguyên và một số địa phương của nước bạn Lào. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có đánh giá kĩ lưỡng cả về hiện trạng hệ thông giáo dục đào tạo, báo cáo làm rõ tác động của chính sách.

Góp ý về các nội dung chính sách cụ thể, đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, dự thảo Nghị quyết quy định: Tỉnh Đắk Lắk được vay không vượt quá 40% số thu ngân sách. Phần dư nợ tăng thêm được dành để đầu tư các dự án trên địa bàn. Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp để thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng và sử dụng toàn bộ phần dư nợ vay tăng thêm. Từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư công như hiện nay, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng với cơ chế hiện nay vay về nhưng chưa chắc đã giải ngân được, chưa chắc đã đầu tư được. Do đó, theo đại biểu cơ chế này chưa thể hiện rõ tính đặc thù và khả năng áp dụng trên thực tế chưa chắc đã phát huy được hiệu quả cao.

Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Cũng theo đại biểu Trần Văn Khải, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp trong dự thảo Nghị quyết cũng không cao. Điểm đáng chú ý là về quản lý quy hoạch trong bối cảnh thực hiện nghiêm luật quy hoạch, điều chỉnh quy hoach phức tạp, dự thảo Nghị quyết quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của Thành phố Buôn Ma Thuột. Đại biểu cho rằng với vị trí địa lý của Buôn Ma Thuột có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng, việc giao cho tỉnh điều chỉnh quy hoạch cần phải thận trọng, kĩ lưỡng. Lưu ý đề xuất thận trọng trong phân cấp cho địa phương về công tác quy hoạch cũng là ý kiến của đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam hay của đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ.

Theo đại biểu Trần Văn Khải, điều cấp thiết hiện nay đối với địa phương là đẩy nhanh tiến độ thực hiện đường cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa, dù đã ấn định thời điểm khởi công nhưng đến nay vẫn rất khó khăn. Với một địa phương có vị trí đặc biệt nhưng không có đường biển, không có đường sắt chỉ có đường bộ và đường hàng không mà đường hàng không cũng rất hạn chế. Do đó chi phí logistic tại đây cao là điều khiến các nhà đầu tư e ngại. Đại biểu cho rằng đã ban hành nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù thì phải đặc thù sâu hơn nữa trong khả năng có thể để thu hút nguồn lực xã hội phát triển thành phố quan trọng trong địa bàn.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng chính sách về miễn thuế và cho vay sẽ khó thực hiện bởi như trường hợp của Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 cũng chưa triển khai được nhóm chính sách này. Do đó cần có rà soát để đề xuất chính sách phù hợp. Theo đó, lần này cần có đề xuất chính sách đặc thù về cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tốc độ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công nhất là gắn với hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, thu hút.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận tổ:

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Đại biểu Pham Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Đại biểu Bùi Minh Châu - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Bảo Yến - Trọng Quỳnh