Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này.
Gợi ý nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, khi tiến hành xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải đảm bảo chặt chẽ, toàn diện, minh bạch, đổi mới, đáp ứng yêu cầu của đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về chính sách phát triển điện ảnh, quản lý Nhà nước về điện ảnh, nhất là 3 vấn đề sau:
Thứ nhất, hình thức sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước có đấu thầu hoặc không đấu thầu, Chính phủ đề xuất không áp dụng phương thức đấu thầu, còn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng phải có hình thức đấu thầu bên cạnh hình thức đặt hàng và giao nhiệm vụ.
Thứ hai, việc quản lý phố biến trên không gian mang, Chính phủ đưa ra hai phương án, lực chọn hậu kiểm hoặc tiền kiểm. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề xuất thêm phương án hậu kiểm kết hợp với tiền kiểm.
Thứ ba, việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Dự thảo Luật đưa ra quy định về việc thành lập Quỹ, mục đích và nguyên tắc hoạt động của Quỹ. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục còn băn khoăn về tính khả thi của Quỹ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Luật Điện ảnh hiện hành ban hành năm 2006, sau 14 năm đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra được những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành. Đó là Luật Điện ảnh năm 2006 mới chỉ tiếp cận phim trên nền tảng điện ảnh truyền thống như sản xuất phim nhựa chứ chưa tiếp cận nền tảng công nghệ kỹ thuật số như hiện nay. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời liên quan đến các ngành văn hóa dịch vụ tổng hợp khác như du lịch. Thực tế cho thấy ngành điện ảnh ở nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... phát triển rất mạnh. Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng phim trường của bộ phim “Kong: Skull Island” tại Ninh Bình hay phim trường của phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tại Phú Yên thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan.
Do vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành với Chính phủ sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh, đồng thời phải nhìn nhận điện ảnh không chỉ dưới góc độc văn hóa nghệ thuật mà còn là sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa cao, xây dựng như một ngành kinh tế mũi nhọn, có chính sách phát triển riêng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng cách tiếp cận này hoàn toàn đúng nhưng báo cáo thẩm tra cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, thích nghi với nền tảng công nghệ kỹ thuật số hiện nay, để đảm bảo vừa là loại hình nghệ thuật vừa là sản phẩm văn hóa.
Nhấn mạnh Luật Điện ảnh phải điều chỉnh các hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số để khuyến khích điện ảnh phát triển nhanh, đồng thời Luật Điện ảnh phải tạo hành lang pháp lý để phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là hai vấn đề bao trùm lớn nhất để sửa đổi Luật Điện ảnh lần này, hy vọng Luật ra đời sẽ tạo cú hích cho loại hình nghệ thuật này.
Đề cập đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh và hỗ trợ phát triển công nghiệp điện ảnh, Chủ tịch Quốc hội hoàn toàn đồng tình với chính sách này, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tính toán thêm. "Đây là 2 chính sách hay 1 chính sách? thực tế có tách bạch được 2 vấn đề này hay không?" - Chủ tịch Quốc hội gợi ý. Công nghiệp điện ảnh như một ngành văn hóa có tính tổng hợp liên ngành, kết nối với nhiều ngành, do đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Dự án Luật phải thể hiện được vấn đề này như kết nối với ngành du lịch, ngành công nghiệp giải trí khác, tổ hợp vui chơi giải trí, công nghiệp dịch vụ, biểu diễn nghệ thuật, thời trang.... Đồng thời khi ban hành Luật này cần tính toán sự đồng bộ với các luật khác có liên quan. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý cần quan tâm đầu tư phim trường, có chính sách khuyến khích đầu tư phim trường cũng như đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh.
Liên quan đến vấn đề vốn trong hoạt động điện ảnh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây có thể xem là loại đầu tư rủi ro, không thể gọi vốn thông thường như cho vay tín dụng thương mại, đề nghị cần xem xét, tính toán về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đề nghị cần xem xét rõ hơn quy định nào thì đấu thầu, tiêu chí đấu thầu như thế nào, quy định nào thì giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.
Liên quan đến nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần áp dụng cả 2 loại phương án quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng là cả tiền kiểm và hậu kiểm, không nên tách riêng 2 phương án này, không nên cực đoan chỉ chọn một phương án hoặc tiền kiểm hoặc hậu kiểm.
Cho rằng những nội dung Chính phủ đề xuất đều rất mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phổi hợp với nhau, tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, học tập kinh nghiệm từ các nước có nền điện ảnh phát triển để xây dựng Luật Điện ảnh vừa đảm bảo đời sống tinh thần, giải trí cho nhân dân, vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quóc hội Hoàng Thanh Tùng.
Cho ý kiến về Dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh ban hành năm 2006. Dù đã được sửa đổi một lần nhưng Luật vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, những quy định của Luật chưa theo kịp sự phát triển của công nghiệp điện ảnh thời gian gần đây. Trong Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị bổ sung thêm quan điểm, chủ trương của Đảng thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 là hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa, độc đáo, sáng tạo, có sức lan tỏa để quảng bá, giới thiệu ra thế giới. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, Dự án Luật cần thể hiện cả hai khía cạnh, một mặt phát triển điện ảnh như một hoạt động văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, mặt khác là một ngành công nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về hồ sơ Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật cho rằng cơ quan soạn thảo, Chính phủ cơ bản đã trình đầy đủ theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 tới đây.
Liên quan đến các quy định về chính sách hoạt động điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật băn khoăn đây là một chính sách hay hai chính sách về phát triển điện ảnh, do vậy cần cân nhắc thêm vấn đề này để đáp ứng hai mục tiêu và hoàn thiện Dự án Luật.
Về chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận thấy, chính sách đề ra toàn diện, rất hay, đúng về chủ trương, đường lối nhưng giải pháp thể hiện bằng những chế định cụ thể, nội dung của Luật lại chưa rõ nét. Đề nghị cân nhắc thêm giải pháp ràng buộc về mặt pháp lý trong triển khai thực hiện để đảm bảo tính khả thi của Luật.
Về các vấn đề Chính phủ xin ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đồng tình với Báo cáo thẩm tra về những nội dung này. Về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đồng tình với phương án 2 như trong Báo cáo thẩm tra, cụ thể là giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu là các hình thức cơ bản để lựa chọn đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước được pháp luật quy định. Đồng thời đề nghị cần nêu rõ hơn, có quy định cụ thể về vấn đề giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu như thế nào, cần có một số quy định để tháo gỡ khó khăn khi triển khai đặt hàng theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ để đảm bảo thuận lợi trong việc thực hiện các chính sách này.
Liên quan đến vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần cân nhắc xem trình một phương án hay nhiều phương án. Hoặc nếu Chính phủ tiếp thu ý kiến, lựa chọn phương án kết hợp cả tiền kiềm và hậu kiểm, thì Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng không nên trình cả 3 phương án như vì khi Quốc hội thảo luận dễ phân tán. Bên cạnh đó, phương án kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm cũng cho thấy tính hợp lý.
Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có nêu, với những phim có dấu hiệu xấu, độc thì phải thực hiện tiền kiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật băn khoăn cơ chế nào xác định là nội dung phim xấu, độc để chúng ta có thể thực hiện tiền kiểm, đề nghị nghiên cứu để có giải pháp thực hiện đúng định hướng.
Về 5 loại giấy phép được hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cân nhắc, làm rõ Bộ Văn hóa, Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nên cấp nhiều loại giấy phép như vậy hay không? Đồng thời làm rõ điều kiện cấp phép như thế nào để đảm bảo minh bạch, tránh tùy tiện trong triển khai thực hiện. Hiện trong Dự thảo Luật vẫn chưa thể hiện nội dung này. Nếu Dự thảo Luật chưa quy định thì cần đề ra một số nguyên tắc, Chính phủ quy định chi tiết điều kiện cấp phép.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên họp.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 tới. Về sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng tình với ý kiến thẩm tra là lựa chọn phương án 2. Về phổ biến phim trên không gian mạng, đồng tình với đa số ý kiến và cơ quan thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng phải có phương án kết hợp cả tiền kiểm và hậu kiểm, về cơ bản hậu kiểm, nhưng có một số loại phải tiền kiểm, và khi trình Quốc hội thì chỉ nên đưa ra 1 phương án.
Qua ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần chuyển ngành điện ảnh từ ngành bao cấp thuần túy, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, xã hội sang ngành văn hóa đa lĩnh vực, tiến tới phát triển kinh doanh. Kể từ khi có Luật Điện ảnh, ngành điện ảnh phát triển và hiện đang tự chủ, là ngành sự nghiệp dịch vụ công có thu, một số nơi đang hoạt động tốt. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị sửa toàn diện Luật này, chuyển từ ngành điện ảnh bao cấp sang tự chủ và từ tự chủ chuyển sang có lãi và đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội. Đồng thời đề nghị xem xét vấn đề cơ sở điện ảnh, đào tạo nhân lực điện ảnh, cơ sở nghiên cứu khoa học về phim, hợp tác quốc tế, những nội dung này trong Dự án Luật chưa đề cập, cũng như cần điều chỉnh, bổ sung thêm những vấn đề ngoài phim để thúc đẩy ngành điện ảnh phát triển.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.
Đồng tình với việc sửa đổi toàn diện Dự án Luật này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Trung ương về phát triển điện ảnh, tầm nhìn đến năm 2030, đề nghị cần rà soát lại để luật hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành điện ảnh Việt Nam. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết yêu cầu về những vấn đề cần đổi mới và 6 nhóm phát sinh rất đúng nhưng còn thiếu, chưa cụ thể hóa các điều luật tương xứng với các chủ trương của Đảng và Nhà nước và những nguyên tắc, yêu cầu đưa ra trong Tờ trình còn thiếu.
Góp ý về Điều 4 nguyên tắc hoạt động của điện ảnh, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng Điều 4 đưa ra 7 nguyên tắc nhưng chưa đủ mạnh để định hướng hoạt động văn hóa này, đảm bảo điện ảnh thực hiện chức năng giáo dục, tuyên truyền, định hướng thẩm mỹ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho nhân dân, đảm bảo quyền hưởng thụ văn hóa bình đẳng cho nhân dân ở mọi vùng miền trên cả nước. Do đó, đề nghị cần thiết kế các nguyên tắc để đáp ứng các yêu cầu trên.
Về Hội đồng thẩm định và phân loại phim, bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị cân nhắc, bổ sung thêm thành phần thẩm định phim, không chỉ là những nhà chuyên môn điện ảnh, nhà quản lý điện ảnh, mà còn là nhà chuyên môn, nhà chính trị, chuyên gia liên quan đến lĩnh vực nội dung điện ảnh, để đảm bảo chất lượng nội dung, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh, tôn giáo, dân tộc, tránh tình trạng bỏ lọt phim có những nội dung ảnh hưởng đến chính trị như thời gian qua. Đồng thời đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu về trách nhiệm của người tham gia thẩm định phim, gắn trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi đối với việc thẩm định các loại phim bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng quan tâm đến quy định phim trường và trường quay. Muốn phát triển nền công nghiệp điện ảnh thì cần phải có phim trường và trường quay nhưng Dự thảo Luật chưa có chương nào đề cập đến nội dung này. Do đó đề nghị cần luật hóa cụ thể hơn, quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân các địa phương trong việc cấp phép xây dựng trung tâm kỹ thuật điện ảnh, trường quay, phim trường, cơ chế chính sách thực hiện, đầu tư cho trường quay, phim trường, cơ chế khai thác, lưu giữ, bảo tồn giá trị của phim trường...
Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị cần làm rõ những vấn đề liên quan đến Quỹ để không có sự trùng lắp, chồng chéo, cần quy định cụ thể đối tượng liên quan đến việc sử dụng Quỹ cũng như làm rõ nguồn hình thành Quỹ và cơ chế sử dụng Quỹ như thế nào.
Đề cập đến chính sách đãi ngộ và chính sách phát triển điện ảnh, bà Nguyễn Thị Thanh mong muốn cụ thể hóa chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư điện ảnh, trong đó chủ thể trung tâm là cán bộ nghệ sỹ có thành tựu, đóng góp cho sự nghiệp phát triển điện ảnh nước nhà, những người hoạt động điện ảnh chuyên nghiệp có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, giữ vai trò cốt lõi cho việc phát triển nền điện ảnh Việt Nam theo yêu cầu Đảng, Nhà nước đã quy định. Dự án Luật nêu chưa rõ nội dung này, đề nghị cần viết kỹ hơn, sâu sắc hơn và có chính sách đãi ngộ xứng đáng hơn. Đồng thời đề nghị nên nghiên cứu, đưa vào các sự kiện, hình thức quảng bá xúc tiến liên hoan phim, cân nhắc xem xét, luật hóa nội dung này.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị và cố gắng hoàn thiện Dự án Luật của cơ quan soạn thảo, luôn phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến, góp ý nhiều chiều, hồ sơ trình tương đối đầy đủ, đúng quy định. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị các nội dung, tổ chức họp thẩm tra sơ bộ đối với Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng, khái quát những vấn đề chính của Dự án Luật cũng như có quan điểm rõ ràng về một số vấn đề khác nhau. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp để hoàn thiện Dự án Luật như ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.
Thứ nhất, việc sửa đổi Luật Điện ảnh phải tạo ra được hành lang pháp lý và chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là ngành văn hóa nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế, dịch vụ văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim. Luaath khi ban hành phải tiếp tục thúc đẩy phát triển nền điện ảnh Việt Nam vừa tiên tiến hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc và có uy tín với quốc tế, phải phục vụ tốt yêu cầu đảm bảo quyền sáng tạo, quyền hưởng thụ giá trị văn hóa, nghệ thuật của người dân và cộng đồng, phải tạo ra khuôn khổ pháp lý về điện ảnh, thực hiện tốt chức năng giáo dục nhận thức, bồi dưỡng tư tưởng, thẩm mỹ cho quần chúng theo đường lối văn hóa, nghệ thuật của Đảng.
Thứ hai, đề nghị ban soạn thảo tiếp thu nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu, bổ sung các chính sách để xây dựng, phát triển hệ sinh thái sản xuất phim, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn, các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển điện ảnh trong nước.
Thứ ba, đề nghị ban soạn thảo rà soát quy định về công tác quản lý Nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan đến việc thẩm định, cấp phép, phân loại phim; thẩm định, cấp phép, xuất khẩu phim, nhập khẩu phim, phát hành phim; cấp phép đối với liên hoan phim, giải thưởng, cuộc thi phim, chú ý về cơ chế, chính sách cho điện ảnh, xây dựng phim trường, trường quay, đào tạo nguồn nhân lực cho điện ảnh.
Thứ tư, đề nghị ban soạn thảo rà soát các quy định cụ thể trong luật, các vấn đề đã được kiểm chỉnh có tính ổn định cao, chỉ giao cho Chính phủ quy định những vấn đề có tính linh hoạt, nhiều biến động trong thực tiễn. Đồng thời xây dựng Dự thảo, thông tư, quy định, các điều khoản để gửi kèm Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Dự án Luật cần có sự kết nối đồng bộ với các dự án luật khác, phát huy ưu thế các luật có tính tương đối, nhất là Luật Du lịch.
Đối với ba vấn đề Chính phủ xin ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, về việc sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước, giao nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu là các hình thức cơ bản để lựa chọn đơn vị cung ứng sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước được pháp luật quy định thực hiện hình thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị Nhà nước và tư nhân, phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ các ưu, nhược điểm của phương án để lựa chọn, trình xin ý kiến Quốc hội.
Về việc phổ biến phim trên không gian mạng, hậu kiểm là phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên trong một số trường hợp nếu chỉ áp dụng phương án hậu kiểm thì sẽ có thể xảy ra nguy cơ bỏ lọt các bộ phim, ảnh hưởng xấu đến chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, phân tích rõ các ưu điểm, nhược điểm của tiền kiểm, hậu kiểm, trình xin ý kiến Quốc hội.
Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, dự thảo luật chưa làm rõ tính cần thiết, căn cứ giải pháp khả năng tài chính độc lập của Quỹ, cơ chế hoạt động của Quỹ... đề nghị ban soạn thảo tiếp thu, bổ sung làm rõ các vấn đề này, báo cáo xin ý kiến Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính Phủ có văn bản giải trình, tiếp thu gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hoàn thành thẩm tra chính thức để trình Quốc hội; đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, gửi tài liệu đúng quy định đến đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.