ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐỒNG NAI: GÓP PHẦN ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

01/01/2022

Trong chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát là một trọng tâm của đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XV.


Các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai tham gia hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Ảnh: Hồ Thảo

Do vậy, để chuẩn bị cho chương trình giám sát năm 2022, ngay từ năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, lựa chọn các chuyên đề sát đúng nhất, đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Căn cứ vào đó, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai đã chủ động xây dựng chương trình cụ thể cho hoạt động giám sát năm 2022.

Tạo sự chuyển biến căn bản

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 vừa qua, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2021 là năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Quốc hội. Với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, Quốc hội đã chủ động điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành hoạt động giám sát để vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cũng theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Với mục tiêu và quyết tâm ấy, trong thời gian qua, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung dành nhiều thời gian và nguồn lực cho công tác chuẩn bị, huy động được tổng thể trí tuệ của ĐBQH, sự đóng góp của các cơ quan chức năng rất sâu sát trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, các kế hoạch, đề cương chi tiết đã được thảo luận rất kỹ, nhiều vòng, nhiều lần. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian thích đáng cho việc xem xét, ban hành quyết định thành lập các đoàn giám sát cũng như các kế hoạch, đề cương giám sát chi tiết.

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án Tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Qua đó, nhằm tiếp tục kế thừa, phát huy những kết quả đạt được của nhiệm kỳ khóa XIV, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn cũng như trong quy định của pháp luật về hoạt động giám sát thời gian qua. Đồng thời, kiến nghị những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV.

Theo đó, trong năm 2022, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành 4 giám sát chuyên đề, trong đó 2 giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác quy hoạch; 2 giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, trong cả 4 chuyên đề giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có kế hoạch huy động các cơ quan của Quốc hội ở Trung ương; mời và giao nhiệm vụ cho Đoàn ĐBQH, HĐND 63 tỉnh, thành phố tham gia thực hiện giám sát.

 “Lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải xác định được trách nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong từng ngành, lĩnh vực. Có như vậy, sau giám sát, chúng ta mới hy vọng có thể tạo ra sự chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực giám sát, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân cả nước và yêu cầu của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ: “Phải huy động tổng lực các cơ quan chức năng tham gia thực hiện giám sát. Chúng ta phải làm đến nơi, đến chốn¸ có bằng chứng cụ thể, có đánh giá sát đúng với từng lĩnh vực, đưa ra kiến nghị, đề xuất sắc sảo và cũng phải theo dõi cả việc tổ chức thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát. Giám sát phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, theo tận cùng từng vấn đề được giám sát. Có phương pháp giám sát tổng hợp, chi tiết, khoa học, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay”.

Theo đến cùng vấn đề được giám sát

Bám sát chương trình, kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như kế hoạch của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Nai đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát năm 2022.

Theo đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã thành lập đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; thời gian dự kiến tiến hành trong tháng 12-2021 và tháng 1-2022.

Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng thành lập đoàn giám sát về thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; thời gian dự kiến tiến hành trong tháng 3 và 4-2022. Đồng thời, thành lập đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ phối hợp với các đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện giám sát tại địa phương (nếu có).

Cũng theo Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, trong kế hoạch giám sát, khảo sát chuyên đề năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiến hành giám sát một số chuyên đề nhận được nhiều sự quan tâm như: hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn vốn của một số công ty nhà nước thuộc tỉnh, thời gian dự kiến vào tháng 7-2022; về việc quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng, nhất là việc xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh, thời gian dự kiến vào tháng 8-2022; về hoạt động của các cơ quan tư pháp tỉnh trong một số lĩnh vực như: bắt, giam giữ, khởi tố điều tra và công tác giữ gìn an ninh trật tự trong năm 2021, thời gian dự kiến vào tháng 9-2022.

Đối với giám sát thường xuyên, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai sẽ tiến hành giám sát việc giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước, sau Kỳ họp thứ 3 và Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của cơ quan thẩm quyền; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan thẩm quyền qua tiếp dân, tiếp nhận, chuyển đơn của Đoàn ĐBQH tỉnh theo định kỳ hằng quý, 6 tháng, năm. Cùng với đó, tham gia các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cuộc chất vấn của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội trong năm 2022.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường nhấn mạnh, Quốc hội có 3 chức năng chính là lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Trong đó, với chức năng giám sát tối cao, trong thời gian tới, bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tập trung theo dõi, tham gia giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, nhất là những vấn đề được cử tri quan tâm; giám sát đến cùng việc xử lý các kiến nghị, bức xúc của cử tri; đồng thời, đưa ra những kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết triệt để, thấu đáo.

Theo Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, các hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ đảm bảo thực hiện đúng theo Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tích cực tham gia các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội khi thực hiện giám sát tại địa phương. Tham gia các hoạt động giám sát của Thường trực HĐND và các ban HĐND tỉnh; tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khi tổ chức giám sát tại địa phương.

(Theo Báo điện tử Đồng Nai)

Các bài viết khác