Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại phiên họp
Trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả khảo sát “Việc thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết: vùng miền núi, biên giới, bãi ngang ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống liên quan tới 51 tỉnh, thành phố; 640 huyện, thị xã, gần 5500 xã, thị trấn. Đây là địa bàn có nhiều khó khăn, chủ yếu là khu vực miền núi, nông thôn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Vùng dân tộc thiểu số miền núi là các địa bàn có những đặc điểm đặc thù về địa chất, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp; sản xuất chủ yếu là nông, lâm nghiệp; cơ sở hạ tầng thiết yếu vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ…
Để có căn cứ hoạch định chính sách, tạo điều kiện, cơ chế đầu tư phát triển đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, tổ chức thực hiện việc xác định, đánh giá mức độ khó khăn, phức tạp của các địa bàn có những yếu tố đặc thù khu có tác động lớn, thường xuyên tới phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, sinh hoạt của nhân dân thông qua việc phân định địa bàn miền núi, vùng cao, phân định vùng dân tộc thiểu số miền núi theo trình độ phát triển. Kết quả phân định là các căn cứ quan trọng để Nhà nước ban hành một số cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế xã hội, ổn định, nâng cao đời sống cho vùng dân tộc thiểu số miền núi, địa bàn đặc biệt khó khăn.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đánh giá, việc phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao là việc làm cần thiết, nhằm xác định chính xác các yếu tố đặc thù, đặc biệt về địa hình, địa chất, khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng…làm cơ sở, căn cứ cho việc tổ chức các giải pháp quản lý nhà nước và xây dựng một số chính sách phù hợp về đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống cho cư dân tại chỗ. Các tiêu chí phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao đã bao quát những đặc điểm cơ bản về địa hình, đất đai, dân tộc và một số yếu tố về hạ tầng, sản xuất, đời sống. Kết quả phân định đã được thể hiện bằng quyết định công nhận xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao; đã và đang là các căn cứ quan trọng phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước và xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện chính sách trên địa bàn xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ: việc phân định miền núi, vùng cao là việc làm quan trọng, có ý nghĩa lớn; tuy nhiên qua tổ chức thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định. Do đó, việc tổ chức phiên giải trình để phân tích, đánh giá, hoạch định các chính sách trong thời gian tới nhằm đảm bảo công bằng cho các xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao là rất cần thiết.
Phiên giải trình dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 12, do Hội đồng Dân tộc chủ trì. Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm chính giải trình về công tác ban hành các văn bản chính sách; công tác tổ chức thực hiện và kết quả phân định; những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong thực hiện việc phân định cũng như sơ tổng kết công tác phân định miền núi, vùng cao… Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính phối hợp tham gia giải trình.