Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều. dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 07 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.
Thảo luận về dự án Luật, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề như: Sự cần thiết, hồ sơ và bố cục dự thảo; sự phù hợp của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với Hiến pháp và các luật có liên quan; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bảo hiểm bắt buộc; hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; bảo hiểm vi mô;…
Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm. Một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trưởng bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế...
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đánh giá cao việc Quốc hội đưa dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật ngay từ đầu nhiệm kỳ, đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, luật sau khi được ban hành sẽ có tác động rất mạnh mẽ, đưa lại lợi ích rất lớn. "Bảo hiểm bản thân là 1 ngành kinh tế; là cơ chế đảm bảo sự an toàn cho hoạt động kinh tế - xã hội và người dân đồng thời đây cũng là nguồn lực rất lớn để đầu tư trở lại phát triển kinh tế - xã hội....", đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần phải có quy định một cách mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm đánh bắt hải sản, thiên tai tại dự thảo luật; cân nhắc bỏ quy định về công bố nội dung hoạt động trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính,…
Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Lưu Văn Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc Dự thảo thiết kế quy định về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm vi mô là vô cùng cần thiết. Theo đại biểu, đây là loại hình bảo hiểm hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và có nhiều đặc thù khác với bảo hiểm thương mại thông thường. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, cần cân nhắc có quy định rõ về loai hình bảo hiểm này trong dự thảo luật.
Về hợp đồng bảo hiểm, một số ý kiến đại biểu cho rằng, quy định tại Dự thảo dường như đang nghiêng về bảo vệ quyền lợi cho bên kinh doanh bảo hiểm nhiều hơn. Vì vậy, kiến nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát quy định đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia bảo hiểm, đồng thời nghiên cứu quy định câu, từ, các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm phải dễ hiểu, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người mua bảo hiểm.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Về hình thức hợp đồng bảo hiểm, đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, cho rằng, tại Điều 15, Khoản 1 quy định “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản”, đồng thời khoản 2 quy định “Hợp đồng bảo hiểm có thể được thể hiện bằng… các hình thức giao dịch dân sự khác phù hợp với quy định của pháp luật”. Trong khi đó, Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự quy định “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Như vậy, quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 15 chưa có sự thống nhất. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát và làm rõ các quy định để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, vừa phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.
Về nội dung bảo hiểm bắt buộc được quy định tại Điều 9 của Dự thảo, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện dự thảo Luật quy định, sản phẩm Bảo hiểm bắt buộc gồm 3 loại: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nhiều tổ chức tín dụng đang có yêu cầu mang tính “bắt buộc” đối với khách hàng (người vay) mua một số gói bảo hiểm, nhất là gói bảo hiểm thân vỏ xe ô tô và bảo hiểm cháy nổ đối với căn hộ chung cư, nhà ở (trong trường hợp khách hàng có khoản vay mua các sản phẩm này, và thường phải mua bảo hiểm của đơn vị cung cấp bảo hiểm do tổ chức tín dụng chỉ định).
Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Theo đại biểu, về bản chất, “khoản vay” là thỏa thuận tự nguyện giữa khách hàng và tổ chức tín dụng trong giao kết và thực hiện hợp đồng tín dụng. Nhìn từ góc độ xã hội, việc yêu cầu khách hàng mua gói bảo hiểm là một trong các biện pháp mà tổ chức tín dụng áp dụng nhằm bảo đảm an toàn cho khoản vay của mình, đồng thời đảm bảo cho người vay và gia đình của họ trong các trường hợp bất khả kháng (bệnh tật, mất khả năng chi trả). Vì vậy, đại biểu đề nghị nên cân nhắc để quy định ở mức độ nhất định về bảo hiểm bắt buộc (nhất là các khoản vay tiêu dùng (mua xe ô tô, bất động sản); nhằm đảm bảo lợi ích cho cả người dân, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm; đồng thời đảm bảo sự an toàn, ổn định cho người vay và gia đình họ trong trường hợp phát sinh rủi ro đối với các khoản vay tiêu dùng (mua xe, bất động sản…).
Cũng tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát quy định về chính sách phát triển bảo hiểm để quy định cụ thể hơn; cần bố cục lại một số chương, mục của dự thảo Luật cho hợp lý hơn; đối chiếu với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; quy định văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật đảm bảo tính phù hợp, kịp thời;.../.