ĐBQH NGUYỄN NHƯ SO: CẦN TẬN DỤNG LỢI THẾ CỦA CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI ĐỂ TẠO SỨC BẬT CHO NỀN KINH TẾ

02/03/2021

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nhận định việc tận dụng lợi thế Hiệp định thương mại để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác thị trường nội địa gần 100 triệu dân đầy tiềm năng và đa dạng là miếng bánh mà các doanh nghiệp ngoại nhắm tới sẽ là đòn bẩy, tạo sức bật cho nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại phiên họp

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nhận định, hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp nổi lên như điểm sáng, là trụ đỡ cho nền kinh tế, bất chấp khó khăn, dịch bệnh và biến đổi khí hậu, tăng trưởng của toàn ngành cả năm ước đạt 2,6%, tăng 0,5% so với năm 2019. Vì vậy, cần tiếp tục lấy mục tiêu phát triển nông nghiệp làm kim chỉ nam. Chỉ trong 8 tháng, khi Hiệp định thương mại Việt Nam - EU có hiệu lực, đã có 7.200 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O được cấp, cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp và sức hấp dẫn của thị trường này. Việc tận dụng lợi thế Hiệp định thương mại đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác thị trường nội địa gần 100 triệu dân đầy tiềm năng và đa dạng là miếng bánh mà các doanh nghiệp ngoại nhắm tới sẽ là đòn bẩy, tạo sức bật cho nền kinh tế. Theo đại biểu, để đạt tới mục tiêu đó, cần tập trung tháo gỡ một số khó khăn sau đây.

Thứ nhất, cần sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng nông sản theo hướng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Ví dụ như mặt hàng nông sản EU tin tưởng vào tiêu chuẩn ASC hơn là tiêu chuẩn Global GAP, do đảm bảo về chất lượng, đảm bảo môi trường lao động và phúc lợi động vật. Những yếu tố Việt Nam còn xem nhẹ và thiếu kinh nghiệm, đẩy mạnh việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý với nông sản xuất khẩu chủ lực tương xứng với giá trị của sản phẩm.

Thứ hai, cần tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ đặc thù cho lĩnh vực nông nghiệp như xây dựng thương hiệu nông sản, xúc tiến thương mại, thực hiện Chương trình an ninh thực phẩm, mở rộng các đối tượng bảo hiểm nông nghiệp, nâng mức hỗ trợ bảo hiểm vật nuôi, tăng cường các giải pháp tiếp cận nguồn vốn giúp chủ thể nông nghiệp không phải đánh bạc với thiên tai, dịch bệnh.

Thứ ba, tăng cường vai trò đầu mối các hiệp hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, thúc đẩy liên kết, tăng cường cập nhật thông tin thường xuyên để doanh nghiệp nắm bắt rõ ràng, cụ thể những lợi thế cũng như yêu cầu của các hiệp định thương mại, từ đó xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp trong bối cảnh tình hình mới./.

Minh Hùng