Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, căn cứ Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Về sự cần thiết xây dựng Dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức thu hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.
Trong quá trình phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều trở ngại, bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới hành chính,.... Bên cạnh đó, do hoạt động kinh tế của Thành phố có tính chất liên thông, liên kết và phát triển mở rộng giữa các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các vùng, miền khác; việc cung cấp các dịch vụ hạ tầng như điện, nước, thoát nước, giao thông công cộng, y tế, giáo dục, ... đòi hỏi phải được quy hoạch và thực hiện thống nhất, đồng bộ, có tính hệ thống trong toàn Thành phố, không phụ thuộc vào địa giới hành chính các quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Yêu cầu quản lý kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, dân cư phát triển nhanh đòi hỏi cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiện đại, có năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ.
Mặt khác, từ năm 2009 đến năm 2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở tất cả các huyện, quận, phường theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Đánh giá tổng kết hơn 06 năm thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy nhiều kết quả tích cực như: thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian nhằm giúp việc triển khai các quyết định hành chính ở đô thị được nhanh hơn, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp, tiết kiệm ngân sách, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân ở cơ sở; hoạt động giám sát tiếp tục được phát huy thông qua các vị Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân Thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới; phát huy những kinh nghiệm và kết quả đạt được trong thời gian thực hiện thí điểm trước đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh phiên họp trực tuyến tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Về mục tiêu xây dựng Dự thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền Thành phố; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của Thành phố; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Trình bày về quá trình soạn thảo Dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được nghiên cứu, xây dựng và đánh giá tác động kỹ lưỡng. Quá trình xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan trung ương có liên quan, tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo, hội nghị và nhận được sự tán thành của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Về tên gọi của dự thảo Nghị quyết là “Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Tên gọi này không có từ “thí điểm” vì Dự thảo Nghị quyết được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực. Trong đó, đã quy định chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Điểm e khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Quốc hội ban hành Nghị quyết về “vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội”.
Ngoài ra, trước đây Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo quy định tại Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội. Kết thúc giai đoạn thí điểm, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổng kết việc thực hiện thí điểm và rút ra các bài học kinh nghiệm. Đây là một trong các cơ sở để Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh mà không thực hiện thí điểm.
Về nNhững nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều, trong đó: Quy định việc tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh: Chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh gồm có Hội đồng nhân dân Thành phố và Ủy ban nhân dân Thành phố; Chính quyền địa phương ở quận tại Thành phố Hồ Chí Minh là Ủy ban nhân dân quận; Chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố Hồ Chí Minh là Ủy ban nhân dân phường; Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Dự thảo Nghị quyết quy định về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại Điều 2 và Điều 3 của dự thảo Nghị quyết. Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định điều chuyển các nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân quận, phường cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, phường để bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.
Riêng đối với nhiệm vụ về quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công, dự thảo Nghị quyết quy định giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận để đảm bảo quy định về thời gian và tiến độ thực hiện của các dự án.
Dự thảo Nghị quyết đã thiết kế các quy định về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân quận tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Ủy ban nhân dân quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Bên cạnh đó, bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân quận phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của Ủy ban nhân dân phường trực thuộc để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh (Điều 6 và Điều 7). Hiện nay, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án về thành lập thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến báo cáo Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2020. Theo đó, thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có các phường trực thuộc. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết đã quy định theo hướng điều chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân phường tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; cán bộ, công chức làm việc ở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân phường tại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc biên chế cán bộ, công chức của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân cấp trên.
Về tổ chức thực hiện (Điều 10), Dự thảo Nghị quyết giao cho Chính phủ và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành các văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh và các đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Để đảm bảo tính liên tục và không tạo khoảng trống trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của chính quyền địa phương ở quận và phường tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo Nghị quyết đã quy định một số nội dung chuyển tiếp. Cụ thể: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30/6/2021; kể từ ngày 01/7/2021, trường hợp chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, phường thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi được bổ nhiệm mới; việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân quận, phường đang có hiệu lực thi hành, chưa có văn bản quy phạm pháp luật khác thay thế hoặc chưa bãi bỏ.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và tổ chức thực hiện từ ngày 01/7/2021. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thì áp dụng theo Nghị quyết này. Nội dung này phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.