ĐẠI BIỂU TRẦN ĐÌNH VĂN: ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN “SỐNG CHUNG AN TOÀN VỚI COVID-19”

09/11/2021

Tham gia thảo luận tại hội trường ngày 09/11 về vấn đề phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nước ta cần phải thay đổi chiến lược "sống chung với COVID-19".

 

Đại biểu Trần Đình Văn tham gia phát biểu tại hội trường ngày 09/11 về giải pháp phòng, chống dịch COVID-19

Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội về công tác phòng chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, đại biểu Trần Đình Văn đánh giá cao công tác điều hành, chỉ đạo trong phòng chống dịch COVID-19 của cả hệ thống chính trị thời gian qua, chúng ta luôn đặt tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết. Đồng thời, trong những lúc cam go nhất của công tác chống dịch, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy truyền thống tương thân tương ái, đoàn kết một lòng để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đến nay nước ta từng bước khống chế được phạm vi tác động của dịch bệnh.

Thực tế cho thấy, sau gần 2 năm xuất hiện và diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, đại dịch COVID-19 đến nay vẫn như cơn sóng thần, tấn công hết đợt này đến đợt khác với sự xuất hiện liên tục những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Tình trạng này làm chúng ta phải thay đổi quan điểm ứng phó dịch bệnh từ “Zero COVID-19” sang “sống chung an toàn với COVID-19”. Đại biểu Trần Đình Văn đề xuất một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, chúng ta không thể phong tỏa và đóng cửa mãi. Biện pháp này không còn hiệu quả và sẽ vô cùng tốn kém. Mỗi lần chúng ta siết chặt biện pháp phòng dịch, thì hoạt động kinh doanh bị gián đoạn hơn nữa, người lao động mất việc, trẻ em không được đến trường, các gia đình bị chia cách lâu hơn. Tất cả sẽ gây ra áp lực tâm lý và khiến chúng ta kiệt quệ về tinh thần. Vì vậy, chúng ta cần phải thay đổi chiến lược "sống chung với COVID-19", vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động thường nhật bình thường nhất có thể, thực hiện các biện pháp phòng dịch và tuân thủ các quy định kiểm soát an toàn. Nhờ có vắc-xin, COVID-19 trở thành căn bệnh nhẹ và có thể điều trị được. Điều này đặc biệt đúng khi đã được tiêm vaccine đầy đủ. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống dịch của người dân nếu bị nhiễm COVID-19, có thể tự điều trị tại nhà, nhưng y tế địa phương phải tạo sự yên tâm cho người dân bằng cách thiết lập đường dây liên lạc thông suốt với nhân viên y tế, thành lập các trạm y tế lưu động, tổ COVID cộng đồng, đội cấp cứu lưu động, hướng dẫn dùng túi thuốc F0 tại nhà.

Thứ hai, chúng ta cần thay đổi về nhận thức, bên cạnh xem COVID-19 là thách thức khó khăn khi mà các mắt xích phát triển kinh tế - xã hội bị đứt gãy, thì COVID-19 cũng là cơ hội để nhìn nhận thực trạng nền kinh tế, công tác chỉ đạo điều hành, sức chống chịu của nền kinh tế, coi đây là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đánh giá kỹ hơn những mặt được, những tồn tại, hạn chế, vấn đề phân cấp, phân quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, quan hệ phối hợp giữa các bộ ngành và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch.

Thứ ba, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cực nhanh và đã lây lan ra toàn thế giới. Thậm chí khi toàn bộ dân số đã được tiêm chủng, vẫn không thể loại bỏ nó bằng các biện pháp phong tỏa và quản lý an toàn như trước đây. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng chiến lược phòng chống dịch bệnh song song với các chương trình phục hồi kinh tế vừa bảo đảm tính hiệu quả, vừa tuân thủ quan điểm không nóng vội, chủ quan, và luôn luôn cảnh giác với các nguy cơ dịch bệnh có thể quay trở lại; chúng ta cần đổi mới tư duy trong công tác phòng chống dịch, đặt trọng tâm vào phòng chống dịch thích ứng an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả, với chiến lược bao phủ vaccine + 5K + ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao ý thức người dân. Trong đó, quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước để chủ động nguồn cung, tự chủ vaccine đảm bảo cung ứng cho người dân trong nước.

Thứ tư, chúng ta cần xây dựng các chương trình giáo dục và định hướng giáo dục sau đại dịch. Hiện nay, tỷ lệ lao động mất việc làm lớn; việc người dân di cư, hồi hương cho thấy các doanh nghiệp khi khôi phục sản xuất sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực lao động dẫn đến những khó khăn rất lớn trong sản xuất và cung ứng dịch vụ. Do đó, chúng ta cần quan tâm việc đào tạo mới và đào tạo lại lao động thông qua các chương trình giáo dục và định hướng giáo dục trên cơ sở cơ cấu lại một số ngành nghề, hình thành những ngành mới. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp sắp tới phải đảm bảo dự báo được tình hình chuyển đổi nghề và đảm bảo tính định hướng.

Thứ năm, với số lượng người lớn đi về các địa phương như hiện nay, chắc chắn các khu cách ly tập trung sẽ quá tải, là nguy cơ dẫn đến lây nhiễm chéo. Với chính quyền địa phương theo tinh thần chung của Chính phủ là “sống chung an toàn với COVID-19” nhưng lại chưa chuẩn bị kịp nhân lực, không đủ nguồn lực cách ly, chưa chuẩn bị kịp về năng lực của hệ thống y tế cơ sở. Vì vậy, phải chuẩn bị phương án là nếu không thể cách ly tốt, thì phải dùng mạng lưới xã, phường để hỗ trợ quản lý cách ly tại nhà. Nhưng một vấn đề đặt ra, vì nó sẽ dễ dẫn đến tình trạng lây lan ra cộng đồng. Nên ngoài ưu tiên khẩn cấp tiêm vaccine, chúng ta phải tăng năng lực hệ thống y tế cơ sở về nhân lực và trang thiết bị; tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến từ cơ sở, huy động đội ngũ tình nguyện viên để hỗ trợ khi phát sinh số lượng lớn.

Thứ sáu, đề nghị cần xây dựng môi trường du lịch an toàn, giải pháp ưu tiên là các Bộ ngành liên quan (ngành Du lịch, Y tế) cần phối hợp chặt chẽ sớm ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến du lịch để tạo được sự tin tưởng của khách du lịch. Cụ thể là xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình về sức khỏe và an toàn thống nhất trong cả nước; quy trình xử lý sự cố xảy ra liên quan đến dịch bệnh. Từ đó, các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút khách du lịch trên cơ sở xây dựng môi trường du lịch an toàn, áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân tại các điểm đến du lịch, đồng thời xúc tiến điểm đến mạnh mẽ để thu hút khách du lịch./.

Kim Liên