Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt Đoàn đại biểu tiêu biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II
Thưa các cụ, các vị đại biểu,
Thưa toàn thể các đồng chí!
Trước hết, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi tới các vị đại biểu ưu tú của 54 dân tộc anh em có mặt hôm nay lời thăm hỏi ân cần và tình cảm thân thiết nhất. Nhân dịp này, qua các cụ, các vị, các đồng chí, cho tôi gửi lời chúc Đại hội dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II và hơn 14,2 triệu đồng bào các dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Thưa các cụ, các vị và các đồng chí,
Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là: Công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Nguyên tắc căn bản nhất của công tác dân tộc là: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước (nội dung nguyên tắc này được quy định tại Điều 5 Hiến pháp năm 2013).
Với tinh thần đó, trong giai đoạn vừa qua mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở đã dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, một số kết quả nổi bật là:
Thứ nhất, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn: Đến nay 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện lỵ được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 76,7% thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng.
Thứ hai, công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, là một điểm sáng được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao: Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2-3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; các huyện nghèo giảm 4-5%, có nơi giảm trên 5%; giai đoạn 2015 - 2019 đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn, bản ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Thứ ba, sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được kết quả đáng khích lệ cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng. Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ đạt kết quả tốt. Đã xây dựng được 316 trường phổ thông dân tộc nội trú, 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú; 04 trường và 03 khoa dự bị đại học dân tộc. Cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em dân tộc thiểu số; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Chính sách hỗ trợ cho con em ở địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm.
Thứ tư, sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Phát triển cả về mạng lưới, trang thiết bị và đội ngũ; chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Đến nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có 99,5% số xã có trạm y tế, 83,5% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (tăng gấp 2 lần so với năm 2015); 77,2% số trạm y tế có bác sỹ; 93% người dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT. Hệ thống y tế dự phòng được quan tâm đầu tư, phát triển, góp phần nâng cao ý thức phòng chống bệnh của người dân, không để xảy ra dịch bệnh lớn.
Thứ năm, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đạt được kết quả rõ nét hơn. Tiếp tục được cấp có thẩm quyền công nhận 04 di tích quốc gia đặc biệt, 08 di tích lịch sử văn hóa quốc gia; Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng 559 nghệ nhân dân gian là người dân tộc thiểu số; ngày hội văn hóa của các dân tộc thiểu số đã tạo được sức lan tỏa lớn, kết nối tình thân ái, giữa các dân tộc với nhau. Nhờ đó, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ngày càng được bảo toàn và phát triển.
Thứ sáu, quốc phòng, an ninh được tăng cường, không để xảy ra các điểm nóng về an ninh trật tự. Đồng bào tích cực tham gia các phong trào giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống mới ở các buôn làng. Vai trò của các già làng trưởng bản ngày càng được phát huy.
Thứ bảy, phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số được quan tâm; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số phát triển cả số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.
Thứ tám, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường, niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên rõ rệt. Việc phòng chống đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả thảm họa thiên tai, bão lũ, sạt lở đất vừa qua, trong hoạn nạn, đau thương, mất mát, hơn bao giờ hết chúng ta càng trân quý sức mạnh đoàn kết, chia sẻ, đùm bọc, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đúc rút ra từ thực tiễn: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đó là công lao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc thiểu số. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước đã đóng góp xứng đáng công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn vừa qua.
Thưa các quý vị cùng toàn thể các đồng chí,
Vừa qua, Đại hội Đảng bộ các cấp đã thành công rất tốt đẹp, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết, đánh giá đúng đắn kết quả đạt được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đồng thời, tập trung chỉ đạo chuẩn bị thật tốt để Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ đưa ra chủ trương, đường lối lớn, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Với tinh thần đó, tôi đề nghị trong thời gian tới chúng ta cần triển khai thực hiện tốt hơn nữa một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, các đại biểu ưu tú hôm nay sẽ là hạt nhân tích cực lan tỏa, truyền cảm hứng để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc vững mạnh hơn. Đó là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được bao thế hệ cha anh bền bỉ vun đắp; từ đó khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển phồn thịnh, hạnh phúc.
Thứ hai, chúng ta phải tập trung cao độ, triển khai thực hiện thật tốt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Qua đó, góp phần giải quyết căn cơ yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân; Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống và trình độ phát triển so với những vùng khác; phấn đấu giảm dần tiến tới không còn địa bàn đặc biệt khó khăn vào năm 2030.
Thứ ba, chúng ta phải cùng nhau làm tốt hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, cùng với các cơ quan chức năng giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển; cùng nhau lên án và chặn đứng tệ nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tế; từng bước để đồng bào có thu nhập tốt hơn, đảm bảo lợi ích nhiều mặt từ bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ tư, cùng với phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, chúng ta phải đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Đặc biệt phải kiên quyết bài trừ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, phòng chống bệnh tật để nâng cao thể trạng, trí tuệ và tầm vóc con cháu chúng ta.
Thứ năm, bảo tồn, phát triển văn hóa của các dân tộc kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào.
Thứ sáu, chúng ta phải thường xuyên nhắc nhớ lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... chúng ta phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Từ đó, mỗi một suy nghĩ, hành động của chúng ta đều phải hướng tới củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng lên tầm cao mới; kết nối đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Một lần nữa, xin chúc các vị đại biểu, các đồng chí dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc; chúc Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!