Hà Tĩnh: 180 năm xây dựng và phát triển (1831 – 2011)

Viện Khoa học Xã hội Việt Nam

Hà Nội

Hội thảo trong nước

Hội thảo

Phát triển bền vững

03/12/2013 - 18/12/2013

Hội thảo kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Hà Tĩnh góp phần làm rõ thêm về lịch sử hình thành và phát triển vùng đất quan trọng này của đất nước, về truyền thống yêu nước, truyền thống bất khuất, kiên cường trước thiên tai và địch hoạ, truyền thống hiếu học, tương thân tương ái của nhân dân Hà Tĩnh, để từ đó khơi dậy niềm tự hào, đồng thời tạo động lực tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, nhằm đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển của Hà Tĩnh cũng như của các địa phương khác trong cả nước.

Trong lịch sử dân tộc, vùng đất Hà Tĩnh có vị trí vô cùng quan trọng, Hà Tĩnh đã từng là vùng đất “phên dậu” của Tổ quốc. Nhân dân Hà Tĩnh đã có những đóng góp to lớn về trí tuệ và sức người, sức của cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Biết bao người con của Hà Tĩnh đã có những cống hiến xuất sắc về kinh tế, chính trị, văn hoá cho đất nước. Hà Tĩnh nói riêng và xứ Nghệ nói chung thường được mệnh danh là “địa linh, nhân kiệt”, hầu như ở thời nào, vùng đất này cũng sản sinh ra những người con xuất chúng, góp phần làm rạng danh cho quê hương, đất nước. Thời kỳ Bắc thuộc, Mai Thúc Loan – lãnh tụ cuộc khởi nghĩa của vùng Hoan Châu xưng đế trong suốt 10 năm chống ách đô hộ của nhà Đường…Và trong các thời kỳ sau đó, Hà Tĩnh vừa là hậu phương, vừa là hậu cứ của nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, binh biến trong – ngoài…Theo dòng lịch sử, vùng đất này luôn xuất hiện các cá nhân đột khởi trên nhiều lĩnh vực, trở thành chỗ dựa tin cậy cho các vương triều, và nhiều lúc, cho cả vận mệnh dân tộc, quê hương… đó là các Trại Trạng nguyên thời kỳ đầu như cha con “song trạng” Sử Hy Nhan - Sử Đức Huy; các anh hùng nghĩa liệt như Đặng Tất - Đặng Dung, Nguyễn Biểu…; các nhà trước tác, học thuyết nổi tiếng như Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ…; các chí sĩ yêu nước, các nhà cách mạng như Phan Đình Phùng, Ngô Đức Kế, Trần Phú, Hà Huy Tập…; các nhà khoa học, văn hào đi tiên phong trên nhiều lĩnh vực, như Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Khắc Viện, Xuân Diệu, Huy Cận…

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các nhà nghiên cứu, nhiều vấn đề về con người và mảnh đất Hà Tĩnh được làm sáng tỏ hơn trên nhiều bình diện, từ lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống yêu nước và đấu tranh chống giặc ngoại xâm, truyền thống văn hoá cho đến quá trình đổi mới và hội nhập… Hội thảo cũng là dịp để Lãnh đạo Tỉnh và các địa phương được gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi và lắng nghe các ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học đối với Hà Tĩnh, và cũng là dịp để các nhà khoa học hiểu thêm về tình hình thực tiễn của địa phương.