PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ LÀM VIỆC VỚI BỘ CÔNG AN VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

13/07/2022

Chiều 13/7, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021” đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Công an.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì làm việc với Bộ Nội vụ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tham dự cuộc làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Đoàn giám sát; Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ; các thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cùng các ban, ngành hữu quan.

Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn Giám sát nêu rõ, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021”, Đoàn Giám sát làm việc với Bộ Công an nhằm đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có việc xem xét, ban hành văn bản pháp luật liên quan, làm rõ vướng mắc bất cập về chính sách pháp luật, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản này.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu khai mạc cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đoàn giám sát sẽ đánh giá, nhận rõ những ưu điểm, ghi nhận những mô hình hay, cách làm tốt, xác định những tồn tại, hạn chế, khó khăn, chỉ rõ nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm với các cấp trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Ghi nhận kết quả đạt được của Bộ Công an trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021

Báo cáo kết quả rà soát các Báo cáo của Bộ Công an do Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, Tổ trưởng tổ công tác, Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Công Long trình bày và nêu rõ, Tổ công tác ghi nhận kết quả đạt được của Bộ Công an trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021, đặc biệt là việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức lực lượng công an nhân dân; việc triển khai các dự án đầu tư công lớn nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự xã hội. Ghi nhận những nỗ lực và kết quả to lớn của lực lượng công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ nói riêng.

Tổ công tác của Đoàn giám sát cho rằng cần có giải pháp nâng cao hiệu lực. hiệu quả quản lý nhà nước thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Công an, hoàn thiện khung pháp luật nhằm quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên “kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải”, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước và phòng ngừa tiêu cực.

Báo cáo làm rõ thêm tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Cục trưởng Cục Kế hoạch Tài chính, Bộ Công an Trịnh Ngọc Bảo Duy nêu rõ cho biết, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công an nhân dân những năm qua đã đi vào nền nếp và đạt được những kết quả nhất định. Công an các đơn vị, địa phương đã nhận thức tốt hơn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, coi đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mình, triển khai và thực hiện nghiêm túc chương trình tổng thể của Chính phủ, của Bộ Công an về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chỉ thị của Bộ trưởng về việc tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công an nhân dân. Đã triển khai tích cực các biện pháp cân đối thu, chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; kiểm soát chi chặt chẽ hơn trong thực hiện các đề án, dự án đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật…

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số đơn vị, địa phương sử dụng ngân sách, tài sản chưa thực sự tiết kiệm; các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu, sử dụng tài sản có đơn vị, địa phương thực hiện chưa đúng; việc chi tiêu và thanh quyết toán đối với một số nguồn kinh phí (kinh phí khoa học công nghệ) còn đạt tỷ lệ thấp, làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí. Trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn một số công trình thi công vượt số tổng mức đầu tư, một số dự án đầu tư triển khai chậm so với kế hoạch, công tác duy tu, bảo trì công trình chưa được chú trọng.

Cục trưởng Cục Kế hoạch Tài chính, Bộ Công an Trịnh Ngọc Bảo Duy

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số đơn vị, địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, còn một bộ phận cán bộ, chiến sĩ làm công tác tài chính, hậu cần, kỹ thuật tại Công an các đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nên công tác tham mưu triển khai thực hiện còn lúng túng.

Phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên, đại diện Bộ Công an cho biết, các quy định của Nhà nước về đầu tư công ngày càng chặt chẽ nghiêm ngặt dẫn đến các dự án, dự toán mua sắm cần điều chỉnh để bảo đảm thực hiện đúng quy định và phù hợp với thực tế nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện khả năng đáp ứng của ngân sách còn hạn chế so với nhu cầu của Bộ Công an. Cùng với đó, thủ trưởng một số đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, chủ tài khoản, chủ đầu tư trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; chưa thực sự chủ động, sâu sát trong quản lý, điều hành ngân sách, tài sản, dự án đầu tư. Còn một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản.

Thêm vào đó, năng lực, trình độ cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác hậu cần, kỹ thuật, tài chính, kế toán, kế hoạch đầu tư còn có hạn chế nhất định; chưa tham mưu cho Thủ trưởng đơn vị thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Vẫn còn tồn tại thất thoát, lãng phí trong cấp biển số xe và một số lĩnh vực

Tham gia thảo luận tại cuộc làm việc, các đại biểu cho rằng Bộ Công an đã cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cụ thể đã triển khai các biện pháp cân đối thu, chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; triển khai các biện pháp nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn lực lượng như: việc sử dụng điện thoại, điện nước, tổ chức hội nghị, hội thảo…; ứng dụng công nghệ thông tin trong tiết kiệm chi phí hoạt động đặc thù của ngành Công an; kiểm soát chi chặt chẽ trong thực hiện các đề án, dự án đầu tư, mua sắm trang thiết bị. phương tiện kỹ thuật.

Một số ý kiến của các đại biểu cho rằng, báo cáo của Bộ chưa đề xuất, kiến nghị cụ thể về cơ chế, chính sách pháp luật nhằm thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ; chưa tổng hợp đầy đủ tồn tại, vướng mắc, hạn chế, những nội dung chưa triển khai theo quy định và các văn bản quản lý.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, việc lập, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và hàng năm của Bộ còn chậm; việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, điều hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính, đầu tư còn chậm; việc chi tiêu và thanh quyết toán đối với kinh phí khoa học công nghệ tỷ lệ thấp, làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí; việc cấp căn cước công dân gắn chip cho công dân vẫn còn chậm; trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn một số công trình thi công vượt tổng mức đầu tư; một số dự án đầu tư triển khai chậm so với kế hoạch; công tác duy tu, bảo trì công trình chưa được chú trọng…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang tham gia thảo luận

Đi vào một số nội dung cụ thể, các đại biểu chỉ ra rằng, vướng mắc hiện nay là chưa có quy định đồng bộ về quản lý, khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước trong cấp biển số phương tiện. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản hướng dẫn chưa coi biển số xe là một loại tài sản mà chỉ coi biển số xe là “tài liệu của cơ quan Nhà nước”, nên đã gây lãng phí trong việc khai thác kho số phương tiện giao thông, vừa không đáp ứng được yêu cầu của người dân, vừa dễ làm phát sinh tiêu cực. Để có biển số xe theo sở thích, các cá nhân, tổ chức phải bỏ ra số tiền lớn để mua lại xe ô tô, mô tô đã đăng ký, hoặc bằng cách thức khác để đăng ký được biển số “đẹp”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, vấn đề đấu giá biển số xe ô tô đã được dự kiến triển khai, nhưng vướng luật Giao thông đường bộ, luật Đấu giá, đấu thầu nên chưa triển khai. Vừa qua, Quốc hội dự kiến đưa vào Nghị quyết Kỳ họp việc đấu giá kho số, quản lý đăng ký phương tiện xe ô tô. Thủ tướng đã giao việc này cho Bộ Công an triển khai, Ủy ban Tư pháp cũng đang thực hiện thẩm tra. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc trong báo cáo của Bộ để đảm bảo tính chính xác, rõ ràng.

Đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo đầy đủ, chính xác, toàn diện

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Đoàn giám sát đánh giá cao sự chuẩn bị của Tổ công tác và sự phối hợp của các đơn vị Bộ Công an trong thời gian triển khai giám sát vừa qua. Với tinh thần trách nhiệm cao, Tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chịu sự giám sát và các cơ quan liên quan để chuẩn bị báo cáo kết quả bước đầu quá trình giám sát.

Ghi nhận Bộ Công an đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị báo cáo kỹ lưỡng, chi tiết và công phu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, báo cáo giám sát thuộc trách nhiệm của Bộ Công an đóng vai trò rất quan trọng trong tổng hợp xây dựng báo cáo chung về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, là cơ sở, tư liệu quan trọng để Đoàn làm việc với các địa phương, các bộ, ngành khác, là cơ sở để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cấp, các ngành nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế chính sách hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên tinh thần tích cực, thẳng thắn, cầu thị, cuộc làm việc này đã làm rõ nhiều nội dung quan trọng, chỉ ra nhiều vấn đề, tồn tại, hạn chế cần bổ sung, khắc phục trong báo cáo của Bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công an tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên của Đoàn giám sát, bám sát đề cương giám sát, tiếp tục hoàn thiện báo cáo chung thật đầy đủ, chính xác, toàn diện, rút ra những kinh nghiệm thực tiễn, tổng hợp những mô hình hay, cách làm tốt, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện có để nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các ý kiến, phân tích, nhận định, đánh giá tại cuộc làm việc đều có cơ sở pháp lý, thực tiễn vững chắc, là nền tảng quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp tục làm việc với các cơ quan, đơn vị, có được cái nhìn tổng thể, khái quát, khách quan, toàn diện về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, qua đó tổng hợp xây dựng báo cáo kết quả giám sát, làm việc với Chính phủ, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh cuộc làm việc

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, Tổ trưởng tổ công tác Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Công Long trình bày Báo cáo kết quả rà soát các Báo cáo của Bộ Công an

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị mở rộng việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong việc ứng phó với dịch bệnh

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân đề nghị cần có sự giải trình hợp lý về việc tinh giản biên chế, tinh giản đầu mối được thực hiện có hiệu quả, nhưng dự toán ngân sách năm sau lại tăng so với năm trước

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà chỉ ra rằng, báo cáo của Bộ cho thấy, việc chuyển nguồn rất lớn giữa các năm, đề nghị làm rõ hiệu quả sử dụng các đề tài khoa học; số lượng quyết toán không đúng thời gian quy định…

Một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, việc lập, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và hàng năm của Bộ còn chậm

Một số ý kiến cho rằng trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn một số công trình thi công vượt tổng mức đầu tư; một số dự án đầu tư triển khai chậm so với kế hoạch; công tác duy tu, bảo trì công trình chưa được chú trọng…

Có ý kiến đại biểu cho biết, báo cáo của Bộ chưa đề xuất, kiến nghị cụ thể về cơ chế, chính sách pháp luật nhằm thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Công an tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên của Đoàn giám sát, bám sát đề cương giám sát, tiếp tục hoàn thiện báo cáo chung thật đầy đủ, chính xác, toàn diện./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức