THẢO LUẬN TỎ 12, KỲ HỌP THỨ 5 QUỐC HỘI XIV: SỬA 13 LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN LUẬT QUY HOẠCH CẦN ĐẢM BẢO TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CAO

23/05/2018

Nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch, đồng thời tạo bước đột phá trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, chiều ngày 23/05, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 12

Tại phiên thảo luận của tổ 12 (gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh An Giang; Phú Yên; Lào Cai; Quảng Trị), đa số ý kiến các Đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch và cho rằng việc ban hành dự án luật sẽ tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành. Điều này góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030. Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến cụ thể vào một số nội dung trọng tâm của dự án luật như: tên gọi; phạm vi điều chỉnh; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thực phẩm; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật Công chứng; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị,…

Đối với, tên gọi của của dự án Luật, Đại biểu Đinh Văn Nhã, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cho rằng, tên gọi theo Tờ trình của Chính phủ là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lương tiết kiệm và hiệu quả. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị ” là quá dài, không đảm bảo tính khả thi khi ban hành. Nếu giữ tên gọi như vậy, sẽ gây khó khăn trong việc trích dẫn văn bản quy phạm pháp luật sau này vì đã trích dẫn tên luật phải trích dẫn đầy đủ, chính xác.

Đại biểu Đinh Văn Nhã, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên phát biểu

Góp ý cụ thể vào những quy định tại dự thảo, có ý kiến đại biểu cho rằng về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thực phẩm, khi bỏ quy hoạch tổng thể về bảo đảm an toàn thực phẩm, quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm thì không cần thiết phải giữ lại quy định xây dựng chiến lược về an toàn thực phẩm.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc rất quan trọng của Luật Quy hoạch là đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong toàn bộ hệ thống quy hoạch chung về kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Hơn nữa, nguyên tắc hoạt động trong quy hoạch là phải đảm bảo thứ bậc trong quy hoạch, tức là quy hoạch cấp dưới phải đồng bộ với quy hoạch cấp trên. Đây là luật khung về quy hoạch nên tất cả các quy hoạch của các ngành còn lại phải căn cứ luật khung này. Tuy nhiên, tiếc rằng, trong Dự thảo Luật cho thấy việc sửa Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị lại không hề tuân thủ theo nguyên tắc này.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị phát biểu 

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Đỗ Văn Sinh, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, đối với 02 dự án Luật là Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị nếu chưa rà soát kỹ lưỡng, chưa có sự thống nhất cao thì cần tiếp tục hoàn thiện, gộp vào cùng các luật còn lại tại phụ lục III Luật Quy hoạch, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang phát biểu 

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát từ ngữ, kỹ thuật văn bản tại các luật sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất cao với quy định của Luật Quy hoạch, để dự án luật khi được thông qua và ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn./.

Lê Anh - Kiên Trung