Toàn cảnh tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, đại diện Bộ Công thương cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Sau quá trình tổ chức triển khai thực hiện và qua sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” cho thấy Luật cùng với các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan là các văn bản pháp luật rất quan trọng đối với công tác thi đua, khen thưởng nói chung và của ngành Công Thương nói riêng. Luật đã phù hợp và đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương.
Theo đại diện Bộ Công thương, Bộ đã nghiêm túc thực hiện triển khai áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật như: Cụ thể hóa quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và căn cứ văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên về thi đua, khen thưởng, vận dụng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của ngành để tổ chức các phong trào thi đua cũng như xét các danh hiệu thi đua. Bộ đã tổ chức thi đua theo cụm, khối và tích cực hoạt động trong khối thi đua các Bộ, ngành kinh tế, đã tổ chức xét, công nhận các danh hiệu thi đua theo đúng thẩm quyền, thủ tục, quy trình theo quy định pháp luật.
Bộ đã căn cứ quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, coi đây căn cứ pháp lý quan trọng trong việc xem xét , quyết định khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành Công Thương và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ đã tổ chức xét, trình nhiều hình thức khen thưởng theo đúng thẩm quyền, thủ tục, quy trình theo quy định pháp luật. Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng về số lượng và chất lượng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương. Điều đó đã góp phần khẳng định vị trí của công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương.
Về việc tổ chức thực hiện các hình thức thi đua, khen thưởng theo quy định Khoản 2, Điều 101 Luật Thi đua, khen thưởng, đại diện Bộ Công thương chỉ ra rằng, tại khoản 2, Điều 101 đã nêu: “Ngoài các hình thức khen thường được quy định tại Luật này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể thực hiện các hình thức động viên phù hợp đối với cá nhân, tập thể để kịp thời nêu gương tốt trong lao động, sản xuất, công tác và động viên phong trào thi đua, phù hợp với các nguyên tắc do Luật này quy định". Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật và chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ và ban hành các quyết định thực hiện các chương trình, giải thưởng, danh hiệu (thuộc và không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ) để xây dựng và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu, phát triển công nghiệp địa phương... nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế về kinh tế, cụ thể có các chương trình, giải thưởng, danh hiệu như: Chương trình thương hiệu quốc gia; Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín; Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; “Năng lượng bền vững”; “Thiết bị hiệu suất cao”…
Qua thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình, giải thưởng, danh hiệu nêu trên đã đạt được một số mục đích cơ bản: Phát hiện, tôn vinh và động viên kịp thời các doanh nghiệp, doanh nhân góp phần vượt qua những khó khăn, thách thức, cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế; Xây dựng thương hiệu, tuyên dương và nâng cao uy tín cho doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ nhân đạt thành tích cao trong hoạt động của Ngành; Tăng cường hơn nữa mối quan hệ cộng đồng và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, giới thiệu Thương hiệu Việt ra nước ngoài thông qua các cơ quan Thương vụ Việt Nam đã góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút du lịch và đầu tư nước ngoài.
Đại diện Bộ Công thương nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức thi đua, khen thưởng nêu trên cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành trong việc tổ chức thực hiện các chương trình, giải thưởng danh hiệu, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong tất cả các bước triển khai thực hiện, đặc biệt là công khai về vấn đề tài chính, quyền lợi, trách nhiệm của tất cả các đối tượng có liên quan./.