ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG BÌNH LẤY Ý KIẾN GÓP Ý CÁC DỰ THẢO LUẬT TRÌNH QUỐC HỘI

18/10/2022

Sáng 18/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội nghị góp ý 3 dự thảo luật do đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì.

QUẢNG BÌNH: THỐNG NHẤT CÁC NỘI DUNG THAM GIA KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị

Hội nghị góp ý 3 dự thảo luật gồm: Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự, Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đặt vấn đề tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu rõ: Đây là một hoạt động thường kỳ của Đoàn nhằm phát huy trí tuệ tập thể, tranh thủ ý kiến của các cơ quan chuyên môn đóng góp vào các dự thảo luật, đồng thời là kênh thông tin quan trọng để Đoàn ĐBQH tiếp nhận những ý kiến phản biện về tính phù hợp, khả thi của các dự án luật khi áp dụng vào thực tiễn.

Đã có 13 lượt phát biểu, trong đó, dự thảo Luật Hợp tác xã có 19 nội dung; Luật Phòng thủ dân sự 19 nội dung và Luật Đấu thầu 23 nội dung. Các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung các dự thảo luật, đồng thời khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành của các luật.

Toàn cảnh hội nghị

Về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi): được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 (thay thế Luật HTX năm 2003), Luật Hợp tác xã năm 2012 đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị nguyên tắc của HTX trên thế giới. Tuy nhiên, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật HTX năm 2012 bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.

Luật Phòng thủ dân sự là luật mới được trình tại kỳ họp lần này, được xây dựng với mục đích tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ người dân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ môi trường.

Đại biểu dự hội nghị

Được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ VI, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, Luật Đấu thầu cùng các luật khác có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu cũng phát sinh một số vướng mắc, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện luật này.

Đại biểu đã thảo luận sâu về các dự án luật. Đối với Luật Hợp tác xã, đại biểu thống nhất phương án sửa đổi tên gọi thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác; thảo luận các nội dung liên quan đến quản lý tổ chức kinh tế hợp tác, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tạo sự thống nhất, tránh chồng chéo; chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã; phân loại thành viên với các mức đóng góp khác nhau; việc thành lập tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân; về quyền của đại hội thành viên, quy định nhiệm kỳ của giám đốc…

Đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu

Đối với Luật Đấu thầu, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề về tính pháp lý trong Luật Đấu thầu như tính độc lập, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, quy định hình thức đấu thầu, tư cách hợp lệ của nhà thầu và nhà đầu tư; bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; các quy định về ưu đãi, hủy thầu, chỉ định thầu, gói thầu tái định cư; chế tài và biện pháp xử lý khi vi phạm quy định đấu thầu…

Về Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu cho rằng, dự thảo cần xem xét để không có sự chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định trong các luật chuyên ngành, các văn bản quy phạm pháp luật về thảm họa, sự cố ở các lĩnh vực khác nhau đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành trong thời gian qua, góp phần tạo khung pháp lý và nâng cao hiệu quả của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự... và nhiều nội dung quan trọng khác.

Đại biểu dự hội nghị

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Tâm ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thảo luận của đại biểu. Đồng chí nhấn mạnh: Đây là những ý kiến hết sức tâm huyết, thiết thực, chuyên sâu, vừa bảo đảm cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp thu, chắt lọc để có ý kiến tại các buổi thảo luận tại tổ và tại nghị trường, góp phần để các luật ban hành bảo đảm tính khả thi. Đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục theo dõi, tham gia ý kiến đối với các dự thảo luật để xin ý kiến lần 2.

(Theo Báo điện tử Quảng Bình)