ĐẠI BIỂU PHẠM VĂN HÒA: RÀ SOÁT KỸ ĐỂ LUẬT SỬA ĐỔI CÓ "TUỔI THỌ" LÂU DÀI

26/10/2021

Tại phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp tán thành sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp với tình hình hiện nay, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các Luật có liên quan đã có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa tham gia thảo luận từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp

Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 và được sửa đổi bổ sung hai lần vào năm 2009, 2019. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã có những vấn đề mới, phát sinh trong quá trình hội nhập với thế giới trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân về sở hữu trí tuệ, về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp dân sự, giải quyết các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước. Do đó, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tán thành sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp với tình hình hiện nay, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các Luật có liên quan đã có hiệu lực thi hành.

Có cơ chế phân chia lợi ích hợp lý

Luật năm 2019 sửa đổi bổ sung chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, đại biểu Hòa đề nghị Chính phủ, nhất là Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm chuẩn bị kỹ nội dung sửa đổ bổ sung để Luật có tuổi thọ lâu dài, “nếu làm không kỹ 1 - 2 năm lại sửa đổi bổ sung sẽ tốn kém, gây dư luận không tốt trong dân”, ông Hòa nhấn mạnh. 

Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, đại biểu Hòa tán thành phương án 1 “giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được cấp văn bằng bảo hộ” là phù hợp với thực tiễn và phát huy quyền của các tổ chức cá nhân được hưởng quyền lợi những gì mà mình phát minh, sáng kiến có lợi cho dân, cho Nhà nước, tạo động lực khuyến khích các tổ chức chủ trì đăng ký các xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ sở hữu công nghiệp và thúc đẩy thương mại hoá đối tượng quyền sở hữu công nghiệp đó. Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị tiếp tục nghiên cứu phần đóng góp ngân sách cho kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, có cơ chế phân chia hợp lý giữa chủ thể nghiên cứu với phần tham gia của nhà nước để có sự hài hoà lợi ích với nhau, phòng ngừa ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ mà lợi ích lại thuộc về cá nhân, chủ thể khác là không hợp lý, không đúng theo Luật Ngân sách nhà nước.

Giữ quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đại biểu Hòa nhận thấy theo phương án 1 về không áp dụng biện pháp hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà xử lý bằng biện pháp dân sự là chưa thật sự thỏa đáng, như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đã chỉ ra. Ông đề nghị giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm phát huy vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực này và đề cao trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong việc phát hiện kịp thời hành vi vi phạm; mặt khác cũng góp phần giảm gánh nặng của tòa án trong tố tụng dân sự và chi phí cho bên khởi kiện, cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bị xử phạt nhiều lần mà vẫn tái vi phạm.

Nêu quan điểm về một số vấn đề cụ thể khác, đại biểu tỉnh Đồng Tháp chỉ rõ, tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75 “Tuỳ từng trường hợp mà một số hoặc tất cả các tiêu chí sau đây có thể được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng” là mang tính chất suy diễn hoặc theo ý kiến chủ quan của ai đó cho rằng đó là nhãn hiệu nổi tiếng hoặc là bình thường, chưa cụ thể, rõ ràng, dễ dẫn đến thiếu tính minh bạch. Do đó, cần rà soát lại cho thuyết phục.

Về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài tại Điều 89a, theo đại biểu Hòa, vẫn còn bất cập là chỉ kiểm soát “sản phẩm tạo ra toàn bộ ở Việt Nam” mà không áp dụng đối với sản phẩm được tạo ra một phần hay có sự đóng góp ít nhiều ở Việt Nam sẽ dẫn đến kẽ hở cho sự lợi dụng không qua sự kiểm soát của an ninh, vì vậy đề nghị sản phẩm tạo ra có sự đóng góp trong nước là phải qua kiểm soát an ninh./.

 
 

(Theo báo Đại biểu nhân dân)