Dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đặng Ngọc Huy; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An; Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lữ Ngọc Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Đức.
Theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại đơn vị Quảng Ngãi có 7 đại biểu, trong đó có 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu về ứng cử và 4 đại biểu cư trú, làm việc tại địa phương.
Các đại biểu hiệp thương số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu giới thiệu ứng cử Quốc hội khóa XV.
Trong số 4 đại biểu tại địa phương được cơ cấu định hướng gồm 1 đại biểu là Thường trực Tỉnh ủy, 1 đại biểu chuyên trách và 1 đại biểu thuộc ngành Tòa án nhân dân, 1 đại biểu thuộc các lĩnh vực khoa học-công nghệ, giáo dục; văn hóa-nghệ thuật; y tế; lao động, thương binh và xã hội, có cơ cấu kết hợp nữ, dân tộc, ngoài đảng.
Để bầu tổng số 7 đại biểu thì phải có 3 đơn vị bầu cử, trong đó mỗi đơn vị bầu phải có số dư ít nhất 2 người. Như vậy, số lượng tối thiểu người được giới thiệu ứng cử là 13 để bầu 7 đại biểu. Để đảm bảo số dư tối thiểu 13 đại biểu qua 3 lần hiệp thương, dự kiến số lượng phân bổ giới thiệu là 14 đại biểu.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đặng Ngọc Huy phát biểu tại hội nghị.
Sau khi trao đổi, thảo luận, các đại biểu đã thống nhất cao với dự kiến về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đặng Ngọc Huy nhấn mạnh: Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước, là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Do đó, Quảng Ngãi cần phải thực hiện tốt các bước của quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, đảm bảo lựa chọn những người thật sự tiêu biểu, có đức, có tài, có tâm, có tầm; xứng đáng là người đại diện cho hơn 1,3 triệu cử tri Quảng Ngãi, thể hiện tiếng nói, nguyên vọng của nhân dân Quảng Ngãi trên diễn đàn Quốc hội./.