PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: GIÁM SÁT ĐỂ PHÁT HIỆN NHỮNG BẤT CẬP NHẰM HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ TIẾP CÔNG DÂN

06/07/2022

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề của UBTVQH, sáng ngày 06/7 tại Tp.Hồ Chí Minh, Đoàn giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND Tp.Hồ Chí Minh. Đây là địa phương cuối cùng trong tổng số 6 địa phương mà đoàn giám sát làm việc.


Cùng dự có Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Dương Thanh Bình; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng Đoàn giám sát Y Thanh Hà Niê K’đăm.

Quang cảnh cuộc làm việc

Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân Tp.Hồ Chí Minh, trong niên độ báo cáo, từ 2016-2021, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh diễn ra nhiều và phức tạp hơn so với giai đoạn 2010-2015. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai với tỷ lệ khoảng 65%, liên quan tới công tác quy hoạch, thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư, với yêu cầu được bồi thường theo đơn giá tại thời điểm chi trả bồi thường thay vì bồi thường theo thời điểm thu hồi đất hoặc theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. 

Về kết quả tiếp công dân, toàn thành phố đã tiếp 220.491 lượt/212.820 vụ việc. Trong đó, tiếp công dân thường xuyên là 163.742 lượt; tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo là 47.226 lượt; tiếp công dân đột xuất của lãnh đạo là 9.523 lượt. Đối với tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tp.Hồ Chí Minh tiếp định kỳ 7 ngày; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, Tp.Thủ Đức tiếp định kỳ 2.245 ngày; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn tiếp định kỳ 26.879 ngày. 

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Lý do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tp.Hồ Chí Minh trong niên độ báo cáo chưa đảm bảo lịch tiếp công dân định kỳ là bởi áp lực công việc trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của một Thành phố lớn, thường xuyên phát sinh những vấn đề đột xuất đã ảnh hưởng nhất định đến lịch tiếp công dân định kỳ đã bố trí. Các vụ việc đăng ký tiếp dân đều là những vụ việc phức tạp, cần có sự rà soát hồ sơ kỹ về pháp lý, về hướng giải quyết. Mặt khác, một thời gian dài tập trung toàn lực vào việc phòng, chống dịch covid-19  năm 2020, 2021 nên chưa dành được sự quan tâm đúng mức trong công tác tiếp công dân định kỳ. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2022, quyết tâm khắc phục hạn chế này theo chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tp.Hồ Chí Minh đã có 5 buổi tiếp công dân định kỳ với 6 người/6 vụ việc.

Trong niên độ báo cáo, toàn Thành phố đã tiếp nhận 183.677 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, trong đó đơn đủ điều kiện xử lý là 148.226 đơn. Kết quả giải quyết khiếu nại cho thấy, đã giải quyết 5.053/5.343 đơn đủ điều kiện thụ lý (đạt 95%). Số đơn tố cáo đã giải quyết là 718/746 đơn đủ điều kiện thụ lý (đạt 96%). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã thu hồi cho nhà nhước khoảng 5 tỷ đồng, 158m2 đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân khoảng 127 tỷ đồng và 1.103 m2 đất; đồng thời xử lý kỷ luật đối với 43 cá nhân và 8 tổ chức.

Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, thành viên Đoàn giám sát

Ghi nhận những nỗ lực của Tp.Hồ Chí Minh trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, song Đoàn giám sát nhận thấy kết quả tiếp công dân của người đứng đầu chưa thực sự làm tốt, số ngày tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo UBND Thành phố là 44/60 ngày, trong đó Chủ tịch UBND tiếp 7 ngày đạt 11,7%, còn lại ủy quyền cấp phó. Đối với cấp xã thì con số càng đáng “báo động”, có 26.789 lượt trên 73.920 ngày đạt 36,6% đây là một tỉ lệ rất thấp, là một trong những nguyên nhân đẩy việc lên cấp huyện, thành phố. Cùng với đó, tỷ lệ giải quyết khiếu nại của riêng UBND Thành phố là 89%, thấp hơn so với tỷ lệ chung của toàn Thành phố. Vì vậy, đề nghị báo cáo rõ nguyên nhân của tình hình này, biện pháp, giải pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, số vụ việc khiếu nại có yếu tố đúng chiếm tỷ lệ 17,7%; tỷ lệ này đồng nghĩa với việc là có sai sót từ phía các cơ quan nhà nước; so với tỷ lệ chung của cả nước là 23% thì tỷ lệ sai sót từ phía các cơ quan nhà nước ở Thành phố thấp hơn đáng kể (5,3%), đề nghị UBND tổng kết, đánh giá kỹ để tiếp tục phát huy kết quả đạt được này.

Tương tự, kết quả giải quyết tố cáo của cấp Thành phố chỉ là 90,41% , thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ chung của toàn Thành phố. Vì vậy, đề nghị báo cáo làm rõ nguyên nhân của tình trạng này, biện pháp, giải pháp khắc phục và đề xuất, kiến nghị. Bên cạnh đó, số vụ việc có yếu tố đúng còn khá cao, chiếm tỷ lệ 33,14%, tỷ lệ này cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước là 31%. Vì vậy, đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn tỷ lệ tố cáo đúng cao hơn như vậy? trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ và các hình thức xử lý đã áp dụng.

Với những đặc thù cụ thể của Tp.Hồ Chí Minh, Đoàn giám sát cũng đề nghị cần làm rõ hơn công tác dự báo về tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới khi mà Thành phố đang có nhiều dự án liên quan tới giải phóng mặt bằng, liên quan tới triển khai đường vành đai 3.

Một số ý kiến khác cũng đề nghị cần làm rõ hơn công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cao trong lĩnh vực tư pháp; làm rõ kết quả thanh tra trách nhiệm khi mà báo cáo của thành phố không đi đúng nội dung không đi đúng vấn đề; việc triển khai các phần mềm liên thông dữ liệu chưa đảm bảo yêu cầu…. 

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát nêu rõ, giám sát là để xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, không phải “bới lông tìm vết”. Quan trọng là trên cơ sở giám sát phát hiện những vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; các quy định trong một số lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo. Đây là mục tiêu cao nhất của Đoàn giám sát. Xác định cụ thể những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong triển khai thực hiện pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhất là người đứng đầu; đôn đốc, thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; phát hiện những mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đánh giá cao Uỷ ban nhân dân Tp.Hồ Chí Minh đã quan tâm chỉ đạo, tích cực chuẩn bị báo cáo với nhiều nội dung tương đối cụ thể, rõ ràng, bám sát mục đích, yêu cầu, nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát.

Chia sẻ với lãnh đạo Thành phố khi có khối lượng công việc lớn trên địa bàn rộng và đông dân cư, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc khó. Do đó, Thành phố cần giải quyết các công việc đúng quy trình, thủ tục, quy định của pháp luật; đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm nhận thức pháp luật, kỹ năng giao tiếp, chia sẻ trước những yêu cầu quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân. 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thành phố cần tập trung chỉ đạo người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp thực hiện nghiêm túc có hiệu quả việc tiếp công dân nhất là tiếp công dân của người đứng đầu theo quy định của pháp luật, trong đó, đề cao trách nhiệm và thái độ cầu thị của người đứng đầu, bảo đảm tính minh bạch tạo niềm tin cho người dân. Chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu giải quyết; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng để nâng cao nhận thức cán bộ công chức và người dân…

Dương Dung