Hội đồng Dân tộc vừa tổ chức Hội nghị thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cùng một số thành viên Hội đồng Dân tộc và các chuyên gia.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam.
Tại Hội nghị, đề cập kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân, xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước. Bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt khoảng 43 triệu đồng/người/năm, gấp 1,8 lần so với năm 2015 và gấp 3,35 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 5,6%;... Cùng với quá trình triển khai, nhận thức và năng lực thực hiện chương trình của cán bộ cơ sở được nâng cao, những hạn chế, vướng mắc từng bước được khắc phục.
Đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (62,4%) so với mục tiêu 5 năm 2016-2020 được giao; cơ bản khắc phục được những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong giai đoạn 2011-2015, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện xây dựng nông thôn mới ở cơ sở theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Đến hết tháng 5/2021, cả nước đã có 5.298/8.267 xã (64,1%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 305 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân cả nước đạt 16,7 tiêu chí/xã; Có 192 đơn vị cấp huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 28,9% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); Có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 04 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên và Hà Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Toàn cảnh Hội nghị.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tiếp tục xây dựng nông thôn mới “toàn diện, nâng cao và bền vững” với phương châm “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, đặc biệt là phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu về xây dựng nông thôn mới mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã đề ra, trong giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cho khoảng 20% số xã chưa đạt chuẩn (hầu hết thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn) để phấn đấu đến 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngoài ra là cần hỗ trợ cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp (giao thông, trường học, nước sạch…), nâng cao chất lượng các tiêu chí đi vào chiều sâu và bền vững; hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn hoàn thành các cơ sở hạ tầng thiết yếu, cải tạo điều kiện sinh hoạt và sản xuất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới để phấn đấu đạt mục tiêu cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, đảm bảo tính công bằng trong đầu tư xây dựng nông thôn mới giữa các vùng có điều kiện phát triển với các vùng đặc biệt khó khăn của cả nước; hỗ trợ cho các huyện có điều kiện khó khăn (không thuộc địa bàn của 02 Chương trình Mục tiêu quốc gia còn lại) để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 có ít nhất 50% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, chỉ đạo các các địa phương (huyện, xã) đã đạt chuẩn tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí để phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đảm bảo phát triển bền vững./.