“Lúc ra ngoài hội trường, một số đại biểu nói, anh xuất thân từ lực lượng công an không bảo vệ mà lại phản biện, tôi cũng thấy xót xa”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu lần 2 tại phiên thảo luận về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Từ thực tiễn tại cơ sở, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng không thể gọi là “gom lại 3 lực lượng”, do ở phường chỉ có ban bảo vệ dân phố mà không có đội dân phòng, ngược lại ở xã thì có đội dân phòng không có ban bảo vệ dân phố.
“Đang rành mạch xã có đội dân phòng, phường có ban bảo vệ dân phố, tự nhiên gom 3 lực lượng này thành một lực lượng thì tôi thấy chưa hợp lý. Cho nên, tôi không đồng ý về chuyện gom 3 lực lượng này, mà hiện nay 3 lực lượng này ở dưới cơ sở họ làm rất tốt, tại sao chúng ta phải gom lại?”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất ý kiến.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, dự kiến ban hành luật này "quá vội vàng, chưa đánh giá tác động ở cơ sở cụ thể" và lực lượng công an xã hiện nay đã nghỉ gần 1/3, không còn là con số 126.000 như tờ trình của Chính phủ.
"Số liệu trong tờ trình của Ban soạn thảo đưa ra, tôi cho rằng chưa phù hợp. Điều tôi muốn nói ở đây, bộ phận tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng chưa chuẩn xác con số trình cho Quốc hội, để người ta không hiểu, tin con số này. Do dó, tôi muốn nêu ra để chúng ta đánh giá cho phù hợp và thực tiễn", đại biểu Phạm Văn Hòa nói thêm.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng nhiệm vụ của lực lượng này được nêu trong dự thảo là không rõ ràng, không cụ thể, chỉ có nhiệm vụ phối hợp với công an.
“Chỉ duy nhất nhiệm vụ chính được bắt giữ phạm nhân trốn trại, đối tượng bị truy nã còn tất cả các thứ khác không được làm. Nếu làm là phải có công an chính quy kè kè kế bên mới được làm, nếu làm là lạm dụng. Tôi nghĩ khi luật hóa lực lượng này dễ dàng lạm dụng, mà lạm dụng thì sẽ khổ cho cơ sở”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, sau khi đánh giá tác động, tổng kết, sơ kết, lấy ý kiến ở cơ sở, lúc đó ban hành luật cũng không muộn.