Cùng dự cuộc làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế…
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế
Báo cáo với Đoàn công tác, đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thủy điện (trong đó có 9 hồ thủy điện đã đưa vào vận hành, công suất lắp máy 409,2MW) với tổng dung tích các hồ thủy lợi và thủy điện khoảng 2.000 triệu m3.
Về công tác cấp nước sạch khu vực đô thị và nông thôn, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh hiện có 31 nhà máy nước sạch đạt công suất 228.170 m3/ngày, đêm (chiếm 98%); 36 công trình tự chảy với công suất 5.000 m3/ngày, đêm (chiếm 2%) tổng lượng nước. Hiện nay, đã có 135/145 xã, phường và thị trấn sử dụng nguồn nước sạch bảo đảm tiêu chuẩn từ các nhà máy nước của HueWACO quản lý, với tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN 02:2009/BYT) đạt 90%, tỷ lệ sử dụng nước sạch ở thành thị đạt 97% và vùng nông thôn đạt 85%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khảo sát tại khu giải phóng mặt bằng khu vực Thượng Thành - Đại nội Huế
Về công tác nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa, từ năm 2003 đến nay, bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương đã đầu tư xây dựng mới một số hồ chứa nước thượng nguồn và nâng cấp hệ thống hồ đập và thủy lợi vùng gò đồi, vùng cát. Đã đầu tư, nâng cấp sửa chữa một số hồ, công trình thuỷ lợi vùng gò đồi, vùng cát… Tỉnh hiện đang tiến hành nâng cấp sửa chữa hồ chứa nước Thọ Sơn, thị xã Hương Trà với kinh phí 31,7 tỷ đồng.
Thừa Thiên - Huế kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xây dựng, ban hành Nghị quyết về an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập, làm cơ sở pháp lý trong quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Quốc hội quan tâm hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương, nâng cấp sữa chữa đập ngăn mặn Thảo Long đã xuống cấp, hư hỏng nặng với kinh phí khoảng 198 tỷ đồng. Nâng cấp sữa chữa đập ngăn mặn Cửa Lác, phục vụ nước cho huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị và 12 xã của huyện Phong Điền, Quảng Điền khoảng 5.225 ha với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chia sẻ khó khăn khi dịch Covid - 19 đã tác động nhiều đến tình hình kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế, một trong những địa phương phát triển chủ yếu dựa vào du lịch, văn hóa - xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự cố gắng của Thừa Thiên - Huế trong bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân ổn định...
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với vấn đề nước sạch, Thừa Thiên - Huế đã giải quyết được song việc thoát lũ cần tính đến quy hoạch hệ thống thủy lợi, tránh tình trạng lũ lụt, vỡ đập gây thiệt hại lớn. Thừa Thiên - Huế là nơi mưa nhiều, có nhiều hồ đập, tính ra dung tích toàn bộ hồ đập trên địa bàn là trên 2 tỷ m3 khối nước. Điều này đặt ra vấn đề an toàn hồ, đập cần được đặc biệt quan tâm. Trong đó, 9 hồ hư hỏng phải được sửa chữa ngay.
Ghi nhận kiến nghị của Thừa Thiên - Huế, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đoàn sẽ tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tìm cách giải quyết khó khăn, vướng mắc của địa phương trong điều kiện cho phép.
+ Tại Thừa Thiên - Huế, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác đã khảo sát tại khu giải phóng mặt bằng khu vực Thượng Thành - Đại nội Huế; khu tái định cư Hương Sơ; đập ngăn mặn Thảo Long; thăm mô hình chăn nuôi an toàn sinh học bằng công nghệ vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền.
+ Trước đó, tại Quảng Trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác đã đến dâng hương và hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.