ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA: CÓ NHỮNG VẤN ĐỀ CHỈ CẦN 1 NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI ĐỦ ĐỂ ĐIỀU CHỈNH, HIỆU QUẢ ĐIỀU CHỈNH CAO HƠN THÌ KHÔNG NÊN LÀM LUẬT

21/07/2022

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, góp ý vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.HCM nêu quan điểm: Có những vấn đề chỉ cần 1 nghị quyết của Quốc hội hay 1 nghị định của Chính phủ là đủ để điều chỉnh, thậm chí hiệu quả điều chỉnh cao hơn thì không nên làm luật.


Đồng ý với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là công tác lập pháp của Quốc hội trong thời gian qua có nhiều tiến bộ và thành tựu nhưng đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị một nguyên tắc xuyên suốt trong công tác lập pháp của Quốc hội. Đó là khi chấp thuận hoặc đưa bất kỳ một sáng kiến lập pháp nào hay làm mới, sửa đổi, bổ sung một đạo luật, trước khi đưa vào chương trình lập pháp của Quốc hội phải buộc tổ chức, cơ quan đề xuất phải có bản đối chiếu, phân tích, đánh giá 2 khía cạnh phí tổn và lợi ích của dự án luật đó. Lý do là khi làm mới hay bổ sung, sửa đổi một đạo luật có rất nhiều loại phí tổn. Ví dụ, phí tổn của quá trình xây dựng đề án, luật, phí tổn của quá trình soạn thảo luật, phí tổn của quá trình thông qua luật, phí tổn của quá trình thực hiện luật. Ví dụ về phí tổn của quá trình thực hiện luật gồm phí tổn của việc tổ chức thực hiện như ban hành, phổ biến, huấn luyện, giáo dục đạo luật hay quy định mới, phí tổn của việc tuân thủ.

Luật quy định phải công chứng, phải thị thực, bỏ các biểu mẫu cũ, làm các biểu mẫu mới hay thay chứng nhận cũ, làm chứng nhận mới, phí tổn tư vấn luật sư để hiểu và làm đúng luật mới, phí tổn của việc xử lý tranh chấp, sai phạm phát sinh khi áp dụng luật mới hay xử lý các chồng chéo, xung đột giữa luật mới và các luật hiện hành đang cản trở các quan hệ kinh tế - xã hội. Các phí tổn phát sinh dưới nhiều dạng, ở nhiều khu vực, phí tổn của ngân sách công và của khu vực tư, phí tổn của khu vực tư, của xã hội và của người dân. Loại phí tổn này thường thì chúng ta không quan tâm đầy đủ, khi chúng ta làm luật. Phí tổn của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, phí tổn bằng tiền hay các loại phí không bằng tiền và không đo được bằng tiền, phí tổn nhìn thấy được và không nhìn thấy được. Ví dụ, các tác động tiêu cực về tâm lý xã hội của người dân, của doanh nghiệp cũng gây ra những thiệt hại.


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.HCM.

Cùng với đánh giá phí tổn là so sánh, phân tích, đánh giá các lợi ích, lợi ích cho đất nước, cho nền kinh tế, cho quản lý nhà nước và cho người dân, lợi ích ngắn, trung và dài hạn, lợi ích chuyên ngành và lợi ích tổng thể, lợi ích kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng, tác động đến lợi ích trong nước và quốc tế. Ví dụ, có những quy định khiến cho các lợi ích mâu thuẫn nhau, triệt tiêu nhau, được về ngắn hạn nhưng hại về dài hạn, thuận lợi cho quản lý nhà nước nhưng thiệt hại cho quyền tự do dân chủ hiến định của người dân. Vì vây, Quốc hội cần yêu cầu cơ quan, tổ chức trình sáng kiến lập pháp hay trình dự án luật phải cung cấp các thông tin được lượng hóa, tiêu chí hóa, mô hình hóa, có phân tích tổng hợp, đánh giá nhiều chiều một cách khách quan, khoa học để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội quyết định có đưa dự án luật vào chương trình xây dựng luật hay không hay là có thông qua dự thảo luật hay không. Các cơ quan của Quốc hội cũng cần mời các chuyên gia phản biện chuyên môn chuyên sâu và nhất là so sánh phí tổn và lợi ích như nêu trên.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị như vậy là vì cho đến nay khi đề xuất các sáng kiến lập pháp hay dự án luật, trong phần đánh giá tác động các thông tin về phí tổn thường bị xem nhẹ, không đánh giá hết hoặc đánh giá rất chung chung và chủ yếu là nói đến thuận lợi và cũng chỉ nói một chiều, rất khó để các đại biểu, nhất là các đại biểu không chuyên ngành có đủ thông tin để đánh giá hay phản biện. Có những đạo luật ra đời thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước nhưng bất tiện cho người dân, có đạo luật bị rơi vào quên lãng hoặc chỉ vận hành như một loại chính sách hay là biện pháp hành chính, không phải là một đạo luật đúng nghĩa. Có những lĩnh vực cần pháp điển hóa, nghĩa là làm chung một đạo luật đầy đủ các bộ phận liên quan nhau để tránh chồng chéo, xung đột và để thuận tiện cho người dân thì không nên chia cắt thành nhiều luật, lợi sẽ bất cập hại. Những đạo luật như vậy gây ra lãng phí công sức, tiền của Nhà nước, của xã hội và của Nhân dân. Có những vấn đề chỉ cần 1 nghị quyết của Quốc hội hay 1 nghị định của Chính phủ là đủ để điều chỉnh, thậm chí hiệu quả điều chỉnh cao hơn thì không nên làm luật. Khi đầu tư hay làm ăn với Việt Nam, nước ngoài thường thuê chuyên gia nghiên cứu, đánh giá môi trường pháp lý của Việt Nam rất kỹ trước khi quyết định. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, môi trường pháp lý của chúng ta làm luật, thi hành luật và xét xử của Tòa án cũng luôn được quốc tế xếp hạng và chúng ta thì không phải thứ hạng cao. Có chuyên gia nhận xét, chúng ta tăng trưởng kinh tế khá cao, xuất khẩu nhiều, thu hút đầu tư nhiều, quy mô kinh tế lớn hơn nhiều nước ASEAN, thậm chí lớn hơn Singapore là nước phát triển nhất trong ASEAN nhưng nhân dân ta vẫn nghèo hơn họ rất nhiều.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, một trong những nguyên nhân là do Nhà nước, doanh nghiệp và người dân chúng ta phải chịu phí tổn quá nhiều và quá nhiều loại phí tổn, trong đó có phí tổn của công tác lập pháp, lập quy, ban hành chính sách quy định, hay nói rộng hơn là phí tổn do công tác xây dựng thể chế có hiệu quả thấp. Bác Hồ đã từng nói: "Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, mà có hại cho dân thì hết sức tránh", "luật rừng" là có hại nhưng "một rừng luật" với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột, gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn. Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vận dụng các di huấn trên khi xem xét các sáng kiến lập pháp và các dự án luật, làm như vậy thì công tác lập pháp của Quốc hội sẽ vất vả hơn, nhưng chất lượng và hiệu quả sẽ cao hơn và Nhân dân ta, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ hài lòng hơn./.

Bích Lan