ĐBQH NGUYỄN LÂM THÀNH: ĐIỀU KIỆN CẦN ĐỂ THAY ĐỔI TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG NGHÈO, HỘ NGHÈO

04/08/2021

Đề cập thay đổi tiêu chí nghèo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Lâm Thành cho rằng việc thay đổi tiêu chí để lựa chọn, xác định đối tượng nghèo, hộ nghèo cần dựa trên những tiêu chuẩn đánh giá, rà soát, bình xét một cách khoa học, bài bản và công bằng giữa các vùng khác nhau, sao cho việc thực hiện các chính sách đúng đối tượng được thụ hưởng.


Giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo là một chủ trương lớn, xuyên suốt và là vấn đề quan trọng có ý nghĩa chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo. Kết quả xóa đói giảm nghèo là một trong những thành tựu nổi bật của thời kỳ đổi mới, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ, công bằng, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực, thành quả đã đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thì vẫn còn một số hạn chế nên đòi hỏi việc phân loại, thực hiện các chính sách đối với các đối tượng được thụ hưởng cần phải có sự điều chỉnh theo tiêu chí mới. Để làm rõ hơn những vấn đề trên, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.


Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.

Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Những vấn đề nào được Hội đồng Dân tộc tiếp thu được từ kỳ họp để chỉ đạo, triển khai công tác giảm nghèo tốt hơn trong thời gian tới, thưa Phó Chủ tịch?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành: Có thể nói, thông qua các ký kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Hội đồng Dân tộc đã lắng nghe, tập hợp và nghiên cứu tiếp thu được nhiều nội dung quan trọng cho chương trình.

Đa phần các đại biểu Quốc hội cho rằng, phải xác định rõ đối tượng, vùng miền cần được ưu tiên để có giải pháp trọng tâm cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian tới. Chẳng hạn, việc tách đối tượng bảo trợ xã hội một cách tương đối ra khỏi đối tượng nghèo được hưởng chính sách để tập trung thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội là giải pháp thích hợp. Bên cạnh dó, cần lựa chọn ban hành các chính sách khung cùng với việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù theo hướng phân cấp nhiều hơn cho các địa phương trong tổ chức thực hiện. Theo đó, những địa phương nào có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, cần tập trung chủ động giải quyết những vấn đề về chính sách cho các hộ nghèo. Còn lại nguồn lực ngân sách nhà nước ở trung ương sẽ tập trung cho các vùng, miền có nhiều hộ nghèo, cận nghèo. Song song với đó cũng phải kể đến các hoạt động mang tính trọng tâm như: đa dạng hóa sinh kế, sản xuất để tạo thu nhập cho người nghèo và cùng với các biện pháp hỗ trợ, đào tạo nghề, truyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã thống nhất cần có 1 Ban chỉ đạo thống nhất cho cả 3 chương trình: Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình Nông thôn mới và chương trình giảm nghèo để tập trung chỉ đạo thống nhất, đồng bộ. Ban chỉ đạo này cũng có nhiệm vụ điều phối nguồn lực cũng như đưa ra chính sách phù hợp thống nhất cả 3 chương trình để đạt được hiệu quả cao nhất. Đây là giải pháp quan trọng về tổ chức trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm giúp các chương trình nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Phóng viên: Thực tế là cuộc sống luôn có nhiều thay đổi, để thực hiện tốt mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần có sự thay đổi về về tiêu chí nghèo, quy định về hộ nghèo, cận nghèo phù hợp hơn với thực tế để thực hiện các chính sách sao cho đúng đối tượng được thụ hưởng. Phó Chủ tịch có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành: Đề cập đến việc giảm nghèo thì phải xác định tiêu chí. Tiêu chí nghèo có thể thay đổi theo từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội, nguồn lực và chính sách của đất nước. Khi tiêu chí nghèo thay đổi thì số lượng người nghèo và tỷ lệ hộ nghèo cũng thay đổi theo hướng tăng lên. Tuy nhiên, số lượng tăng lên bao nhiêu lại phụ thuộc vào tiêu chí nghèo. Trong xu thế hiện nay thì tiêu chí nghèo được tiếp cận theo hướng tiêu chí nghèo đa chiều để giải quyết những vấn đề ở những vùng nghèo được sát thực tiễn, bao quát đầy đủ hơn.

Qua quá trình giám sát, đánh giá, Hội đồng Dân tộc nhận thấy, tiêu chí nghèo cần được xây dựng khoa học hơn, bảo đảm được những vẫn đề mang tính bản chất của giảm nghèo thực sự chứ không phải đơn thuần dựa trên thu nhập. Các yếu tố khác như tiếp cận dịch vụ về y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin cũng tác động đến tiêu chí nghèo. Ví dụ như vừa qua ở nhiều địa phương, thay đổi về tiêu chí nước sạch cũng làm thay đổi nhiều ở tỷ lệ hộ nghèo.

Thực tế hiện nay có tình trạng là hộ nghèo ở vùng này khi so sánh mức độ thực tế có thể lại là hộ khá ở vùng khác. Nếu không rà soát, bình xét kỹ lưỡng thì có thể tạo nên sự không công bằng trong việc xác định đối tượng dẫn đến thực hiện các chính sách giữa các vùng ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, cần phải có những tiêu chuẩn cụ thể để xây dựng, lựa chọn tiêu chí nghèo cho phù hợp. Bên cạnh đó, quá trình rà soát, bình xét, lựa chọn hộ gia đình để đưa vào danh sách hộ nghèo cũng cần được thực hiện một cách khoa học, bài bản và bảo đảm công bằng giữa các vùng khác nhau, sao cho việc thực hiện các chính sách đúng đối tượng được thụ hưởng. Trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Hội đồng Dân tộc cũng đang nghiên cứu, tiếp nhận thêm ý kiến để góp phần cho việc triển khai hiệu quả, thực chất hơn.

Phóng viên: Hội đồng Dân tộc có những ý kiến đối với với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các Ban, ngành chức năng về việc thay đổi tiêu chí nghèo mới cũng như rà soát các đối tượng, hộ gia đình được hưởng chính sách đúng theo tiêu chí, mục tiêu mới như thế nào, thưa ông?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành: Với vai trò, chức năng của mình, Hội đồng Dân tộc nhận thấy, đối tượng người dân tộc thiểu số là đối tượng nghèo chính (chiếm tới 60% đối tượng nghèo của cả nước) và vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được coi là vùng lõi nghèo cao nhất. Trong quá trình triển khai các chính sách, Hội đồng Dân tộc luôn có sự phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành chức năng liên quan thông qua các hoạt động hội nghị, hội thảo, trao đổi làm việc nhằm làm rõ hơn các tiêu chí, phân loại nghèo cũng như tìm kiếm các giải pháp để thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo được tốt hơn.

Ngoài ra, thông qua các hoạt động giám sát, đánh giá và ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội đại diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Hội đồng Dân tộc cũng có những căn cứ để làm rõ hơn các tiêu chí nghèo, phân loại hộ nghèo để có thể trình Quốc hội xem xét triển khai trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!/.

Bích Lan