CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT PHẢI ĐẢM BẢO TÍNH KỊP THỜI

16/06/2021

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội khóa XIV

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho rằng, để Luật khi có hiệu lực sẽ phát huy được hiệu quả trong thực tiễn thì công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật phải đảm bảo yêu cầu kịp thời, đúng thời hạn; tránh tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội  khóa XIV, kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận kỹ và thông qua với tỷ lệ cao Luật phòng chống ma túy (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, khắc phục các hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy.

Một số điểm mới nổi bật của luật như: Các quy định đã thể hiện rõ quan điểm về kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất (tại chương III) và quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy ngay từ lần phát hiện đầu tiên (tại chương IV); Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy. Bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan này (tại chương II); Bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy; …

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi cũng quy định rõ các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy. Nhà nước bảo đảm kinh phí xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và kinh phí xác định tình trạng nghiện. Bổ sung các quy định nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp cai nghiện ma túy: Xác định rõ các giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy; Quyền và trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; Chính sách của Nhà nước hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, công tác cai nghiện được sửa đổi cơ bản và toàn diện. Để khắc phục tình trạng bất cập trong công tác cai nghiện trong thời gian qua, Luật phòng chống ma tuý 2021 đã bổ sung các quy định đảm bảo công tác cai nghiện có hiệu quả. Đó là:  Xác định tình trạng nghiện ma túy; Quy định về xác định tình trạng nghiện, người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện. Đây là quy định nhằm giúp phân biệt người nghiện với người sử dụng để có cách ứng xử phù hợp; Bổ sung quy định cho phép người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp (hoặc cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế); Bổ sung các quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy theo hình thức hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện giữa các cơ sở đối với người nghiện. Thời gian cai nghiện thực hiện theo thỏa thuận giữa người nghiện, gia đình người nghiện với cơ sở cai nghiện, nhưng thời gian tối thiểu là 6 tháng;…

Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022. Ông Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội khóa XIV kỳ vọng  Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) với nhiều điểm mới sẽ tạo bước đột phá trong công tác phòng chống ma túy, góp phần tích cực ngăn chặn, đấu tranh, từng bước loại trừ, hạn chế đến mức thấp nhất thực trạng tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy gây nhức nhối trong xã hội. Đại biểu Nguyễn Văn Chiến cũng nhấn mạnh, để Luật khi có hiệu lực sẽ phát huy được hiệu quả trong thực tiễn thì công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật phải đảm bảo yêu cầu kịp thời, đúng thời hạn; tránh tình trạng "nợ đọng" văn bản hướng dẫn.

Theo đại biểu, thời gian qua, tình trạng chậm trễ trong ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật còn diễn ra phổ biến. Để sớm đưa luật vào cuộc sống, tránh tình trạng luật “chờ” nghị định, nghị định “chờ” thông tư hướng dẫn thi hành rất cần có sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành có liên quan. Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết; đồng thời, cần có chế tài xử lý trách nhiệm nghiêm khắc hơn theo đúng yêu cầu của nghị quyết của Quốc hội./.

Lê Anh

Các bài viết khác