Khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 10: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc

19/10/2006

TTO - Kỳ họp thứ 10 - Quốc hội (QH) khóa XI đã được khai mạc. Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho biết, 9 tháng vừa qua của năm 2006, với những bất lợi như giá dầu biến động, thiên tai… nền kinh tế vẫn phát triển cả năm ước đạt trên 8%, các lĩnh vực văn hóa xã hội vẫn phát triển, luật phòng chống tham nhũng được thực hiện với quyết tâm cao.

Quốc hội biểu dương đồng bào chiến sĩ cả nước đã vượt qua các khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

QH chia sẻ những khó khăn về người và tài sản do thiên tai gây ra, đặc biệt là với cơn bão số 6 vừa qua.

Theo chương trình nghị sự, quốc hội sẽ xem xét các chương trình nghị sự như: Đánh giá việc thực nhiện nghị quyết của QH về phát triển kinh tế xã hội; Thảo luật thông qua 11 dự án luật đã thảo luận ở kỳ họp 9; Cho ý kiến với 6 dự án luật khác: tương trợ tư pháp, thuế thu nhập cá nhân…

Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2006, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cùng với nhiều thuận lợi cơ bản và những khó khăn thách thức lớn như thiên tai trên nhiều địa phương, cúm gia cầm, giá xăng dầu biến động và những rào cản kinh tế mới.

Qua số liệu 9 tháng đầu năm đủ căn cứ dự báo các kết quả năm 2006 như sau: GDP ước tăng từ 8,2% đến 8,5%, Công nghiệp và xây dựng tăng 10,4, 10,5 %, kim ngạch XK tăng khoảng 20%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng từ 7, đến 7,5%, tạo việc làm cho khoảng 7 triệu lao động, bội chi ngân sách nhà nước trong mức 5%. Hai chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch là chỉ tiêu học sinh vào trung học dạy nghề và tỉ lệ sinh ở nông thôn.

Nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao như tổng vốn đầu tư năm 2006 đạt 41% GDP. Nhập siêu giảm nhiều, lĩnh vực dịch vụ tăng khá cao, tỉ lệ cổ phần hóa tăng, các tập đoàn kinh tế, công ty nhà nước được kiện toàn, hơn 41 ngàn công ty được thành lập, các hoạt động KHKT được đẩy mạnh theo cơ cấu tự hoạt động tự chịu trách nhiệm, hình thức chợ và sàn giao dịch công nghệ được thực hiện ở nhiều địa phương.

Đổi mới đào tạo và thi cử ở nhiều địa phương, cơ sở vật chất nhà trường được cải thiện, tạo diện mạo mới cho các cơ sỏ giáo dục. Công tác xóa đói giảm nghèo được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Sự chỉ đạo quyết liệt sâu sát của trung ương và các địa phương đã khống chế dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng và hạn chế tối đa các thiệt hại trong bão lũ...

Từ 1-10-2006, điều chỉnh nâng cao mức lương tối thiểu, lương hưu, trợ cấp xã hội, sớm hơn so với kế hoạch cải cách tiền lương.

Về tình hình thực hiện cải cách hành chính, Thủ tướng cho biết sau 5 năm thực hiện đã tiếp tục hoàn thiện cải cách hành chính, nhiều chuyển biến và tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, ban hành và tổ chức phòng chống tham nhũng theo tinh thần nghị quyết trung ương 3, ban hành quy định xử lý trách nhiệm với người đứng đầu, chỉ đạo xử lý công khai các sự việc gây tổn hại lớn. Tệ nạn xã hội tiếp tục được hạn chế... tạo thêm lòng tin cho xã hội.

Quốc phòng an ninh được củng cố tăng cường, tệ nạn xã hội được kiềm chế, chính trị xã hội ổn định, một số hoạt động đối ngoại được triển khai và tăng uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Sau 11 năm kiên trì đàm phán, chúng ta đã kết thúc đàm phán song phương và đa phương về việc gia nhập WTO. Đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho tuần lễ hội nghị cấp cao  APEC.

Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh những thành công nói trên bắt nguồn từ thế và lực của đất nước, từ hoạt động và làm việc có hiệu quả của các tầng lớp nhân dân, các tầng lớp doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội còn nhiều yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng. Tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều bất cập, GDP tăng đạt kế hoạch nhưng còn chậm, các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc, sự phát triển của KHCN vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đời sống nhân dân nhiều nơi ở nông thôn còn nhiều khó khăn; cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, những yếu kém trên không phải là vấn đề mới nhưng khắc phục còn chậm, đòi hỏi những nỗ lực cao hơn...

Tăng thu nhập bình quân theo đầu người đạt 820 USD

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2006; phương hướng, nhiệm vụ kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết theo báo cáo, tổng sản phẩm quốc nội cả năm ước tăng 8,2 đến 8,5% đạt 72 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người GDP đạt 820 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 15,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 17,4% tổng vốn đầu tư phát triển xã hội.

Tăng dịch vụ từ 8 đến 8,5%. Tăng giá tiêu dùng khoảng 7-7,5%, tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, giảm tỷ lệ tử vong dưới 1 tuổi xuống 11,5 %o, giảm tỷ lệ sinh dưới 13%o.

Tổng thu ngân sách năm nay ước đạt 258.000 tỷ đồng, tổng chi ngân sách khoảng 347.000 tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm ngoái. Bội chi nằm trong mức cho phép 5% GDP.

Các chỉ tiêu về giáo dục: thực hiện phổ cập THCS ở 40 tỉnh, chuyển đổi các trường ĐH tăng 10%. Môi trường: 31% tỉnh có hệ thống xử lý nước thải...

Về chương trình hành động, Thủ tướng chính phủ nhấn mạnh đến việc hoàn thiện các thể chế Kinh tế thị trường định hướng XHCN và xem đó là yêu cầu hàng đầu, trong đó đặc biệt chú trọng đến thị trường tài chính và tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển xã hội... Thủ tướng cũng thông báo, đến 2007, sẽ cổ phần hóa 600 DN nhà nước và sẽ đưa 100 DN đã cổ phần hoá lên sàn giao dịch...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động du lịch, tích cực mở rộng thị trường và quảng bá du lịch VN khuyến khích đầu tư và hiện đại hóa bưu chính viễn thông, nâng cao năng lực của hàng hải, hàng không quốc tế, phát triển khoa học, đào tạo và an sinh xã hội, tạo môi trường cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, phát huy lợi thế xã hội, hạn chế các tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài với nhiều hình thức.

Ban hành chương trình hành động quốc gia để phù hợp quốc tế. Xây dựng các tuyến giao thông với các nước trong khu vực, mở rộng địa bàn thu hút đầu tư hướng vào các thị trường tiềm năng, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút kiều hối, đầu tư phát triển, hạn chế và tiến tới chấm dứt xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, nông sản chưa qua chế biến, hạn chế nhập siêu.

Tiếp tục đầu tư xây dựng đường nông thôn, hệ thống thông tin, thủy văn, cứu nạn thiên tai. Phát huy ưu thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đầu tư phát triển vùng hàng hóa nông sản tập trung theo công nghệ sạch, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, bền vững về môi trường.

Cần tập trung nghiên cứu chọn tạo giống có chất lượng, nghiên cứu phát triển công nghệ sau thu hoạch đóng gói bảo quản sản phẩm. Chú trọng giải quyết đất ở nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích nhân dân bảo vệ rừng tự nhiên và phát triển rừng kinh tế. Phát triển công nghệ chế biến nông lâm sản tập trung vào các nông sản gạo, cà phê, cao su…

Triển khai xây dựng nông thôn mới, phát triển hệ thống khuyến nông, khuyến ngư, cung ứng vật tư nông nghiệp, tiếp tục đầu tư phát huy khả năng hỗ trợ của xã hội để xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.

Nhiệm vụ phát triển xã hội, khoa học

Sắp xếp lại hệ thống dạy nghề, nâng cao chất lượng dạy nghề, tăng nhanh tỉ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông học thẳng lên trung học cao đẳng đại học dạy nghề. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập, thực hiện tốt việc chuyển các trường công lập thành dân lập, tư thục bỏ bán công. Thực hiện miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, sử dụng hợp lý quỹ học bổng du học.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống trường lớp, mở thêm các trường nội trú bán trú. Khắc phục nhanh tình trạng tụt hậu về phát triển đào tạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đổi mới cơ chế hoạt động đề cao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm của các trường đại học. Nâng cao chất lượng và tính thương mại của các hoạt động công nghệ, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động công nghệ. Xây dựng quy chế liên kết giữa khoa học công nghệ với giáo dục và đào tạo, với ứng dụng thực tế, tạo cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của các tổ chức nghiên cứu khoa học, thúc đẩy sự hình thành của thị trường công nghệ, ứng dụng thành tựu công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Hình thành quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.

Phát triển văn hóa nền tảng tinh thần xã hội phù hợp với phát triển kinh tế, bồi dưỡng các tài năng văn hóa, khuyến khích các tài năng văn hóa. Khắc phục nhanh yếu kém trong công tác báo chí xuất bản, tuyên truyền kịp thời các chủ trương chính sách, ban hành cụ thể trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về công khai hóa thông tin cho nhân dân và các cơ quan báo chí.

Vận động toàn xã hội tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa nâng cao chất lượng sống của người có công, trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam, trợ giúp nạn nhân thiên tai, tập hợp các nguồn lực để xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, các bệnh viện đa khoa, các trung tâm y tế vùng. Mở rộng loại hình và nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Những hậu quả của việc phát triển kinh tế chưa chú ý đến bảo vệ môi trường là bức xúc. Năm 2007 phải xử lý triệt để những khu vực kinh tế gây ô nhiễm nghiêm trọng, tăng cường kiểm soát ô nhiễm khói bụi ở các nhà máy, xây dựng các khu xử lý chất thải ở khu công nghiệp, bệnh viện, có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải.

Với nhóm ngành hàng thiết yếu, Thủ tướng Dũng khẳng định sẽ giảm gánh nặng bù lỗ cho ngân sách nhà nước. Trong năm 2007, xi măng, sắt thép kinh doanh theo giá thị trường, không bù lỗ giá xăng, giá than, hạn chế bù lỗ giá dầu. Chính quyền sẽ không can thiệp trực tiếp vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, không can thiệp trực tiếp, làm tốt công tác quy hoạch. Năm 2007, trọng tâm cổ phần hóa khoảng 600 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có ngân hàng cổ phần thương mại; đưa 100 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa lên thị trường chứng khoán. Thủ tướng cũng nhấn mạnh năm 2007 phải có những bước chuyển mạnh trong lĩnh vực này và lành mạnh hóa tài chính.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2007 và kế hoạch 5 năm, trong những tháng cuối năm 2006 phải khẩn trương triển khai các công việc cần thiết để VN tham gia WTO, bảo đảm cho hội nghị APEC thành công, trong khi tập trung cao nhất cho phát triển kinh tế xã hội vẫn phải nâng cao cảnh giác bảo đảm an ninh quốc phòng, Chính phủ sẽ thực hiện hết sức, hết khả năng của mình, nhưng cũng đề nghị UB Mặt trận tổ quốc và các UB khác cùng các cấp nhân dân cùng hỗ trợ với Chính phủ thực hiện tốt những kế hoạch đề ra.

Sau báo cáo của Thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2006; phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007.