THAM VẤN VỀ ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK GIÁO DỤC PHỔ THÔNG & CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÙNG DTTS & MN

17/01/2022

Ngày 17/01.tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc phối hợp với UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo “Đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội và việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019 trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số & miền núi”.

 

 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm Chủ trì hội thảo. Tham gia Hội thảo có các thành viên Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện Bộ Giáo dục, Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội; Ủy ban Dân tộc; đại diện Ủy ban nhân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo một số tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi; các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu; đại diện UNICEF Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, ngày 28/11/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhằm mục tiêu: Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Đặc biệt Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120 phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là những quyết định mang tính lịch sử, việc thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia để tạo bước ngoặt, đột phá cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong giai đoạn 2021 – 2030; khẳng định sự quan tâm, chăm lo toàn diện của Đảng và nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên tất cả các lĩnh vực của đởi sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; là động lực to lớn để đồng bào dân tộc thiểu số nỗ lực phấn đấu vươn lên trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hòa cùng với sự phát triển chung của cả nước.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, hiện nay, cả nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đang triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 và Chương trình giáo dục phổ thông mới. Để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông có chất lượng và hiệu quả đòi hỏi cụ thể hóa những Nghị quyết của Quốc hội, pháp luật của Nhà nước và chính sách của Chính phủ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy, việc nghiên cứu đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Mục tiêu của hội thảo nhằm đánh giá việc triển khai, thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi; đánh giá việc triển khai thực hiện Luật Giáo dục 2019, việc thể chế hóa các quy định của Luật Giáo dục 2019 liên quan đến các chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, miền núi, học sinh vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; tác động của đại dịch COVID-19 đối với giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, kết quả nghiên cứu Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cùng sự cố vấn của các chuyên gia của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Hội đồng Dân tộc đã xây dựng dự thảo Báo cáo “Đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội và việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019 trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số & miền núi”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm mong muốn hội thảo sẽ nhận được trao đổi, kinh nghiệm, ý kiến đóng góp của các đại biểu về những nội dung của dự thảo Báo cáo, làm rõ những kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong thực tiễn, nhất là trong bối cảnh triển thực hiện chính sách dưới sự tác động tiêu cực của đại dịch COVID- 19 đối với trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Dự thảo Báo cáo có 3 phần chính. Cụ thể gồm Phần Giới thiệu; Phần Kết quả nghiên cứu; Phần đề xuất, kiến nghị. Kết quả nghiên cứu từ dự thảo Báo cáo là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng tìm ra giải pháp phù hợp để đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có những điều chỉnh, bổ sung và ban hành chính sách mới nhằm thực hiện có hiệu quả, hiệu lực Luật Giáo dục 2019 và các chính sách phát triển giáo dục dân tộc, tạo động lực phát huy nội lực để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, tại chỗ người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Toàn cảnh hội thảo

Theo dự thảo Báo cáo, để thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51, các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành tương đối đầy đủ, từng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về giáo dục. Các nội dung của Nghị quyết 88 đã được Luật hóa trong Luật Giáo dục 2019 nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó có mục tiêu và giải pháp phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhận thức tầm quan trọng của Nghị quyết 88, Ủy ban nhân dân các địa phương vùng dân tộc thiểu số đã tập trung chỉ đạo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nội dung các văn bản chỉ đạo đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, cơ bản phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế- xã hội tại mỗi địa phương.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những bước phát triển nhanh; hệ thống trường lớp đảm bảo cho tất cả trẻ em dân tộc thiểu số được đến trường và hoàn thành cấp học; chất lượng giáo dục được cải thiện và nâng cao; tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở ra lớp và hoàn thành cấp học tăng,... Đặc biệt, chính sách đối với trẻ em, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã đặc biệt khó khăn, như: chính sách học bổng; hỗ trợ học tập; miễn, giảm học phí; hỗ trợ đối với trẻ em, học sinh các dân tộc thiểu số rất ít người; Chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lí công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được đảm bảo; chính sách cử tuyển, chính sách về dạy học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số; các chính sách phát triển nguồn nhân lực, công tác xóa mù chữ, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được thực hiện.

Qua thảo luận, cơ bản các ý kiến phát biểu đồng tình với các nội dung của dự thảo Báo cáo và cho rằng dự thảo Báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá sát thực trạng và đưa ra được một bức tranh toàn cảnh về giáo dục, đào tạo của các tình vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi sau hai năm thực hiện đổi mới. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là vấn đề lớn; đổi mới đặt ra yêu cầu rất cao. Do vậy, khi thực hiện các địa phương gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành giáo dục cả nước nói chung, giáo dục vùng dân tộc thiểu số miền núi nói riêng trên tất cả các mặt. Đặc biệt là trẻ em và học sinh dân tộc thiểu số; trẻ em và học sinh con em hộ cận nghèo…

Các đại biểu cho rằng, trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những đối tượng thiệt thòi và dễ tổn thương nhất. Các em gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, phương tiện đi lại, điều kiện tiếp cận thông tin, môi trường sống, môi trường học tập… Về tổng thể giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung của cả nước vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cả về quy mô, chất lượng giáo dục, các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo

Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, dự thảo Báo cáo cần khắc họa sâu hơn nữa tình trạng thiếu sóng và máy tính cho em thông qua những số liệu cụ thể. Để từ đó có những giải pháp phù hợp, bởi các tỉnh dân tộc thiểu số và miền núi đa phần đều không tự chủ được, rất khó khăn, chủ yếu trông chờ vào các chương trình hỗ trợ, trong khi đó dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu học trực tuyến.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị, dự thảo Báo cáo cần quan tâm đánh giá thêm về việc nhiều phụ huynh, cử tri, dư luận phản ánh chương trình, sách giáo khoa mới còn nặng, đặc biệt môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ; yêu cầu phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn, gây áp lực cho giáo viên và học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, đề nghị nghiên cứu thật kỹ về việc biên soạn, thử nghiệm sách giáo khoa song ngữ cho học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biện Ủy ban Dân tộc cho rằng, nếu không có đánh giá và giải pháp cụ thể thì việc biên soạn, thử nghiệm sách giáo khoa song ngữ cho học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ không có tính khả thi cao trong thực tế. Bởi trong một lớp có thể có nhiều học sinh của nhiều dân tộc thì việc lựa chọn ngôn ngữ để giảng dạy như thế nào. Bên cạnh đó, đại biểu băn khoăn liệu giáo viên giảng dạy có biết và hiểu và nói được tất cả ngôn ngữ các dân tộc để truyền đạt kiến thức cho các em hay không. Do vậy, đề nghị dự thảo Báo cáo cần phân tích rõ, làm rõ hơn về nội dung này.

Để hoàn thiện các nội dung của dự thảo Báo cáo, các đại biểu cho rằng cần làm rõ thêm nguyên nhân và giải pháp cho thực trạng một số địa phương chưa thật sự chủ động và còn lúng túng trong việc ban hành các văn bản triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới hoặc ban hành chậm chưa đảm bảo tiến độ so với kế hoạch đề ra làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện tại địa phương; một số bộ phận giáo viên môn Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Công nghê… chưa đạt chuẩn đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại các cơ sở giáo dục công lập tại một số địa phương; công tác biên soạn sách giáo khoa còn hạn chế; chưa có tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình cho vùng dân tộc thiểu số; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới…

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp trong thời gian tới. Cụ thể, rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và thiếu nguồn để tuyển giáo viên dạy các môn học mới như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số...; nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản, chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Luật Giáo dục. Đồng thời, bố trí đúng, đủ ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo; ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết 88; ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu kết thúc hội thảo

Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu; cho biết, những góp ý của đại biểu tại hội thảo sẽ được Hội đồng dân tộc nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo. Trên cơ sở đó, Hội đồng Dân tộc sẽ khuyến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương và địa phương có các giải pháp bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 trong thời gian tới sao cho phù hợp và hiệu quả./.

Thu Phương – Nghĩa Đức