CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV: LAN TỎA TINH THẦN HỘI NGHỊ BCH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG GẮN VỚI NHỮNG QUYẾT SÁCH ĐÚNG ĐẮN, SÁNG SUỐT
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp
Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và nghe Nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đồng thời Quốc hội tiến hành thảo luận.
11h23: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với tinh thần dân chủ, khẩn trương, nghiêm túc, Phiên thảo luận đã có 23 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 1 ý kiến tranh luận, còn 5 đại biểu chưa phát biểu vì hết thời gian, đề nghị các đại biểu gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, báo cáo Quốc hội.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hoàng Phong đại diện cho cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã bước đầu báo cáo tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm một số nội dung được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua các ý kiến phát biểu của Quốc hội cho thấy, về cơ bản các vị đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung cơ bản trong Báo cáo giải trình, tiếp thu Ủy ban thường vụ Quốc hội và dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội kỳ họp này.
Đồng thời, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cũng đã phân tích sâu sắc, góp ý làm rõ thêm nhiều nội dung cụ thể, thể hiện sự nghiên cứu rất cụ thể, sâu sắc, bày tỏ rõ quan điểm, góp ý cụ thể, trí tuệ, thẳng thắn vào nhiều nội dung cụ thể nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, sự phù hợp của tổ chức, của hoạt động của hệ thống thanh tra với yêu cầu thực tiễn đổi mới và đáp ứng tính khả thi của các quy định trong dự thảo luật, đồng bộ giữa hoạt động, các hoạt động thanh tra với nhau và hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán và các hoạt động quản lý nhà nước khác.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổng thư ký Quốc hội sẽ tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận bằng văn và ý kiến bằng văn bản của các vị đại biểu Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và báo cáo Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thông qua vào cuối kỳ họp này.
11h13: Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Thanh tra Chính phủ đã trình bày tờ trình, dự thảo luật được thảo luận tại tổ và hội trường và cơ quan soạn thảo đã có tiếp thu giải trình gửi đại biểu Quốc hội. Thời gian qua cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.
Giải trình về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện nay gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện để đảm bảo nguyên tắc “ở đâu có quản lý nhà nước, ở đó có thanh tra”, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở, nhất là đối với Thanh tra cấp huyện. Do đó, sau khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc kiện toàn, tổ chức nâng cao năng lực cho cơ quan thanh tra huyện đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay.
Về hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành lĩnh vực tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định việc thành lập Thanh tra Tổng cục thuộc Bộ với các tiêu chí cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này. Dự thảo Luật đã chỉnh lý việc thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ như Bảo hiểm xã hội, Ủy ban Quản lý vốn, Ban Cơ yếu Chính phủ theo hướng quy định tiêu chí, nguyên tắc thành lập. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể.
Về mối quan hệ giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thanh tra, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định rõ hơn trách nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động thanh tra và quy định rõ việc tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra; đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định đối với dự thảo kết luận các cuộc thanh tra liên quan đến an ninh quốc phòng, các cuộc thanh tra do Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo hoặc theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thì cơ quan thanh tra phải báo cáo bằng văn bản xin ý kiến của thủ trưởng cơ quan nhà quản lý nhà nước cung cấp trước khi ký ban hành kết luận thanh tra.
Về xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với Kiểm toán Nhà nước; tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định cụ thể việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra Dự thảo Luật quy định rõ, mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra hàng năm. Dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước hàng năm phải đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán để làm căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.
Về Thanh tra Sở, việc phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân các tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn; đồng thời góp phần sắp xếp, tinh gọn bộ máy, khắc phục tình trạng của các địa phương Sở nào cũng có thanh tra nhưng không đảm bảo biên chế cho tổ chức và hoạt động thanh tra. Do vậy dự thảo Luật quy định rõ các trường hợp được thành lập Thanh tra Sở.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục phối với cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi trình Quốc hội xem xét thông qua với chất lượng tốt nhất.
11h08: Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu: Rà soát các quy định về điều động, biệt phái Chánh thanh tra
Tham gia thảo luận, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật được tiếp thu chỉnh lý trình tại Kỳ họp lần này. Quan tâm tới vấn đề bổ nhiệm, miễn nhiễm, điều động, biệt phái Chánh thanh tra quy định tại các Điều 17, 21, 25, 29, 33, đại biểu nêu rõ, dự Luật quy định khi điều động biệt phái thì thủ trưởng các cơ quan phải tham khảo ý kiến tham tra cơ quan cấp trên. Đề nghị không nên giữ quy định này trong dự án Luật vì đây là vấn đề thuộc thẩm quyền riêng của thủ trưởng cơ quan đơn vị.
Đại biểu cũng phân tích thêm, tại Khoản 3 Điều 6 của Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng cơ quan khác của Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị về nội dung thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Do đó, các điều khoản khác trong Dự thảo Luật về điều động, biệt phái Chánh thanh tra cũng cần đảm bảo sự thống nhất để tạo tính chủ động cho các cơ quan thanh tra…
Về việc thẩm định kết luận thanh tra chuyên ngành, dự thảo Luật quy định, “kết thúc cuộc thanh tra, bao gồm: báo cáo kết quả thanh tra; xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, trừ trường hợp không cần thiết phải thẩm định theo quy định tại khoản 1 Điều 75 của Luật này; ban hành kết luận thanh tra; công khai kết luận thanh tra.” Tuy nhiên, khoản 1, Điều 75 chỉ quy định chung là: “Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh và dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết.” Như vậy, dự thảo luật quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa rõ các trường hợp, đại biểu đề nghị cần làm rõ, quy định chặt chẽ nội dung này.
11h04: Đại biểu Lê Thị Thanh Lam Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Bổ sung thêm quy định Phó Chánh thanh tra huyện do Chủ tịch UBND cấp huyện bộ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Góp ý về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh tại Khoản 1, Điều 23, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị bổ sung cụm từ “Thanh tra tỉnh chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ chuyên môn của Tổng Thanh tra Chính phủ”.
Tại Điều 25 về tổ chức của Thanh tra tỉnh, đại biểu đề nghị bổ sung quy định Giám đốc Sở Nội vụ trao đổi ý kiến với Chánh Thanh tra tỉnh về việc điều động, bổ nhiệm Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra cấp huyện, thanh tra viên vào nội dung quy định tại Khoản 2. Theo đại biểu, việc bổ sung quy định trên nhằm tạo điều kiện cho Chánh Thanh tra tỉnh chủ động hơn trong công tác điều động, luân chuyển công chức của thanh tra.
Góp ý về Điều 33 về tổ chức thanh tra huyện, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị bổ sung thêm quy định Phó Chánh thanh tra huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bộ nhiệm, miễn nhiệm cách chức sau khi thống nhất với Chánh thanh tra.
Đối với quy định về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, đại biểu đề nghị giữ nguyên thẩm quyền ban hành về kế hoạch thanh tra hàng năm của Thanh tra sở như quy định hiện hành. Vì thực tế nội dung đối tượng thanh tra chuyên ngành của sở có rất nhiều nội dung đối tượng, lĩnh vực chuyên ngành không giống nhau.
Góp ý về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra quy định tại Khoản 3, Điều 111, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị cần xác định phải trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra và giao Chính phủ quy định. Về thành lập đoàn thanh tra, đại biểu đề nghị bổ sung một điều quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Trưởng đoàn thanh tra cho phù hợp với nội dung theo quy định tại Điều 57 của dự thảo luật…
Ngoài ra, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cũng đề nghị bổ sung thêm thanh tra ở cơ quan bảo hiểm xã hội bởi vì Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có thanh tra chuyên ngành nhằm để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.
10h56: Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng: Đề nghị quy định số lượng các cuộc thanh tra trong năm
Phát biểu thảo luận dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhất trí với các đại biểu về xử chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra. Đại biểu cho rằng cụm từ không chồng chéo, trùng lặp được lặp lại nhiều lần nhưng thực tế cho thấy là tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra, ảnh hưởng đến điều hành hoạt động của địa phương. Do đó, đại biểu đề nghị là nên quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với lại bộ, ngành, địa phương.
Tại Điều 76 về ban hành kết luận thanh tra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng việc chậm ban hành kết luận thanh tra thì dự thảo luật còn bỏ trống, chưa được quy định rõ. Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với lại bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm.
Từ đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra trong dự thảo luật.
10h59: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu
Nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng dự thảo Luật lần này đã tương đối hoàn chỉnh, giải quyết được nhiều vấn đềm bất cập, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế hoạt động thanh tra.
Về quy định đối với thanh tra viên, tại Chương 3 của Dự thảo Luật đã quy định cụ thể một số nội dung, các nội dung còn lại giao Chính phủ quy định chi tiết. Cách thể hiện như vậy chưa đảm bảo tính bao quát của văn bản luật, có nguy cơ bỏ trống một số nội dung cần được quy định cụ thể như yêu cầu về nhiệm vụ, trình độ, thâm niên công tác, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm. Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung quy định cụ thể hơn.
Đại biểu đề nghị lược bỏ Điều 100 của Dự thảo Luật quy định về giá trị của kết luận thanh tra, vì nội dung kết luận thanh tra là cơ sở pháp lý để thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước xử lý và chỉ đạo tổ chức thực hiện những nội dung đã nêu trong kết luận thanh tra. Những nội dung này đã được thể hiện đầy đủ, cụ thể tại Điều 101, 102, 103 quy định về trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan. Nên quy định tại điều 100 là không cần thiết.
Ngoài ra, đại biểu án thành việc thành lập cơ quan thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ theo ngành dọc, đóng tại các địa phương.
10h50: Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Không mở rộng điều chỉnh đối với thanh tra chuyên ngành của BHXH
Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh bày tỏ đồng tình và thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Góp ý cụ thể về nội dung liên quan đến thanh tra chuyên ngành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại biểu Thịnh nêu rõ, Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định về thanh tra chuyên ngành về thanh tra bảo hiểm xã hội ở Điều 13, theo đó quy định thanh tra lao động thương binh và xã hội thực hiện thanh tra chuyên ngành về thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về thanh tra; thanh tra tài chính thực hiện thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về thanh tra; cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo quy định của luật này và các pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, trên thực tế iệc thực hiện thanh tra chuyên ngành của các cơ quan bảo hiểm xã hội đã được tổ chức và hoạt động ở cả cấp trung ương và cấp địa phương đã phát huy hiệu quả. Vì vậy trong trường hợp đưa phạm vi về thanh tra chuyên ngành của cơ quan bảo hiểm xã hội vào phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này thì cần phải cân nhắc, nếu quy định phải đảm bảo cụ thể rõ ràng, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan này.
Đại biểu đề xuất nên đưa nội dung này ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh tra (sửa đổi) và đề nghị thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội.
10h44: Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Đề nghị quy định rõ chế tài xử lý việc chậm ban hành kết luận thanh tra
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cơ bản thống nhất với các điều khoản quy định ở dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này. Từ thực tiễn, đại biểu quan tâm về vấn đề xử lý chồng chéo.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, đây là vấn đề cần thiết, làm sao tránh tạo áp lực nặng nề cho đơn vị thanh tra. Vì thực tiễn những đơn vị sản xuất kinh doanh khi có đoàn thanh tra vào, thì các đối tác kỳ hợp đồng rất dè dặt và khó khăn. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào chất lượng của các đoàn thanh tra, các cấp thanh tra. Nếu quy định như vậy không khéo thì sẽ trở thành cấp bảo lãnh cho các đơn vị đó. Đại biểu nêu rõ, vấn đề ở đây về chất lượng là rất quan trọng
Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần nghiên cứu sao cho hợp lý. Vấn đề ở đây là ai chủ trì để tránh chồng chéo. Lúc triển khai kế hoạch phát hiện chồng chéo thì lại bỏ bổ sung kế hoạch đã được duyệt từ trước. Do đó, cần phải xem xét, quy định thật rõ, cụ thể.
Quan tâm đến vấn đề kết luận thanh tra với kiểm toán nhà nước khác nhau, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, thực tế đã diễn ra tình trạng này. Đồng thời băn khoăn nếu trong trường hợp có độ trễ, Kiểm toán nhà nước có kết luận khác với kết luận thanh tra thì xử lý như thế nào? Đại biểu Tạ Văn Hạ nhận thấy, Luật phải quy định chế tài vấn đề này ra sao, trách nhiệm của Trưởng đoàn đưa ra kết luận. Như vậy, dự thảo Luật phải quy định rõ vấn đề này và khắc phục hậu quả như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ.
Về vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra, đại biểu cho rằng, có những cuộc thanh tra từ năm 2015, 2016 mà đến giờ vẫn chưa có kết luận thanh tra. Đại biểu băn khoăn việc giải quyết chậm ban hành kết luận thanh tra ra sao, nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục thế nào và chế tài ra sao.
Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Văn Hạ còn chỉ ra thực tế người ký kết luận thanh tra lại không tham gia Đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ báo cáo với người quyết định thanh tra. Đại biểu băn khoăn, khi có mâu thuẫn trong quá trình thẩm định, thanh tra rồi mà không ban hành được kết luận thanh tra. Quy định vấn đề này như thế nào, chế tài ra sao, đại biểu đề nghị cần được quy định rõ. Thực tế hiện hữu đang xảy ra mà chúng ta chưa khắc phục được.
10h38: Đại biểu Trần Nhật Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Đề nghị làm rõ nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra độc lập
Về nội dung cho phép thành lập cơ quan thanh tra độc lập tại Tổng cục thuộc Bộ và Cục thuộc Tổng cục đối với các cơ quan quản lý thu như thuế, hải quan, đại biểu Trần Nhật Minh nêu rõ, theo quy định của Luật hiện hành đang thực hiện chức năng thanh tra và bố trí đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, song không tổ chức thanh tra độc lập. Trong khi đó, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này được chuyển thành tổ chức thanh tra độc lập.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Nhật Minh bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Mai Văn Văn Hải phát biểu trước đó và đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ để cân nhắc phù hợp từ góc độ về kinh phí thực hiện, cần làm rõ về nội dung quyền hạn và trách nhiệm giữa người đứng đầu tổ chức thanh tra thuộc cơ quan quản lý thu và thủ trưởng cơ quan quản lý thu cấp Tổng cục đối với nội dung các vụ việc được thanh tra.
Về quy định cho phép các cơ quan thanh tra được trích một phần tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra, dự thảo Luật đã quy định theo quy định của Chính phủ, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị nên quy định rõ tỷ lệ được trích trong dự thảo Luật để bảo đảm tính rõ ràng, thống nhất và nên quy định ở mức tương thích, đảm bảo công bằng giữa các lực lượng.
Ngoài ra đại biểu cũng góp ý về một số quy định còn chồng chéo như về nhiệm vụ quyền hạn của Chánh Thanh tra Bộ với nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh trong xem xét, xử lý những vấn đề liên quan đến công tác thanh tra. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về thẩm quyền xử lý trong trường hợp này.
Cùng theo đại biểu, khi xảy ra trường hợp chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra Bộ với Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở hoặc Thanh tra huyện thì chỉ nên quy định Chánh Thanh tra Bộ trao đổi với Chánh Thanh tra tỉnh là phù hợp, đúng thẩm quyền, tập trung một đầu mối ở địa phương để dễ thực hiện, tránh sự rườm rà về mặt thủ tục tương tự.
10h33: Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Nhất trí thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ
Cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật được tiếp thu chỉnh lý trình tại Kỳ họp lần này, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh quan tâm cho ý kiến về vị trí, chức năng của Thanh tra Tổng cục, Cục; Thanh tra Cục thuộc Tổng cục.
Theo đại biểu, tại Điều 18, đã quy định về việc thành lập thanh tra Tổng cục, Cục là hoàn toàn phù hợp. Việc quy định như vậy sẽ giúp tạo thuận lợi cho thanh tra ngành bao phủ phát huy hiệu quả hoạt động; việc thành lập ko làm phát sinh bộ máy, biên chế mới; việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra Tổng cục, Cục đã được Dự thảo Luật quy định rõ cơ chế kiểm soát, hạn chế chồng chéo nhất định.
Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra quy định tại Điều 53, đại biểu chỉ rõ, Khoản 1 điều này có quy định khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật này, bảo đảm tại một thời điểm chỉ có một cơ quan thực hiện. Tuy nhiên, điều luật vẫn chưa quy định rõ cơ chế xử lý chồng chéo nếu hai cơ quan không thống nhất được với nhau thì sẽ xử lý ra sao. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, làm rõ thêm nội dung này.
Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 53 cũng quy định việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra Bộ, thanh tra tỉnh, thanh tra sở…Tuy nhiên, các quy định này cũng chưa thật sự tường minh. Do đó, cần quy định nguyên tắc xử lý chồng chéo giữa thanh tra Bộ và thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và các cơ quan thanh tra.
Về bổ nhiệm Chánh Thanh tra tỉnh, sở, huyện, dự thảo Luật quy định Chánh Thanh tra tỉnh, sở, huyện do Thủ trưởng cơ quan nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan thanh tra cấp trên. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại cụm từ “tham khảo ý kiến”, vì việc này có thể trao đổi qua điện thoại, hoặc trực tiếp, nên không có căn cứ, giá trị pháp lý khi xảy ra vi phạm.
Mặt khác, Bộ Chính trị đã có văn bản quy định phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền giới thiệu cán bộ ứng cử, vì vậy, không nên quy định vào luật việc phải tham khảo ý kiến của thanh tra cấp trên.
10h27: Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai: Đề nghị bổ sung thêm quy định về nghiệp vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra sở.
Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cơ bản tán thành với nội dung trong dự thảo luật và báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản tại Điều 28 về nghiệp vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra sở. Cụ thể, đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện các văn bản luật, pháp lệnh và các văn bản khác có liên quan cho phù hợp với yêu cầu quản lý của Sở và tình hình thực tiễn của địa phương.
Tại Điều 55 về hồ sơ thanh tra, Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết khoản 3 dự thảo luật có nêu: Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày kết thúc hồ sơ thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm là bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan tiến hành thanh tra.
Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa chặt chẽ và chưa đầy đủ, đề nghị sửa đổi, bổ sung cùng từ “ngày làm việc” và viêt lại: Chậm nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc hồ sơ thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm bàn giao cho cơ quan tiến hành thanh tra, ghi rõ ngày làm việc vì thời gian làm việc, quy định của các văn bản pháp luật khác và các quy định của Nhà nước là Thứ bảy, Chủ nhật, những ngày lễ, ngày Tết là ngày nghỉ, không để ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách pháp luật khác cũng như các quy định của Đảng và Nhà nước.
Về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra, trong đó khoản 3 Điều 111 của dự thảo quy định: Các cơ quan thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ, để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất, khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.
Đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng đây không phải là nguồn kinh phí thường xuyên, cơ bản, chỉ mang tính chất hỗ trợ, động viên nên đưa vào kinh phí hoạt động này chưa phù hợp; đề nghị sửa thành kinh phí được trích từ các khoản thu hồi do phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này. Ngoài ra, đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cũng góp ý về Điều 113 chế độ, chính sách đối với thanh tra viên, Điều 49 về căn cứ ra quyết định thanh tra.
10h21: Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Quy định cụ thể về thanh tra chuyên ngành
Đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, thanh tra chuyên ngành đã được đề cập tới ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, có sự chồng chéo giữa pháp luật về thanh tra và pháp luật chuyên ngành. Phần lớn các luật chuyên ngành đều có phần đề cập đến thanh tra chuyên ngành, quy định rõ mục đích, khái niệm, nội dung thanh tra chuyên ngành.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ chế định thanh tra chuyên ngành trong luật thanh tra để thống nhất điều chỉnh hệ thống thanh tra chuyên ngành trên toàn quốc thuộc mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Thực tế hiện nay, có nhiều hoạt động thanh tra chuyên ngành có tên gọi khác nhau, nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh, như kiểm tra chuyên ngành, giám sát an toàn, kiểm tra nhà nước, kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn khái niệm thanh tra chuyên ngành, như định nghĩa, giải thích từ ngữ, mục đích thanh tra chuyên ngành gắn với đặc điểm tính chất và yêu cầu quản lý nhà nước chuyên ngành, làm rõ tầm quan trọng để hoàn thiện chế định về thanh tra chuyên ngành trong Luật Thanh tra.
10h14: Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu thảo luận
Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Mai Văn Hải đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các nội dung của dự thảo Luật trình Quốc hội. Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu góp ý về quy định cơ quan thanh tra và xử lý thu hồi tài sản sau thanh tra.
Về quy định về cơ quan thanh tra được quy định tại Điều 9, đại biểu Mai Văn Hải thống nhất với cơ quan thanh tra được thành lập cơ quan hành, bên cạnh đó đề xuất rằng nên tiếp tục cân nhắc lại việc thành lập thanh tra Tổng cục, thanh tra Cục thuộc Tổng cục. Đại biểu cho rằng thành lập các tổ chức thanh tra, các cơ quan thanh tra trong Tổng cục hoặc là Cục thuộc Tổng cục sẽ là tăng về số lượng biên chế, chi phí tiền lương…
Về xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, đại biểu Mai Văn Hải đề xuất phương án nên quy định xử lý chồng chéo giữa thanh tra hành chính với nhau thành một nội dung và một nội dung là quy định về xử lý chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành.
Về quy định công khai kết luận thanh tra theo quy định tại Điều 77, đại biểu Mai Văn Hải nhấn mạnh đề nghị nên xem xét về quy định thời gian công khai đối với việc công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hay công khai theo hình thức niêm yết tại cơ quan của đối tượng thanh tra.
Về vấn đề thu hồi tài sản sau thanh tra, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần trao thêm quyền cho trưởng đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra để kịp thời xử lý tiền, tài sản vi phạm kể cả ngay trong quá trình thanh tra chứ không phải chờ sau khi kết luận thanh tra mới ban hành các quy định để xử lý.
10h08: Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Đề xuất chỉnh sửa, bổ sung một số từ ngữ dùng trong dự thảo Luật
Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà bày tỏ đánh giá cao chất lượng của dự thảo Luật trình ra Quốc hội lần này.
Đại biểu Hà cho biết, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 78 quy định người dân quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm.
Theo đại biểu, quy định này còn 4 hạn chế sau:
Một là không thống nhất với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng. Vì cả hai văn bản luật này đều quy định phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật hoặc chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra và cả hai văn bản luật này đều quy định việc chuyển ngay tài liệu, đồ vật, hồ sơ sang cơ quan điều tra là trách nhiệm chứ không phải là nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra.
Hai là không bảo đảm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về phòng, chống tội phạm nói chung và các tội phạm tham nhũng nói riêng, đó là xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản cũng không bảo đảm nguyên tắc xử lý tội phạm trong Bộ luật Hình sự là mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật cũng như nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự là xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.
Ba là không thể hiện thái độ kiên quyết, mạnh mẽ của Quốc hội và mệnh lệnh rõ ràng, dứt khoát của nhân dân đối với trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như trong xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra; Bốn là không đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các tội phạm về tham nhũng trong tình trạng hiện nay. Đại biểu nhấn mạnh, tình trạng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra trong thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt để tiêu xài, hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả.
Với bốn hạn chế nêu trên, đại đề nghị bổ sung từ “trách nhiệm” vào sau từ “quyền hạn” trong tên Điều 78 và mũ của Khoản 1 Điều 78. Đồng thời, bổ sung từ “phải” và từ “ngay” vào Điểm b, Khoản Một, Điều 78 của dự thảo luật thành “phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật, hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra”; bổ sung một cách hợp lý các từ “phải” và “ngay” nêu trên vào Điều 6, Điều 8, Điều 66…
10h02: Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cần bổ sung các quy định về nội dung của kết luận thanh tra
Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này, đại biểu Phạm Thì Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và nhiều nội dung trong dự thảo Luậ.
Để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội thông qua, đại biểu Phạm Thị Kiều quan tâm đến tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề tại Điều 77 và Điều 86, người ra quyết định thanh tra có nhiều nhiệm vụ quyền hạn, yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 86 quy định Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép. Theo quy định này, người ra quyết định thanh tra có thẩm quyền quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép, như vậy không thống nhất với quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 77.
Vì vậy, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị chỉnh lý lại quy định này đảm bảo tính thống nhất. Về kiến nghị trong hoạt động thanh tra, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị đưa nội dung kiến nghị tại Điều 92 về Điều 94 để tránh trùng lắp.
Quan tâm đến kết luận thanh tra tại Chương 5, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bổ sung các quy định về nội dung của kết luận thanh tra, bên cạnh việc bảo đảm đúng quy định của pháp luật cần phải đảm bảo tính khả thi trong khi thực hiện, tránh các vướng mắc như thời gian qua.
Liên quan đến hợp pháp giữa thanh tra và kiểm toán nhà nước tại Chương 6, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị chỉnh lý lại quy định tại Điều 107 của dự thảo luật để thể hiện rõ cơ quan nào là cơ quan chủ trì, cơ quan nào là cơ quan phối hợp, đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, tránh các vương mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra.
9h58: Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật bảo đảm tuân thủ đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Đánh giá cao việc nghiên cứu tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng chỉ rõ hồ sơ dự thảo Luật còn thiếu dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành luật.
Để bảo đảm tuân thủ đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung dự thảo các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành đối với những điều khoản giao Chính phủ quy định. Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị rà soát để hoàn thiện các quy định về ban hành quy định thanh tra, nhiệm vụ quyền hạn của người ra quyết định thanh tra. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định cơ quan thanh tra ở cơ quan Bảo hiểm xã hội.(còn tiếp)
9h52: Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Tránh sửa đổi, điều chỉnh kết luận thanh tra một cách tùy tiện
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu rõ, Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 Chương 118 Điều trình tại Kỳ họp này đã chuẩn bị khá công phu, tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều khoản cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc, xem xét một cách kỹ lưỡng để Luật lần này giải quyết được nhiều bất cập của Luật Thanh tra hiện hành.
Quan tâm đến nội dung tại Điều 4 về nguyên tắc hoạt động thanh tra, đại biểu chỉ ra rằng Dự Luật có quy định, hoạt động thanh tra tuân theo pháp luật; dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác. Đại biểu đề nghị cần đề cao, nêu rõ tính chất độc lập của hoạt động thanh tra. Theo đó, cần sửa đổi điều này thành, hoạt động thanh tra tuân theo pháp luật; độc lập, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu thêm đối với trường hợp cơ quan thanh tra không đồng ý với văn bản trả lời của cơ quan chức năng có trách nhiệm liên quan trong việc xem xét, kiến nghị khởi tố vụ án. Đồng thời, cần xem xét, bổ sung, sửa đổi khoản 2 Điều 7 thành: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thanh tra chuyển đến và trả lời bằng văn bản về việc xử lý kiến nghị đó. Trong trường hợp không đồng ý với văn bản trả lời của cơ quan thẩm tra, cơ quan thanh tra gửi văn bản đề nghị cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét lại vụ việc.
Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, đại biểu đề nghị cần quy định rõ việc phối hợp xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng. Đại biểu hy vọng dự án Luật lần này sẽ phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, nhưng không làm lãng phí nguồn lực, chồng chéo công việc, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Về kết luận thanh tra, để đảm bảo tính chặt chẽ của dự án Luật, cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ sung, sửa đổi kết luận thanh tra, nhằm tránh tiêu cực, hạn chế việc sửa đi sửa lại kết luận thanh tra.
9h49: Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH Nam Định: Cần thiết tổ chức cơ quan thanh tra trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH Nam Định tán thành với các quy định của Luật thanh tra được trình ra kỳ họp lần này, trong đó đã xử lý được những vướng mắc, khó khăn đối với Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, đồng thời còn khẳng định hệ thống tổ chức của Thanh tra Cục thuộc Tổng cục thuộc Bộ mà đơn vị đóng tại địa phương, ví dụ như Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Thống kê. Riêng trong lĩnh vực thuế và hải quan nếu bỏ chức năng thanh tra thì ngân sách nhà nước sẽ có nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn thu lớn và ổn định, bền vững của ngân sách nhà nước. Hiệu quả của thanh tra Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh và khu vực là không phải bàn cãi.
Vì thế, đại biểu cho rằng cần thiết tổ chức cơ quan thanh tra ở Cục thuộc tổng cục thuộc Bộ để tăng sự huy động vào ngân sách nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng cho phép thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành khi đáp ứng đủ hai điều kiện. Đó là được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và hai được giao nhiệm vụ thanh tra.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã thể hiện cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đủ điều kiện để thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, hệ thống cơ quan bảo hiểm xã hội cũng được tổ chức theo hệ thống ngành dọc từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, giống như Cục Thuế, Chi cục thuế, Cục Hải quan ở tỉnh hoặc ở khu vực và Bảo hiểm xã hội cũng có phạm vi, đối tượng quản lý lớn và quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế xã hội.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhận thấy dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này đã quy định các cơ quan thanh tra, cục thuộc Tổng cục thuộc Bộ được thành lập theo quy định của Chính phủ, thì với hệ thống của Bảo hiểm xã hội là cơ quan thuộc Chính phủ tương tự như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê nhưng chưa được Luật Thanh tra khẳng định vị trí của Thanh tra Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 2016 đến năm 2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm về đối tượng, mức đóng bằng 120% với số tiền truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế…
Bên cạnh đó, Thanh tra bảo hiểm xã hội còn có đóng góp to lớn để bảo đảm việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, xử lý các vi phạm trong đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế kịp thời và nghiêm minh. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng cần thiết quy định trong Luật Thanh tra (sửa đổi) về cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội bao gồm ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ở Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
9h26: Quốc hội nghỉ giải lao
9h22: Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu tranh luận
Tranh luận về quy định tổ chức thanh tra sở, đại biểu cho rằng vẫn nên quy định việc thanh tra sở được thành lập ở những sở thuộc UBND tỉnh. Theo đại biểu, xuất phát từ chức năng, vị trí, vai trò của thanh tra đối với cơ quan quản lý nhà nước, ngành, lĩnh vực, thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước, là việc xem xét, đánh giá, xử lý của cơ quan nhà nước đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thanh tra là nội dung không thể thiếu của quản lý nhà nước, là giai đoạn cuối cùng của chu trình quản lý, có vai trò kiểm định, đánh giá hiệu quả. Thanh tra làm cho chu trình quản lý nhà nước được khép kín, các hoạt động quản lý nhà nước được gắn bó chặt chẽ hơn.
Qua thanh tra, sẽ có các kiến nghị để khắc phục những sơ hở, yếu kém, đề xuất những biện pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý cũng như sửa đổi cơ chế chính sách nhắm quản lý tốt hơn và hiệu quả hơn. Chính vì vậy, trong hoạt động quản lý nhà nước phải có thanh tra, và thanh tra phải phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước. Ở đâu có quản lý nhà nước thì ở đó phải có thanh tra, quản lý nhà nước mà không có thanh tra sẽ dẫn tới quan liêu, xa rời thực tiễn. Cũng giống thanh tra huyện, thanh tra sở đã có cả một quá trình hình thành, phát triển ổn định, lâu dài, góp phần quan trọng không thể thiếu cho việc nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. Vì vậy, đại biểu cho rằng vẫn nên quy định việc thanh tra sở được thành lập ở những sở thuộc UBND tỉnh.
9h16: Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở
Phát biểu tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Hoàng Ngọc Đinh cơ bản đồng tình với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này. Đề hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu góp ý về một số vấn đề cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện.
Điều 28 về Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra sở, Dự thảo luật quy định trong lĩnh vực thanh tra, Chánh Thanh tra Sở có 5 nhiệm vụ, quyền hạn, đại biểu Hoàng Ngọc Đinh đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm một nội dung về nhiệm vụ, cụ thể là thêm Điểm 6: Yêu cầu cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét trách nhiệm chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm do thanh tra sở phát hiện.
Về Điều 33 tổ chức của Thanh tra huyện: Tại Khoản 1, Điều 33, đại biểu Hoàng Ngọc Đinh đề nghị bổ sung Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với chức danh Chánh Thanh tra sau khi có sự thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh và bổ sung thực hiện đối với cả chức danh Phó Chánh Thanh tra để bảo đảm đầy đủ và tổ chức của Thanh tra huyện có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra thuộc sự quản lý của Ủy ban nhân dân huyện. Cụ thể được sửa là Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái. Riêng Chánh Thanh tra huyện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thực hiện các nội dung trên sau khi thống nhất với Chánh thanh tra tỉnh.
Về thanh tra chuyên ngành: Tại Khoản 1, Điều 34 của dự thảo đã điều chỉnh, bổ sung quy định Chính phủ quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra, cơ quan thuộc Chính phủ, theo đó đã bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thành lập cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Ngọc Đinh cho rằng dự thảo mới chỉ quy định chung việc thành lập cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ chưa quy định cụ thể Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi Khoản 3, Điều 2 về giải thích khái niệm thanh tra chuyên ngành Khoản 4, Điều 9 và Điều 114 của dự thảo.
9h10: Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Đề xuất bổ sung một số nội dung về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra
Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, nghiêm túc của các cơ quan để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đảm bảo đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Góp ý về nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra và thanh tra chuyên ngành quy định tại Điều 47 và Điều 48 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An đề nghị xem xét, bổ sung thêm một điểm vào Khoản 1 Điều 47 sau Điểm b về ban hành quyết định thanh tra với nội dung Điểm c là ban hành và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra của dự thảo luật và sửa lại thứ tự các điểm cho phù hợp.
Tại quy định về kế hoạch tiến hành thanh tra, dự thảo Luật đang quy định kế hoạch tiến hành một cuộc thanh tra do Trưởng Đoàn thanh tra xây dựng và được người ra quyết định thanh tra phê duyệt. Như vậy, sau khi người ra quyết định thanh tra ban hành quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra và được người ra quyết định thanh tra phê duyệt làm căn cứ thực hiện việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra là một bước quan trọng trong trình tự tiến hành một cuộc thanh tra, cụ thể là một bước trong trình tự, thủ tục chuẩn bị thanh tra.
Đại biểu cho rằng, việc bổ sung nội dung về ban hành và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra là một bước trong trình tự, thủ tục chuẩn bị thanh tra phù hợp với các quy định khác trong nội dung của dự thảo luật. Bởi tại Mục 2, Chương 4 của dự thảo Luật về chuẩn bị thanh tra có quy định xây dựng, phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra. Tương tự tại điểm a, khoản 1, Điều 48, đại biểu cho rằng, cũng cần bổ sung nội dung ban hành và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các điều luật.
09h05: Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Đề nghị tách bạch hoạt động thanh tra và kiểm tra
Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đánh giá cao sự tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện của Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) qua Kỳ họp thứ 3 cũng như qua Hội nghị ĐBQH chuyên trách, các hội nghị, hội thảo và qua ý kiến góp ý của các Đoàn ĐBQH, các cơ quan, đơn vị trước Kỳ họp thứ 4
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, đây là luật chuyên ngành về hoạt động thanh tra, còn hoạt động kiểm tra đã có các văn bản khác điều chỉnh, do đó đề nghị Ban soạn thảo xem xét không quy định nội dung kiểm tra trong Điều 6 và các cái điều luật khác trong dự thảo Luật nhằm tách bạch các hoạt động thanh tra và kiểm tra.
Về nhiệm vụ quyền hạn của thanh tra huyện, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị điều chỉnh bổ sung các quy định như sau: thanh tra huyện xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch UBND huyện xem , có ý kiến thống nhất trước khi gửi thanh tra tỉnh tổng hợp trong kế hoạch thanh tra của tỉnh để phù hợp với vị trí, chức năng của thanh tra huyện tại khoản 1 Điều 30 của dự thảo luật.
Về xử lý vi phạm trong cái quá trình thanh tra thì tại khoản 3 Điều 66 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị điều chỉnh quy định này theo hướng là: Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn Thanh tra phải báo cáo ngay cho người ra quyết định thanh tra để nhanh chóng chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Đề cập về ban hành kết luận thanh tra thì tại khoản 4 Điều 76, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị xem xét quy định khoảng thời gian tối đa được phép thực hiện công việc này là bao nhiêu ngày để đảm bảo kết luận thanh tra ngoài việc ban hành khách quan, khả thi, chính xác, tránh việc kéo dài, nhất là các vụ việc dư luận quan tâm. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý về quyền của đối tượng thanh tra.
8h58: Lương Văn Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu thảo luận
Đại biểu Lương Văn Hùng bày tỏ cơ bản thống nhất cao với dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Góp ý đối với nhóm quy định về Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, đại biểu cho biết dự thảo Luật chưa quy định cụ thể Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra.
Qua tiếp xúc cử tri và ghi nhận ý kiến các cơ quan, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị bổ sung quy cơ quan thanh tra trong cơ quan Bảo hiểm xã hội; đồng thời bổ sung quy định việc tổ chức hoạt động và nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành tại Trung ương và địa phương của cơ quan Bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định.
Đại biểu cũng đã có góp ý cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh; vị trí, chức năng của Thanh tra Sở. Đại biểu bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật và đề nghị bổ sung quy định trong trường hợp không thành lập Thanh tra Sở thì phải quy định chức năng xử lý các vấn đề thanh ra cho phù hợp với Điều 32 của Luật Tố cáo, Điều 10 Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Đại biểu bày tỏ nhất trí với đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu trước đó về các quy định về tổ chức của các cơ quan thanh tra; đồng thời đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật về miễn nhiệm thanh tra viên; đề nghị làm rõ mức độ tác động của việc quy định thời hạn thanh tra viên không hoàn thành nhiệm vụ bị bãi nhiệm là một năm không hoàn thành nhiệm vụ; đề nghị rà soát quy định về xây dựng, ban hành Kế hoạch thanh tra, làm rõ trách nhiệm của Thanh tra tỉnh trong việc tổng hợp kế hoạch thanh tra…Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh lại cho phù hợp với thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo đúng tinh thần của Luật Khiếu nại.
8h51: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Nhất trí thành lập thanh tra cấp huyện
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể ở Hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ sự đồng tình cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Kỳ họp lần này. Quan tâm tới một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, đại biểu bày tỏ sự tán thành việc thành lập thanh tra cấp huyện; thanh tra tổng cục, cục; thành lập thanh tra sở tùy theo tính chất đặc thù của mỗi tỉnh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích, việc quy định hệ thống thanh tra ba cấp là cần thiết, đặc biệt với việc thành lập thanh tra huyện.
Theo đại biểu, dù ở huyện với quy mô dân số nhỏ cũng cần có cơ quan thanh tra. Điểm yếu của các cơ quan này là do chưa được bố trí nguồn lực đầy đủ, chưa đảm bảo điều kiện hoạt động. Nhưng nếu thiếu thanh tra huyện thì ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước ở cấp huyện, nhất là trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Về thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ, theo luật hiện hành, chưa cho phép lập thanh tra tổng cục, cục cuộc Bộ, nhưng luật cho phép Chính phủ xem xét, quyết định, giao cho Tổng cục, Cục thuộc Bộ, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đại biểu cho rằng việc thành lập thanh tra chuyên ngành là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho công tác thanh tra, không phát sinh biên chế, tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, không nhất thiết Cục, tổng cục nào cũng cần có thanh tra, mà cần có nguyên tắc cụ thể trong việc thành lập này, giao Chính phủ quy định.
Về phân định quyền hạn cụ thể giữa thanh tra Bộ và thanh tra tổng cục, cục cuộc Bộ, để rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn tránh chồng lấn, đại biểu cho rằng, nên quy định việc nào thanh tra tổng cục, cục cuộc Bộ, thanh tra chuyên ngành đã thanh tra thì thanh tra Bộ không thanh tra, để hạn chế gây khó khăn cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp có phát sinh mới hoặc nghi vấn tiêu cực của thanh tra trước đó.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần quy định khi thành lập đoàn thành tra thì phải có ít nhất hai thanh tra viên trở lên để thực hiện nhiệm vụ thì mới phù hợp và đảm bảo chất lượng của đoàn thanh tra.
8h45: Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Quy định trong luật về các tiêu chí, điều kiện thành lập thanh tra sở.
Cho ý kiến vào dự thảo luật, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình chính lý dự thảo luận rất rõ các ý kiến của đại biểu. Đại biểu được kỳ vọng dự thảo sẽ tạo bước mặt quan trọng nhằm góp phần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra ở Việt Nam.
Đại biểu thống nhất với cao với việc tổ chức các cơ quan thanh tra cấp hành chính như Luật thanh tra hiện hành để đảm bảo phù hợp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao cho thanh tra huyện trong Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Về thanh tra sở, đại biểu cũng tán thành với quy định trong dự thảo luật phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập thanh tra Sở. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc về các trường hợp thành lập thanh tra sở được quy định tại Khoản 2, Điều 26. Nên chăng cần quy ngay trong luật những tiêu chí, điều kiện được thành lập tổ chức thanh tra sở để tạo sự thống nhất chung trong toàn quốc. Bởi với quy định như trong dự thảo sẽ dẫn đến sự tùy nghi cùng một chức năng, nhiệm vụ, cùng phạm vi quản lý nhà nước nhưng mỗi địa phương lại có một mô hình khác nhau.
Góp ý về trách nhiệm của thanh tra, thanh tra tỉnh tại Điều 23, quy định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra. Đây là thanh tra hành chính. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đặt câu hỏi, các cuộc thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các sở không thành lập cơ quan thanh tra sẽ như thế nào? Quy định như vậy liệu có quá tầm đối với thanh tra tỉnh hay không? Bởi mỗi lĩnh vực có tính chất đặc thù riêng….
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chế tài xử lý sau thanh tra đối với các sai phạm về kinh tế của các tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra có sai phạm nhưng thực hiện không nghiêm túc, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
8h43: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu điều hành nội dung thảo luận
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn.
Đến nay, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 08 chương với 118 điều, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý 111/118 điều, trong đó 102 điều được chỉnh lý về nội dung, 09 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản; về bố cục, tăng thêm 02 điều và sắp xếp, bố cục lại nhiều điều, mục trong các chương.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về các vấn đề trọng tâm của dự án Luật cũng như vấn đề liên quan các đại biểu quan tâm.
8h29: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và nhất trí với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.
Về những nội dung cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình như sau:
- Về Thanh tra huyện: Đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà vì chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quy định về Thanh tra huyện như trong dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua.
- Về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; thanh tra Cục thuộc Tổng cục: Nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhưng đề nghị quy định rõ trong Luật tiêu chí thành lập; đề nghị không thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ.
Có ý kiến đề nghị thành lập cơ quan thanh tra tại một số Cục thuộc Tổng cục là đơn vị ngành dọc đóng tại địa phương hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị: quy định rõ trong Luật các tiêu chí, nguyên tắc thành lập theo hướng Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập trong 03 trường hợp: (1) Theo quy định của luật; (2) Tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; (3) Theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đồng thời bổ sung quy định về thành lập cơ quan thanh tra tại Cục thuộc Tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương, có phạm vi đối tượng quản lý lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
- Về Thanh tra sở: Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định theo hướng Thanh tra sở được thành lập trong trường hợp: (1) Theo quy định của luật; (2) Tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; (3) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở ở các sở còn lại căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao.
- Về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng phân định rõ trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành để bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc thù của từng loại hình hoạt động thanh tra.
- Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán: Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát dự thảo Luật để chỉnh lý, bổ sung, làm rõ các quy định về tránh sự chồng chéo, trùng lặp ngay trong nguyên tắc hoạt động thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan thanh tra, về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra.
Về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật, quy định cụ thể và phân định rành mạch trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên khác của Đoàn thanh tra.
Bên cạnh đó, để tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra, dự thảo Luật bổ sung quy định “Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp”; đồng thời, làm rõ các nội dung theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra trước khi ban hành.
Để có cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về một số vấn đề như: Về hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra; Về hoạt động thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra; Về xử lý chồng chéo, trùng lặp và phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước và các nội dung khác mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
8h28: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong thời gian còn lại của phiên họp sáng nay, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và tiến hành thảo luận về dự án Luật này. Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
8h15: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) năm 2005 với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Đồng thời, nhấn mạnh việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng…
Dự thảo Luật chỉ quy định những nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc giao dịch trên môi trường điện tử, còn giao dịch trực tiếp, truyền thống thì vẫn tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, về cơ bản, các quy định của dự thảo Luật phù hợp với cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) có liên quan. Tuy nhiên, vẫn có một số quy định chưa hoàn toàn bám sát các yêu cầu của cam kết hoặc còn thiếu các quy định so với yêu cầu của cam kết. Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật cũng chưa thể hiện toàn diện các nguyên tắc và thể hiện chính xác khái niệm thông điệp dữ liệu (khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật) như Luật mẫu về thương mại điện tử 1996 (UNCITRAL). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế...
Đa số ý kiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam; đồng thời cơ bản tán thành với quy định về đối tượng áp dụng như tại Điều 2 dự thảo Luật, có sự kế thừa của Luật GDĐT hiện hành, tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, thể hiện lại Điều 2 để tránh bỏ sót đối tượng áp dụng của Luật.
Trên cơ sở nội dung Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trân trọng đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về: Sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; về chứng thư điện tử; chữ ký điện tử; về dịch vụ tin cậy; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử…
8h01: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Theo đó, về sự cần thiết ban hành luật, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Mục đích xây dựng luật nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực. Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.
Về bố cục và nội dung chính, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 8 chương và 57 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP. Trong đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung mở rộng phạm vi điều chỉnh; chính sách về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; chính sách về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chính sách về dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử; sửa đổi, bổ sung quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; sửa đổi quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và về dữ liệu và dữ liệu số; sửa đổi quy định về an toàn, an ninh, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử.
Theo đó dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dẫn chiếu, yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng, bổ sung quy định về an toàn thông điệp dữ liệu. Về điều khoản thi hành, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành để đảm bảo việc thực thi Luật sau khi được ban hành phù hợp với thực tế.
8h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong sáng nay (25/10), Quốc hội sẽ nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).