BAN HÀNH VĂN BẢN THỂ CHẾ HÓA QUY ĐỊNH VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KT-XH VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

13/03/2021

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 – 2020”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết cụ thể việc ban hành văn bản thể chế hóa các quy định của pháp luật về nội dung này.

Về việc ban hành văn bản thể chế hóa các quy định của pháp luật thành các chính sách, chương trình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, ở trung ương, trong giai đoạn 2011 - 2020, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung 02 luật quan trọng: năm 2013, sửa Luật Khoa học và công nghệ (KH&CN) (năm 2000); năm 2017, sửa Luật Chuyển giao công nghệ (năm 2006). Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành 04 Nghị định thi hành, có 03 Nghị định hiện còn hiệu lực (Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014; Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 về cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN).

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc báo cáo một số nội dung.

Đối với vùng nông thôn và miền núi (NT&MN), Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định cho các giai đoạn thực hiện 2010-2015 và 2016-2025 (Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 01/10/2010; Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015). Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành 04 quyết định phê duyệt 04 chương trình KH&CN phục vụ phát triển KT-XH vùng NT&MN; các bộ, ngành ban hành 04 thông tư để cụ thể hóa các nội dung hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động KH&CN tại vùng NT&MN.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KH&CN đã từng bước được hoàn thiện, chất lượng ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ. Các chương trình hỗ trợ phát triển KH&CN tập trung địa bàn vùng nông thôn cả nước và vùng DTTS&MN (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH vùng DTTS&MN, thực hiện chương trình giảm nghèo và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho biết, có một số hạn chế là số lượng văn bản về KH&CN ban hành áp dụng chung có nhiều nhưng số trực tiếp liên quan đến vùng DTTS&MN còn ít (02 luật; 03 nghị định; 06 quyết định; 04 thông tư). Nội dung liên quan đến vùng DTTS&MN ít được quy định cụ thể tại các văn bản dưới luật , dẫn đến thiếu các cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế trong xã hội, các doanh nghiệp tham gia hoạt động KH&CN, đặc biệt là các chính sách ưu tiên về thuế, tín dụng, đất đai. Các văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành được áp dụng chung cho cả nước, có một số quy định chưa phù hợp với thực tế vùng DTTS&MN, nhất là các vùng cao, biên giới, vùng ĐBKK. Bên cạnh đó, việc quản lý thực hiện một số chương trình được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó một số văn bản đã có sự thay đổi, một số văn bản quy định còn chưa rõ ràng, gây lúng túng, khó khăn trong quá trình áp dụng.

Ở địa phương, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, hầu hết các tỉnh đã triển khai chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH&CN và các chương trình KH&CN, nhất là việc triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong 28/29 tỉnh có báo cáo số liệu, có 21/28 tỉnh ban hành văn bản của Tỉnh ủy, 16/28 tỉnh ban hành nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, 28/28 tỉnh có văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh . Báo cáo của các địa phương cũng cho thấy, UBND các tỉnh đã có sự quan tâm, chỉ đạo triển khai, chủ động giao Sở Khoa học và Công nghệ và các ban, ngành, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện theo điều kiện thực tiễn và nguồn lực của địa phương. Hệ thống văn bản ban hành thống nhất với các quy định của trung ương, phục vụ kịp thời việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KH&CN.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, qua kết quả giám sát cho thấy, hầu hết các văn bản ban hành của địa phương là văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện theo các chính sách, chương trình của trung ương. Các địa phương không ban hành chính sách riêng cụ thể hóa những qui định của trung ương. Việc quan tâm, chỉ đạo ở các địa phương mức độ có khác nhau./.

Hồ Hương