Đến dự Phiên họp còn có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng các Ủy viên của Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Trưởng Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Theo Nghị quyết số 10/NQ-HĐBCQG ngày 23/9/2020 của Hội đồng bầu cử quốc gia thì Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền có nhiệm vụ giúp Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử; chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử và các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia giao. Đây là những nhiệm vụ rất quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của từng đồng chí thành viên Tiểu ban chúng ta là rất nặng nề.
Các đồng chí chính là đại diện của các cơ quan, Bộ, ngành liên quan, được tín nhiệm, phân công tham gia làm thành viên Tiểu ban để giúp cho Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo, tổ chức thành công công tác bầu cử trong nhiệm kỳ tới. Do đó, mong các đồng chí thành viên của Tiểu ban phát huy tinh thần trách nhiệm, cố gắng sắp xếp công việc tham gia đầy đủ vào các hoạt động của Tiểu ban để bảo đảm chất lượng và hiệu quả các công việc.
Toàn cảnh Phiên họp.
Báo cáo một số nội dung cơ bản trình Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền xem xét, quyết định tại phiên họp lần thứ nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Ngày 23/9/2020, Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định thành lập Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền (Nghị quyết số 10/NQ-HĐBCQG) để giúp Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử và các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia giao. Để kiện toàn tổ chức và hoạt động của Tiểu ban, thực hiện nhiệm vụ do Trưởng Tiểu ban phân công, Thường trực Tiểu ban xin báo cáo một số nội dung cơ bản trình Tiểu ban xem xét, thảo luận, thông qua tại Phiên họp thứ nhất như sau:
Về dự thảo Nghị quyết phân công thành viên Tiểu ban: Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền gồm 21 thành viên. Để xác định rõ trách nhiệm, căn cứ vào phạm vi lĩnh vực công tác của từng đồng chí, dự thảo Nghị quyết đã dự kiến phân công nhiệm vụ, công việc phụ trách cho từng thành viên của Tiểu ban. Theo đó, Trưởng Tiểu ban là đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động chung của Tiểu ban.
Tiểu ban có 02 Phó Trưởng Tiểu ban, trong đó một Phó Trưởng ban Thường trực là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chịu trách nhiệm giúp Trưởng Tiểu ban trong việc tham mưu xây dựng các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo sự phân công của Hội đồng bầu cử quốc gia. Một Phó Trưởng ban là đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm giúp Trưởng Tiểu ban trong công tác tổ chức, hướng dẫn thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ cuộc bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các thành viên khác của Tiểu ban được dự kiến phân công giúp Trưởng Tiểu ban về các công việc phục vụ cuộc bầu cử liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nơi mình công tác.
Về dự thảo Quy chế làm việc của Tiểu ban: Dự thảo Quy chế làm việc của Tiểu ban gồm 09 điều, quy định nguyên tắc, hình thức làm việc, chế độ báo cáo, cách thức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tiểu ban trong việc giúp Hội đồng bầu cử quốc gia xây dựng các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn về bầu cử; công tác thông tin, tuyên truyền trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm 2021 - 2026. Theo đó, Tiểu ban làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Hình thức làm việc của Tiểu ban gồm các phiên họp toàn thể và cho ý kiến bằng văn bản.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số nội dung cơ bản trình Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền xem xét.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, các cuộc họp của Tiểu ban do Trưởng Tiểu ban triệu tập; trường hợp thành viên Tiểu ban không tham dự được cuộc họp thì phải báo cáo Trưởng Tiểu ban. Tùy theo nội dung, yêu cầu và tính chất công việc, Trưởng Tiểu ban quyết định việc xin ý kiến các thành viên Tiểu ban bằng hình thức gửi văn bản. Các thành viên Tiểu ban thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Tiểu ban; chịu trách nhiệm trước Trưởng Tiểu ban về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Các thành viên Tiểu ban có quyền sử dụng con dấu của cơ quan và cán bộ, công chức tại cơ quan mình để triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Tiểu ban giao. Tiểu ban có Tổ giúp việc trực thuộc Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia để giúp thực hiện các nhiệm vụ của Tiểu ban. Tổ trưởng Tổ giúp việc có trách nhiệm chủ động tham mưu cho Trưởng Tiểu ban triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tiểu ban theo quy định.
Về dự kiến Kế hoạch công tác của Tiểu ban trong tháng 12/2020 và tháng 01/2021: Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến hết tháng 01/2021, các hoạt động của Tiểu ban sẽ tập trung vào việc theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các cơ quan hữu trong việc quan xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn việc bầu cử theo phân công của Hội đồng bầu cử quốc gia tại văn bản số 06/HĐBCQG-CTĐB ngày 16/9/2020. Cụ thể: theo Công văn số 06 của Hội đồng bầu cử quốc gia thì sẽ có 11 đề mục văn bản phải được các cơ quan rà soát, ban hành trong tháng 11/2020 và có 02 đề mục văn bản được hoàn thành trong tháng 12/2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì việc ban hành các văn bản nhìn chung là chậm tiến độ so với yêu cầu. Do đó, rất mong các thành viên Tiểu ban cung cấp thêm thông tin về tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn công tác bầu cử; đề xuất các giải pháp để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở việc ban hành văn bản hướng dẫn đúng thời hạn, bảo đảm yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Đối với những văn bản có nội dung phức tạp, có thể gửi xin ý kiến hoặc tổ chức cuộc làm việc với Thường trực Tiểu ban trước khi trình văn bản đến cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, đề nghị các thành viên Tiểu ban, căn cứ vào phạm vi, lĩnh vực công tác, đóng góp ý kiến cụ thể về các công việc của Tiểu ban cần triển khai thực hiện trong thời gian tới để Thường trực Tiểu ban và Tổ giúp việc bổ sung, hoàn thiện bản Kế hoạch trước khi ban hành.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Phiên họp.
Tại Phiên họp này, các thành viên của Tiểu ban tập trung cho ý kiến về việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên sao cho phù hợp với phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn và tính chất công việc của từng cơ quan; công việc của Tiểu ban cần triển khai thực hiện trong thời gian tới để bổ sung, hoàn thiện bản Kế hoạch Công tác của Tiểu ban trong tháng 12/2020 và tháng 01/2021 .
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhất trí với nội dung Báo cáo một số nội dung cơ bản trình Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền xem xét, quyết định tại phiên họp lần thứ nhất. Thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia và Tiểu ban cũng như Sở Thông tin và Truyền thông của 63 tỉnh, thành; các cơ quan thông tấn báo chí. Cho đến nay, Bộ đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tổ chức ngăn chặn các thông tin xấu, độc hại về cuộc bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng và không gian mạng để các sự kiện lớn của đất nước trong năm 2021 diễn ra an toàn, thành công.
Đồng thuận với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho rằng: Cần nghiên cứu quy chế làm việc của Tiểu ban theo nguyên tắc tập thể. Việc phân công công việc cho các thành viên của Tiểu ban phải cụ thể bằng các văn bản. Phương pháp tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 có thể thông qua nhiều phương tiện khác nhau nhưng phải đảm bảo ngăn chặn những thông tin xấu, độc hại, ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử.
Còn Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng yêu cầu quy rõ trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị của Tiểu Ban trong công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026. Việc quy định như vậy cũng là nhằm tránh sự trùng lắp, chồng chéo công việc được giao giữa các cơ quan, đơn vị.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đóng góp ý kiến tại Phiên họp.
Phát biểu Kết luận tại Phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Trưởng Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền Uông Chu Lưu cho biết: Qua các ý kiến phát biểu cho thấy, về cơ bản các thành viên đều nhất trí với nội dung các dự thảo do Thường trực Tiểu ban và Tổ giúp việc chuẩn bị. Qua thảo luận, một số đồng chí góp ý cụ thể về nội dung phân công và hình thức làm việc của Tiểu ban. Đề nghị bộ phận Thường trực Tiểu ban và Tổ giúp việc, trên cơ sở ý kiến tại Phiên họp, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện các văn bản để trình Trưởng Tiểu ban ký ban hành.
Về dự kiến Kế hoạch công tác của Tiểu ban trong thời gian tới, trên cơ sở ý kiến của các đồng chí trong Tiểu ban, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị bộ phận Thường trực Tiểu ban và Tổ giúp việc tiếp thu các ý kiến của thành viên Tiểu ban để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Kế hoạch công tác của Tiểu ban và trình lãnh đạo Tiểu ban ký ban hành.
Qua ý kiến của các đồng chí cho thấy, hiện nay, tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn phục vụ công tác bầu cử đều chậm so với yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia. Do đó, đề nghị các thành viên của Tiểu ban quan tâm chỉ đạo, đôn đốc việc hoàn thiện văn bản, nhất là đối với các văn bản do cơ quan mình phụ trách; thông báo tình hình cho Tiểu ban để báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia. Đối với những văn bản có nội dung phức tạp, có thể gửi xin ý kiến hoặc tổ chức cuộc làm việc với Thường trực Tiểu ban trước khi trình văn bản đến cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận tại Phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Giai đoạn sắp tới là thời điểm cuối năm, tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị đều phải triển khai công tác tổng kết, kiểm điểm hằng năm và xây dựng kế hoạch công tác cho năm tiếp theo. Các thành viên của Tiểu ban đều là lãnh đạo của các cơ quan trung ương nên công việc cũng hết sức bận rộn. Trong khi đó, để chuẩn bị cho các công tác phục vụ cuộc bầu cử sắp tới, các công việc liên quan đến phạm vi trách nhiệm của Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền là rất nặng nề. Do đó, rất mong các thành viên Tiểu ban phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Tiểu ban và các cơ quan hữu quan để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao./.