ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐƯỢC QUAN TÂM ĐÓN TẾT VÀ TIẾP TỤC THỤ HƯỞNG CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

07/02/2022

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Hội đồng Dân tộc đã và đang phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng trọn vẹn cái Tết đầy đủ cùng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ khác.

 

Việt Nam có 54 thành phần dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với dân số trên 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Đồng bào các DTTS cư trú thành cộng đồng ở 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, 548 huyện, 51 tỉnh, thành phố. Địa bàn cư trú của các DTTS phần lớn là miền núi, chiếm ¾ diện tích cả nước, chủ yếu tập trung ở vùng miền núi, trung du phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ. Đây là những địa bàn có vị trí chiến lược, quan trọng về chính trị, an ninh - quốc phòng và tài nguyên thiên nhiên của đất nước nhưng cũng là vùng có địa hình tự nhiên phức tạp, độ dốc cao, chia cắt, cơ sở hạ tầng khó khăn, nơi tập trung các xã nghèo, huyện nghèo và người nghèo của cả nước.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống, tạo điều kiện để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất. Mặc dù năm nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế-xã hội nhưng các Bộ ngành, địa phương luôn cố gắng dành nguồn lực để người dân nơi đây tiếp tục được thụ hưởng các chính sách xã hội và đón Tết trong niềm vui.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong những ngày Tết đến xuân về, việc thăm hỏi, động viên và đảm bảo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đón Tết đầy đủ, ấm áp cũng được Hội đồng Dân tộc phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Ngoài ra, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng là cơ sở quan trọng để Hội đồng Dân tộc và các cơ quan triển khai các chính sách hỗ trợ đến người dân một cách nhanh chóng hơn.

Phóng viên: Để người dân vùng Đồng bào Dân tộc thiểu số đón Tết cổ truyền được no ấm hơn, Hội đồng Dân tộc đã phối hợp với các Ủy ban, đơn vị tổ chức những hoạt động thiết thực nào, thưa ông?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành: Mỗi dịp Tết đến xuân về, công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách để bảo đảm cho tất cả người dân đều có được một cái Tết đầy đủ, đầm ấm là một chủ trương, truyền thống, nghĩa cử tốt đẹp của Đảng và Nhà nước. Với tư cách là Ban đại diện cho các cơ quan về dân tộc của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc đã và đang có nhiều chương trình cụ thể, thiết thực về an sinh xã hội, chăm lo cái Tết cho người nghèo. Theo đó, Hội đồng Dân tộc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc tổ chức các đoàn công tác đi các tỉnh, thành để trao hàng nghìn suất quà cho bà con, hộ nghèo ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Hoạt động này đã góp phần động viên cả về vật chất và tinh thần cho người dân ở những nơi này. Ngoài ra, Hội đồng Dân tộc cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị đến thăm, động viên các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đóng quân tại các đồn biên phòng ở những nơi hẻo lánh, xa xôi trong điều kiện các anh phải thực hiện 2 mục tiêu kép là phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước. Các chuyến thăm cũng đã góp phần động viên tinh thần để các chiến sĩ yên tâm công tác.

Qua những chuyến đến thăm và chúc Tết như vậy, Hội đồng Dân tộc cũng thấy là công tác chuẩn bị đón Tết của các địa phương cũng đã được tổ chức thiết thực, cụ thể với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên số lượng đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, mặc dù ngân sách để dành cho các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách còn hạn chế nhưng các địa phương vẫn rất chu đáo trong việc đảm bảo cho bà con đón Tết được đầy đủ, ấm áp.

Nhiều địa phương đã chủ động các nguồn kinh phí khác nhau để chăm lo cho những hộ nghèo, gia đình chính sách với mục tiêu “không để ai bị bỏ sót” trong những hoạt động hỗ trợ đón Tết. Các chuyến thăm hỏi, trao quà được đánh giá là hiệu quả, đem lại niềm vui cho người dân trong những ngày Tết đến xuân về.

Phóng viên: Thưa ông, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vậy Hội đồng Dân tộc sẽ triển khai các các chương trình hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành: Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua chính sách này sẽ tác động trực tiếp nhiều doanh nghiệp, tổ chức liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của hàng chục triệu người dân, hộ gia đình. Ngoài việc hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động bị mất việc làm, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần có sự hỗ trợ đối với lao động là người dân tộc thiểu số không ở lại quê hương làm nông nghiệp mà di chuyển đến nơi khác làm việc (trong đó có khoảng 40% là lao động phi chính thức). Bên cạnh đó, việc thu hút công nhân quay trở lại các tỉnh, thành phố lớn làm việc cũng cần được lưu tâm như có chính sách hỗ trợ tiền đi lại, nhà ở cho công nhân... Đối với các chương trình đầu tư công nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân vùng dân tộc thiểu số có thể tham gia và tăng thêm thu nhập cũng cần được chú trọng.

Trong Nghị quyết cũng quy định là cho phép Chính phủ phát hành thêm trái phiếu để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, các hộ nghèo, học sinh, sinh viên với lãi suất ưu đãi. Trong số tiền trái phiếu này cũng có một khoản để phục vụ cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển dân tộc thiểu số.

Tôi cho rằng, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Thông qua đó, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan, địa phương có thể thực hiện đồng bộ giữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước với các chính sách cho vay trong các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đặc biệt được định hướng theo chuỗi. Các chính sách hỗ trợ người dân ở các địa phương sử dụng tốt nguồn lực sẽ góp phần phục hồi, thúc đẩy sản xuất và tạo thu nhập cho người dân.

Phóng viên: Để giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình hiệu quả, đến đúng đối tượng được thụ hưởng, Hội đồng Dân tộc sẽ phối hợp với các cơ quan kiểm tra, giám sát như thế nào?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành: Chức năng giám sát là một trong những nhiệm vụ chính của các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Hội đồng Dân tộc. Các chương trình, chính sách liên quan đến dân tộc thiểu số và miền núi nói chung đều là những chương trình lớn. Trong số các chương trình, chính sách có Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Chương trình Mục tiêu quốc gia đều là các chương trình lớn, có ý nghĩa quan trọng. Một số nội dung liên quan đến các đề án phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc cũng đều được đánh giá là các chương trình mang tầm vĩ mô.

Để thực hiện các chương trình, chính sách hiệu quả thì phải tăng cường các hoạt động giám sát. Vì thế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội đều phải tăng cường giám sát để thúc đẩy triển khai các chương trình, chính sách một cách nhanh chóng; nâng cao hiệu quả hoạt động các gói hỗ trợ đến đúng đối tượng được thụ  hưởng một cách có trọng tâm, trọng điểm. Do đó, cần phải có những giải pháp phối hợp giữa các ngành có liên quan, giữa Hội đồng Dân tộc với các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan tư vấn. Ngoài ra, việc xây dựng chương trình giám sát một cách khoa học, bài bản cũng là giải pháp cần thiết để các chính sách áp dụng trong thực tiễn nhanh chóng nhất, nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng được sử dụng đúng mục đích, đối tượng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông! ./.

Bích Lan