TS.BÙI SỸ LỢI: CẦN TÍNH TOÁN CỤ THỂ PHƯƠNG ÁN HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG

07/05/2022

Tại phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia mới đây, các bên liên quan đã chốt phương án tăng lương tối thiểu (lương tối thiểu) vùng từ ngày 1/7/2022- với mức tăng là 6% tùy thuộc từng vùng. Bàn về vấn đề này, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng cần tính toán cụ thể phương án hỗ trợ người lao động để đảm bảo an sinh xã hội và giảm áp lực điều chỉnh lương tối thiểu cho doanh nghiệp.

 

Trong 2 năm vừa qua, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh kế người dân. Nhiều thời điểm người lao động phải nghỉ giãn việc, thu nhập bị giảm sút, khiến cuộc sống của không ít người gặp khó khăn. Vì vậy, nhiều người lao động rất mong mỏi được sớm tăng lương tối thiểu. Trao đổi về vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nguyện vọng của người lao động được điều chỉnh lương tối thiểu là chính đáng và rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng chỉ sau 2 phiên họp cũng phần nào chia sẻ khó khăn với người lao động. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 2 năm nay Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nên các DN tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, không điều chỉnh tiền lương cho người lao động. Chính vì vậy, thời điểm tăng lương này vừa để hỗ trợ giúp cho người lao động vượt qua khó khăn, đồng thời cũng chính là động lực để tăng năng suất lao động, giúp cho doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển mạnh sau đại dịch COVID-19.

TS. Bùi Sỹ Lợi cũng cho hay, việc điều chỉnh lương tối thiểu chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Khi tiền lương tăng thêm, giá thành sản phẩm tăng, chi phí sản xuất sẽ tăng theo. Vì vậy, nếu điều chỉnh lương tối thiểu không hợp lý, sẽ tác động xấu đến DN cũng như nền kinh tế. Trong quý I/2022, chỉ số giá tiêu dùng tăng lên đáng kể so với trước đây, gây tác động đến người lao động và doanh nghiệp. Nếu tăng lương hoặc xử lý tiền lương tối thiểu vùng mà chính sách điều hành, hoặc chính sách quản trị doanh nghiệp không tốt sẽ dẫn đến lạm phát tăng và kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội

Trong trường hợp không tăng lương vì lo ngại gây ảnh hưởng cho doanh nghiệp, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng có thể tính đến phương án hỗ trợ chi phí cho người lao động như chi phí học tập, khám chữa bệnh cũng như các khoản chi phí thiết yếu khác. Tuy nhiên, phương án này cũng tiềm ẩn hệ lụy, vì khi giảm hoặc hỗ trợ sản phẩm đó, sẽ tác động đến giá thành các loại sản phẩm khác. Ví dụ, chi phí khám, chữa bệnh giảm đi, nhưng tiền thu lại của các cơ sở khám, chữa bếnh không đáp ứng để trả lương cho nhân viên. Do đó, cần tính toán kỹ các phương án để hỗ trợ cho người lao động mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành khác. Khẳng định trong lúc này, các chính sách về phúc lợi xã hội là vô cùng quan trọng, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng vấn đề hỗ trợ người lao động lúc này để giảm áp lực điều chỉnh lương tối thiểu cho doanh nghiệp phải tính toán rất cụ thể và việc dùng các chính sách an sinh xã hội như trong Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP vừa qua là kịp thời và hợp lý.

Về thời điểm tăng lương tối thiểu, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thảo luận, thỏa hiệp và thống nhất tăng từ ngày 1/7/2022. Mức tăng được các thành viên Hội đồng chốt trình Chính phủ phương án tăng 6%. Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Bùi Sỹ Lợi nêu rõ, dù tăng ở mức nào thì tiền lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, đảm bảo không tạo ra áp lực cho doanh nghiệp về mặt giá thành, kế hoạch sản xuất cũng như điều chỉnh giá bán sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

TS. Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, đề xuất thống nhất tăng lương tối thiểu vùng lên 6% đã là một nỗ lực lớn của người lao động và chủ sử dụng lao động. Mức tăng lương tối thiểu cũng đã bù được chỉ số CPI và có một phần khuyến khích thúc đẩy người lao động. Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, các doanh nghiệp phải có chính sách khuyến khích giữ chân và thu hút người lao động. Muốn giữ chân người lao động, vấn đề quan trọng nhất là thu nhập và tiền lương. Vì vậy, cần điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng lên hợp lý, có lợi cho người lao động, vượt qua chỉ số giá tiêu dùng, phần vượt lên đó chính là khuyến khích giữ chân người lao động. Song, có thể có những doanh nghiệp phải giảm lợi nhuận, thậm chí phải bù thêm tiền lương để thu hút, giữ chân người lao động, tạo cơ sở cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII đã quyết định chưa cải cách tiền lương vào năm 2022. Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, hiện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang gặp khó khăn. Thời gian qua, lực lượng này rất ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước, vì vừa trải qua dịch COVID-19, ngân sách khó khăn và phải tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Song, đến thời điểm này, các cán bộ, công chức, viên chức rất cần điều chỉnh mức tiền lương. TS. Bùi Sỹ Lợi gợi ý, nếu chưa thực hiện cải cách toàn diện tiền lương, thì nên thực hiện điều chỉnh tiền lương cơ sở để đảm bảo đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức./.

Minh Hùng

Các bài viết khác