Hội đồng Dân tộc: Tích cực, trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, đạt kết quả toàn diện

31/12/2024

Với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao, đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, năm 2024, Hội đồng Dân tộc đã nỗ lực triển khai, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra, đạt kết quả toàn diện trên các mặt công tác về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

DẤU ẤN HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI NĂM 2023

Trong năm 2024, Hội đồng Dân tộc (HĐDT), Thường trực HĐDT và Vụ giúp việc đã tích cực, chủ động thực hiện các công việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong từng bước triển khai, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm, quyết liệt, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch đề ra đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Nổi bật nhất là đạt nhhiều kết quả quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, một trong những kết quả nổi bật của HĐDT về công tác lập pháp trong năm 2024 là lập đề nghị xây dựng và chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Luật HĐGS).

Xác định nhiệm vụ lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật HĐGS do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giao là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò rất quan trọng nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập đã tập trung hoàn thành khối lượng rất lớn Hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật để báo cáo UBTVQH trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm - Truởng Ban soạn thảo trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật HĐGS đã tổ chức 02 cuộc khảo sát, 03 hội thảo và 02 cuộc họp của Ban Soạn thảo, khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trình UBTVQH tại Phiên họp lần thứ 38. Các thành viên UBTVQH đánh giá cao về chất lượng, tiến độ hoàn thiện Hồ sơ dự án luật và nhất trí trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Thời gian tới, HĐDT sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật này, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Bên cạnh nhiệm vụ lập pháp quan trọng nêu trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, HĐDT phối hợp với cơ quan hữu quan tham gia thẩm tra, cho ý kiến các dự án luật, pháp lệnh, Nghị quyết theo nhiệm vụ được phân công. Theo đó, năm 2024, HĐDT tham gia thẩm tra, góp ý kiến vào 35 dự án luật và 12 Nghị quyết, 02 dự thảo Nghị định và một số nội dung khác.

Đáng chú ý, đầu năm 2024, Hội đồng Dân tộc đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ xây dựng, thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5; và nội dung về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (để đưa vào Nghị quyết Kỳ họp lần thứ 7).

Các đại biểu là thành viên HĐDT tham gia góp ý vào các dự án luật tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Ngoài ra, HĐDT đã chủ trì, phối hợp một số cơ quan có liên quan tổ chức các hội thảo để tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động của các dự án luật nhằm tham gia, cho ý kiến tại các phiên họp của UBTVQH và Quốc hội xem xét thông qua. Nhiều ý kiến tham gia của HĐDT đã được Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý vào các dự án luật tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV như: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế...

“Trong bối cảnh chung số lượng nhiệm vụ lập pháp năm 2024 tăng cao so với các năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dưới sự chỉ đạo sát sao, khoa học của Lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Dân tộc đã hoàn thành thẩm tra, tham gia thẩm tra và tham gia ý kiến đối với số lượng dự án luật, nghị quyết, báo cáo, tờ trình tăng cao so với các năm trước, tập trung vào các dự án, dự thảo có quy định liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.

Cùng với công tác lập pháp, hoạt động giám sát, khảo sát năm 2024 được Hội đồng Dân tộc quan tâm triển khai thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đại diện Thường trực HĐDT tham gia các hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và UBTVQH theo chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội. Theo đó Thường trực HĐDT đã tham gia Đoàn giám sát làm việc tại các địa phương, bộ ngành, cơ quan Trung ương và Chính phủ; xây dựng báo cáo thực hiện chương trình giám sát 2024, đề xuất nội dung giám sát của Quốc hội, UBTVQH 2025.

Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2023” làm việc với Chính phủ và một số bộ ngành

Đặc biệt, HĐDT đã cơ bản hoàn thành giám sát chuyên đề năm 2024 về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016-2023”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay; làm cơ sở cho Hội đồng Dân tộc tham mưu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét công tác cán bộ dân tộc thiểu số trong thời gian tới, đặc biệt đối với công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Đến nay, các nội dung hoạt động cho chuyên đề giám sát cơ bản hoàn thành, hầu hết những vấn đề kiến nghị, các giải pháp để khắc phục những bất cập trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tiếp thu, thực hiện trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, trên cơ sở rà soát các luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực năm 2024, HĐDT đã xây dựng, ban hành báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc năm 2024 gửi UBTVQH đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.

Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc đã khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2023 tại tỉnh Tuyên Quang

Về khảo sát chuyên đề “Tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2017 - 2023”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, HĐDT đã ban hành kế hoạch triển khai, lập 02 Đoàn công tác trực tiếp khảo sát tại 07 địa phương và đang tổng hợp, nghiên cứu xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả khảo sát; tham vấn ý kiến chuyên gia; xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo, phiên giải trình của HĐDT.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khẳng định, chuyên đề giám sát, khảo sát là những nội dung được lựa chọn kỹ lưỡng trên cơ sở thực tiễn và ý kiến của thành viên HĐDT; qua các chuyên đề giám sát, khảo sát nhằm đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; qua đó đề xuất, kiến nghị những giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả về công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ người DTTS; chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng DTTS&MN.

Đề cập về công tác xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, HĐDT đã hoàn thành nhiệm vụ được UBTVQH giao chủ trì thẩm tra Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia”. Trên cơ sở báo cáo thẩm tra của HĐDT, ngày 18/01/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, theo đó đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Về nhiệm vụ chủ trì thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, trên cơ sở Báo cáo thẩm tra của HĐDT trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về nội dung trên, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của HĐDT. Báo cáo đã phân tích, đánh giá khách quan, chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan, đồng thời thể hiện quan điểm ủng hộ, đồng ý về mặt nguyên tắc trong việc điều chỉnh chủ trương đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với Chương trình mục tiêu quốc gia này và thống nhất đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp này.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

Bên cạnh đó, năm 2024, HĐDT đã chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách dân tộc; tham gia thẩm tra 10 nội dung quan trọng của đất nước tại Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; ban hành 32 văn bản tham gia thẩm tra, góp ý vào các chương trình, đề án, nội dung quan trọng tại các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp UBTVQH; văn bản liên quan đến chính sách dân tộc và vùng đồng bào DTTS&MN, các văn bản gửi đến lấy ý kiến của HĐDT.

* Cùng với các nhiệm vụ nêu trên, Hội đồng Dân tộc đã cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng theo sự phân công của Đảng đoàn Quốc hội, trong đó nổi bật là chủ trì xây dựng, tham mưu cho Đảng đoàn Quốc hội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; cùng với đó là nhiệm vụ“Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chính sách dân tộc”; nhiệm vụ xây dựng Đề án “Nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013”… Đồng thời, thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác đại biểu, công tác dân nguyện, tham mưu tổ chức các hội nghị, hội thảo và nghiên cứu khoa học.

Từ những kết quả nêu trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, mặc dù năm 2024 có nhiều nội dung khó, phức tạp, đòi hỏi gấp về thời gian nhưng Hội đồng Dân tộc đã tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực, chủ động thực hiện các công việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm, quyết liệt, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch đề ra đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Tập thể Hội đồng Dân tộc chụp ảnh với các Lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khẳng định, để đạt được những kết quả này, trước hết là nhờ sự lãnh đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH, sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp và chặt chẽ của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách trực tiếp HĐDT. HĐDT đã bám sát Chương trình công tác, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; chủ động giải quyết những vấn đề đột xuất phát sinh. Cùng với đó, với tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm cao, cả tập thể Hội đồng, Thường trực HĐDT, các thành viên HĐDT và bộ phận giúp việc luôn đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, có sự kết nối, gắn bó, tích cực tham gia các hoạt động của HĐDT. Đồng thời, công tác phối hợp giữa HĐDT với các cơ quan khác của Quốc hội, các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục được chú trọng và tăng cường, góp phần giúp HĐDT, Thường trực HĐDT hoàn thành tốt các công việc được giao cũng như đóng góp vào thành công chung trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác