THẢO LUẬN TỔ VỀ DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ: ÁP LỰC ĐỐI VỚI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

13/11/2020

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, sáng 12/11, các đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn việc thành lập lực lượng này sẽ làm tăng biên chế, tăng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong khi chưa có đánh giá tác động chưa đầy đủ cũng như tính toán phương án thực tế.

Thảo luận tại Tổ 11 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, Bình Phước, Bến Tre và TP.Cần Thơ

Thảo luận tại Tổ 11 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, Bình Phước, Bến Tre và Tp.Cần Thơ, đại biểu Cao Văn Trọng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng ban hành luật này để giải quyết chính sách đối với lực lượng công an xã bán chuyên trách dôi dư sau khi thực hiện chính quy công an xã. Như vậy sau khi ban hành Luật Công an nhân dân và nếu có thêm Luật này sẽ làm tăng biên chế quốc gia , kéo theo đó là vấn đề tăng ngân sách trong khi nhiệm vụ ở cơ sở vẫn như vậy.

Đại biểu Cao Văn Trọng cũng cho biết, việc thành lập lực lượng này cũng gây khó khăn cho cơ sở. Dự thảo Luật quy định: kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành. Như vậy ngân sách của xã sẽ đảm nhận nhiệm vụ chi này trong khi thực tế hiện nay các địa phương rất khó khăn, trừ các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh thì hầu như các địa phương không có đủ ngân sách. Mặt khác, dự thảo quy định “Đối với địa phương khó khăn về ngân sách thì được ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện theo khả năng cân đối ngân sách trung ương” không rõ ràng và không khả thi.

Đại biểu Cao Văn Trọng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, dẫn báo cáo của Chính phủ nêu nếu có đủ cả 3 lực lượng gồm công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng thì sẽ có khoảng 2 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Khi đó nếu một lực lượng thống nhất sẽ cắt giảm được khoảng 500.000 người hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo luật này sẽ có khoảng 1,5 triệu người tham gia lực lượng này và hưởng ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên hiện nay, cả nước mới có khoảng 126.000 người là công an xã bán chuyên trách; 70.000 bảo vệ dân phố và 500.000 dân phòng. Như vậy thực tế sẽ làm tăng khoảng hơn 800.000 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thay vì giảm 500.000 người như báo cáo của Chính phủ. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ vấn đề này.

Hơn nữa, việc thành lập lực lượng này sẽ làm phát sinh nhiều chi phí mà chưa có giải trình rõ ràng, chưa được tính toán đầy đủ như trụ sở, trang thiết bị, phụ cấp, bảo hiểm… Đại biểu đặt vấn đề liệu ngân sách trong giai đoạn này có bảo đảm được không.

Đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh các địa phương rất khó khăn khi bố trí ngân sách hỗ trợ cho các lực lượng bán chuyên trách nhất là tại các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, việc thành lập lực lượng, thực hiện các nhiệm vụ được giao mà không bảo đảm được chế độ sẽ rất ảnh hưởng rất lớn.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Tại Tổ 17 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Hải Dương, Yên Bái, đại biểu Phạm Xuân Thăng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cũng có cùng băn khoăn vấn đề chế độ chính sách đối với lực lượng không phải là vấn đề đơn giản đối với địa phương. Dự thảo luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo khả năng cân đối của ngân sách địa phương. Dù mỗi địa phương chỉ hơn chục người, nhưng nhân lên cả tỉnh cũng lên đến hàng nghìn người. Dự kiến, chế độ cho lực lượng này phải ở mức 0,6 - 0,8% hệ số lương cơ bản thì mỗi tháng cũng phải lên đến 1 triệu - 1,5 triệu đồng/người. Nhân lên mỗi năm là mấy chục tỷ đồng, ngân sách tỉnh không cân đối được.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng cho biết thêm, khi thực hiện chính quy công an xã đã góp phần bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương tốt hơn, ổn định hơn. Tuy nhiên việc bố trí trụ sở, nơi ăn chốn cực kỳ khó khăn và tiêu tốn một lượng kinh phí rất lớn. Đại biểu dẫn chứng việc bố trí trụ sở là nơi làm việc, nơi tiếp dân, nơi giữ tang vật, nơi giữ công cụ hỗ trợ đòi hỏi yêu cầu về diện tích, đầu tư công trình kiến cố. Tại Hải Dương có hơn 200 xã thì tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ chưa biết lấy nguồn từ đâu. Đại biểu nhấn mạnh đây là lực lượng chính quy còn khó khăn, thách thức như vậy, nếu thành lập lực lượng này cũng có yêu cầu có nơi làm việc thì không bố trí ở đâu nữa. Đại biểu đề nghị cần xem xét một cách thấu đáo trước khi đến quyết định ban hành luật này./.

Bảo Yến