Sáng ngày 15/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cùng tham dự Hội nghị ở điểm cầu Nhà Quốc hội có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Hội đồng Bầu cử quốc gia, Văn phòng Quốc hội; các đồng chí đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành…và đại diện lãnh đạo tại các điểm cầu trực tuyến ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sau khi nghe đại diện Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo tổng kết công tác bầu cử và đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử, tìm ra nguyên nhân để đúc kết thành những kinh nghiệm quý và bài học cho các kỳ bầu cử tiếp theo, các đại biểu tham dự Hội nghị đã nghe tham luận của các tỉnh, thành phố về công tác bầu cử.
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đánh giá về quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021 – 2026, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy viên bầu cử tỉnh Gia Lai Huỳnh Thế Mạnh khẳng định: Cuộc bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là dịp để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân để lựa chọn và bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia vào cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương nhằm xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Xác định công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2021; là một sự kiện chính trị có vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh việc tích cực, chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực phục vụ tốt cho công tác bầu cử; các cấp, các ngành của tỉnh Gia Lai còn tập trung triển khai thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử và xem đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị, hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử được thực hiện dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy viên bầu cử tỉnh Gia Lai Huỳnh Thế Mạnh nêu rõ: Trên cơ sở các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền, Tỉnh ủy, Ủy ban bầu cử tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan của địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn của địa phương. Định hướng kịp thời, đầy đủ về nội dung cũng như phương pháp thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, kịp thời, rộng khắp, thiết thực, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng gắn với đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Các hình thức thông tin, tuyên truyền về bầu cử ở tỉnh đã được thực hiện sáng tạo và triển khai đồng bộ, công tác cổ động tuyên truyền trực quan được nhiều địa phương triển khai sớm; nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền phong phú, sinh động đã tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong nhân dân, góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân tham gia cuộc bầu cử. Có thể khẳng định, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đã được triển khai đầy đủ, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nên hầu hết các cử tri trong tỉnh nhận thức được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; nắm được những nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật về bầu cử; nắm được quyền bầu cử và ứng cử của công dân, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong công tác bầu cử; đã tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội về công tác bầu cử.
Song song với công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động bầu cử, công tác tiếp xúc, vận động bầu cử cũng được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm, tổ chức triển khai đảm bảo an toàn, đúng quy định. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức các hội nghị, tổ chức lồng ghép, kết hợp vận động bầu cử giữa ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đảm bảo hợp lý, khoa học, phát huy tối đa công nghệ thông tin để tổ chức các hội nghị; các đại biểu dự hội nghị đã thực hiện nghiêm các khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh Covid. Ngoài ra, để phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao, một số đơn vị đã tổ chức hội nghị bằng hình thức trực tuyến ở những nơi có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh Covid-19 (Thị xã An Khê, huyện Phú Thiện); kết hợp cả hình thức trực tiếp và trực tuyến (huyện Đức Cơ). Kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức được 3.417 hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử với gần 330.000 lượt cử tri tham gia, có gần 4.000 ý kiến phát biểu tại các hội nghị. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri đa số các cử tri thống nhất cao về Chương trình hành động của người ứng cử.
Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 99,86% thuộc nhóm các tỉnh cao của cả nước, tỉnh Gia Lai đã bầu đủ số lượng 08 đại biểu Quốc hội khóa XV; 71 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; 571 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 4.997 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã (cấp xã bầu ít hơn số lượng đại biểu đã ấn định là 12 đại biểu). Cơ cấu, thành phần những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đảm bảo theo quy định. Không có đơn vị bầu cử nào phải bầu cử lại, bầu cử thêm.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy viên bầu cử tỉnh Gia Lai Huỳnh Thế Mạnh, có thể khẳng định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh đã thành công rất tốt đẹp, toàn diện. Trong ngày bầu cử; tại các khu vực bỏ phiếu cũng như trên địa bàn toàn tỉnh an ninh trật tự được đảm bảo an toàn tuyệt đối, giao thông thông suốt; Nhân dân sôi nổi, hào hứng đi bầu cử thể hiện đúng cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân và là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Qua đánh giá tình hình triển khai công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh Gia Lai tuy đã gặt hái được nhiều kết quả, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao của đông đảo cử tri, góp phần cho sự thành công của cuộc bầu cử trong cả nước, nhưng thực tiễn triển khai công tác thông tin, tuyên truyền của địa phương vẫn còn một số khó khăn. Với đặc thù là tỉnh miền núi, diện tích rộng, địa hình phức tạp, dân cư phân bố phân tán, có thể nói đây là một thách thức không nhỏ đối với việc triển khai và tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền ở địa phương.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Gia Lai.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy viên bầu cử tỉnh Gia Lai Huỳnh Thế Mạnh, cho biết Gia Lai là nơi sinh sống của cộng đồng 44 dân tộc, công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử trên địa bàn tỉnh phải thực hiện bằng nhiều hình thức, phù hợp với đặc điểm văn hóa, ngôn ngữ của từng dân tộc nên việc biên soạn tài liệu phải được thực hiện một cách công phu, bài bản nhằm chuyển tải đầy đủ các thông tin về bầu cử đến mọi người dân.
Là một tỉnh có hơn 90 km đường biên giới quốc gia giáp với Vương quốc Campuchia, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch luôn tiềm ẩn nguy cơ, do đó công tác thông tin, tuyên truyền phải gắn với phản bác các luận điệu xuyên tạc và khẳng định cuộc bầu cử ở tỉnh diễn ra trang trọng, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Ngoài ra, một số cán bộ tuyên truyền còn hạn chế về năng lực, trình độ nên phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyên truyền về bầu cử. Qua thực tiễn triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử, địa phương rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Thứ nhất, việc định hướng công tác công tác thông tin, tuyên truyền có vai trò hết sức quan trọng, do đó cần được triển khai sớm ngay từ giai đoạn đầu của công tác tuyên truyền. Các cấp ủy, chính quyền phải quan tâm và chỉ đạo quyết liệt công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử; các cấp, các ngành chủ động xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền về bầu cử, xác định rõ các biện pháp, hình thức tuyên truyên phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, khu vực và đối tượng.
Thứ hai, công tác tuyên truyền phải bảo đảm thông tin đầy đủ các nội dung, các bước của tiến trình bầu cử và được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trong suốt quá trình tổ chức cuộc bầu cử, các cấp, các ngành phải luôn hoạt động tích cực, chỉ đạo sát sao, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan hữu quan và các địa phương nhằm tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời đối với công tác tuyên truyền bầu cử.
Thứ ba, trong công tác tuyên truyền, cần phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của các loại hình tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền miệng thông qua các hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên, thông qua sinh hoạt của các tổ chức Đảng, đoàn thể, họp dân tại thôn, làng, tổ dân phố; tuyên truyền thông qua hoạt động của các đội thông tin lưu động, các trạm truyền thanh ở các điểm bầu cử; đặc biệt là tuyên truyền qua internet, mạng xã hội, tuyên truyền qua các dịch vụ viễn thông phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận cụ thể.../.