QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP, BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA BÊN MUA BẢO HIỂM

07/05/2022

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế, Dự thảo Luật quy định, khi thực hiện thuê ngoài đối với các quy trình, hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng và duy nhất đối với bên mua bảo hiểm.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về quy định ràng buộc bên thứ ba nhận thuê ngoài phải tự thực hiện tối thiểu 75% khối lượng công việc quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 88 của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, qua cơ sở tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, các quy định về quản lý hoạt động thuê ngoài ở các nước về cơ bản khá chặt chẽ và đều hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường bảo hiểm. Dự thảo Luật quy định theo hướng khi thực hiện thuê ngoài đối với các quy trình, hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng và duy nhất đối với bên mua bảo hiểm. Đồng thời, dự thảo Luật còn quy định các nghĩa vụ của doanh nghiệp khi thực hiện thuê ngoài và một số nội dung chủ yếu của hợp đồng thuê ngoài để doanh nghiệp chủ động thực hiện, hạn chế can thiệp hành chính, cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh (như phê chuẩn, chấp thuận, đăng ký...), bảo đảm kiểm soát được chất lượng, trách nhiệm của bên nhận thuê ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Bên cạnh đó, để hạn chế việc thuê thầu phụ không bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc, ảnh hưởng đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm, dự thảo Luật quy định bên nhận thuê ngoài phải tự thực hiện ít nhất 75% giá trị công việc nhận thuê ngoài là cần thiết, bảo đảm trách nhiệm của bên nhận thuê ngoài; trường hợp thuê nhà thầu phụ thực hiện một phần công việc phải được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm và phải bảo đảm không làm thay đổi các trách nhiệm và nghĩa vụ của bên nhận thuê ngoài. Đồng thời, dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định chuyển tiếp đối với hoạt động thuê ngoài theo hướng “Các hợp đồng thuê ngoài đã ký kết trước thời điểm có hiệu lực của Luật này thì tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng thuê ngoài đã ký kết, nếu các thỏa thuận thuê ngoài đó đáp ứng các điều kiện chuyển giao danh mục hợp đồng quy định tại Điều 88 về hoạt động thuê ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 88” (khoản 3 Điều 153 của dự thảo Luật).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Vê việc hạ thấp chuẩn an toàn tài chính đối với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam so với thế giới và các nước trong khu vực, Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Dự thảo Luật đã nâng chuẩn an toàn tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế, theo đó đã quy định cụ thể về tỷ lệ an toàn vốn và 3 biện pháp can thiệp tương ứng (cải thiện, can thiệp sớm và kiểm soát) nhằm kịp thời phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục tương ứng để doanh nghiệp bảo hiểm bảo đảm khả năng thanh toán.

Đối với biện pháp can thiệp sớm, dự thảo Luật quy định theo hướng doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xây dựng phương án và thực hiện các biện pháp khắc phục tối đa là 12 tháng. Hết thời hạn này mà doanh nghiệp bảo hiểm không khắc phục được thì tùy theo tính chất, mức độ rủi ro Bộ Tài chính sẽ yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng biện pháp kiểm soát theo quy định tại Điều 96 của dự thảo Luật. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị áp dụng biện pháp cải thiện, can thiệp sớm, kiểm soát (Điều 97) mà vẫn không khắc phục được tình trạng thì sẽ dẫn tới bị hợp nhất, sáp nhập với doanh nghiệp khác hoặc bị giải thể, phá sản (Điều 98 và Điều 99 của dự thảo Luật).

Đối với quy định về thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Thường trực Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, Dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định thủ tục phá sản riêng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, theo đó sau khi Bộ Tài chính chấm dứt kiểm soát, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không còn khả năng phục hồi nên sau khi nhận yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ “mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mà không tổ chức hội nghị chủ nợ và thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh” (khoản 2 Điều 99 của dự thảo Luật). Tuy nhiên, quy định này chỉ mới quy định về việc “mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản” mà chưa quy định rõ về thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm sẽ “bị tuyên bố phá sản”.

Do đó, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và thuận lợi trong quá trình triển khai thực tiễn, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm bị tuyên bố phá sản và chỉnh sửa khoản 2 Điều 99 theo hướng “Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mà không tổ chức hội nghị chủ nợ và thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh”./.

Minh Hùng

Các bài viết khác