ĐBQH NGUYỄN THỊ HỒNG HÀ-NINH THUẬN: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 2, ĐIỀU 24 VỀ XỬ LÝ BAN ĐẦU THÔNG TIN TỐ CÁO

24/05/2018

Sáng 24/5, theo Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà- Ninh Thuận đề nghị bổ sung quy định tại Khoản 2, Điều 24 về xử lý ban đầu thông tin tố cáo.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà đánh giá Luật Tố cáo (sửa đổi) đã bổ sung nhiều điểm mới rất cần thiết nhằm đảm bảo quyền tố cáo của công dân và trách nhiệm giải quyết tố cáo của cơ quan có thẩm quyền được thực hiện một cách đầy đủ, hiệu quả hơn. Tuy nhiên một số quy định về việc xử lý thông tin ban đầu tại Điều 24 chưa thật sự chặt chẽ. Theo điều luật, trong trường hợp người tố cáo không đến tố cáo trực tiếp và tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì cơ quan tổ chức tiếp nhận tố cáo phải chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.  Đại biểu cho rằng dự thảo là bất cập, bởi vì cùng lúc người tố cáo gửi đến từng cơ quan và trong đó cũng có nhiều cơ quan không thuộc thẩm quyền giải quyết và các cơ quan này theo quy định phải chuyển tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, chứ không có quy định được hướng dẫn bằng văn bản. Cho nên dẫn đến phát sinh tình trạng chuyển tố cáo lòng vòng. Thực tế có những trường hợp chuyển sai thẩm quyền gây nhiều khó khăn, phức tạp cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết và cả cơ quan tiếp nhận tố cáo mà không thuộc thẩm quyền giải quyết.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, có nhiều trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp nhưng người tiếp nhận xác định không thuộc thẩm quyền và có hướng dẫn trực tiếp để người tố cáo đến tố cáo với cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì người tố cáo lại không đồng ý và bắt buộc cơ quan không có thẩm quyền giải quyết phải tiếp nhận, chuyển tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Họ không chịu tự mình thực hiện việc tố cáo đến đúng nơi có thẩm quyền giải quyết và nếu không đáp ứng yêu cầu thì có thể tố cáo luôn cả người tiếp nhận hướng dẫn tố cáo. Tình trạng này đã gây rất nhiều rắc rối phức tạp trong công tác tiếp nhận xử lý tố cáo.

Toàn cảnh các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường

Trên cơ sở những phân tích trên và để góp phần giải quyết bất cập trong việc tiếp nhận xử lý tố cáo hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà thì đề nghị cần bổ sung vào khoản 2 Điều 24 quy định về việc cơ quan, tổ chức, cá nhân khi nhận được tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì được xử lý theo hình thức chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc hướng dẫn bằng văn bản đến những người tố cáo về việc gửi tố cáo đến đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp đã có hướng dẫn có thể hướng dẫn trực tiếp hoặc hướng dẫn bằng văn bản nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì tổ chức, cơ quan, cá nhân nhận tố cáo sẽ không xử lý như trong quy định tại khoản 3 Điều 24.

Ngoài nội dung về xử lý ban đầu thông tin tố cáo,  trong phần phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn thị Hồng Hà cho rằng vấn đề khen thưởng và xử lý vi phạm trong tố cáo vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Về nội dung này đại biểu nhận định luật sửa đổi vẫn trên cơ sở kế thừa luật hiện hành và việc khen thưởng và xử lý vi phạm trong tố cáo hiện nay chưa thật sự rõ ràng, cụ thể, nhất là vấn đề xử lý vi phạm trong tố cáo và đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tố cáo kéo dài, tố cáo sai sự thật, vượt cấp, đơn thư chuyển lòng vòng. Người giải quyết trong nhiều trường hợp thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, làm lãng phí thời gian, công sức và chi phí cho các cơ quan nhà nước cũng như cho chính người tố cáo nhưng chưa được xử lý cụ thể. Thông thường đối với nội dung tố cáo sai sự thật thì sẽ được kết luận không có cơ sở để giải quyết. Còn đối với hành vi tố cáo sai sự thật thì lại thường bỏ qua. Vì vậy, đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải hướng dẫn vấn đề khen thưởng và xử lý vi phạm thật cụ thể và rõ ràng hơn và cần thiết Chính phủ cũng phải ban hành Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tố cáo để tăng cường trách nhiệm của người tố cáo cũng như người giải quyết tố cáo và những người có liên quan.

Hồ Hương