Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc tại 02 tỉnh Lai Châu và Lào Cai

30/08/2017

Từ ngày 21 - 30/8/2017, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc do đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm trưởng đoàn thực hiện giám sát chuyên đề “Tình hình, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 – 2016” trên địa bàn tỉnh Lai Châu và Lào Cai.

Thực hiện chương trình giám sát của Hội đồng Dân tộc năm 2017, từ ngày 21/8 đến ngày 30/8/2017, Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc do đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên BCH TW Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sátTình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 - 2016”  tại hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Tham gia Đoàn Giám sát có các đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng Dân tộc thuộc các đoàn Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Nam, đại diện Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, chuyên gia thuộc Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM), lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội. 

Tại Lai Châu và Lào Cai, Đoàn giám sát đã trực tiếp nghiên cứu, đánh giá các mô hình giao đất, giao rừng cho các cộng đồng dân cư, nhóm hộ, hộ gia đình và các tổ chức (Ban quản lý rừng phòng hộ, UBND xã, doanh nghiệp) tại các xã: Tả Ngảo, Xà Dề Phìn (Huyện Phong Thổ), xã Dào San, Hoang Thèn (Huyện Sìn Hồ- Lai Châu); Liêm Phú, Nậm Tha (Huyện Văn Bàn), xã Bản Mế, Lùng Sui (Huyện Si Ma Cai- Lào Cai). Sau khi nghe báo cáo, làm việc với UBND cấp xã, UBND các huyện của hai tỉnh, Đoàn giám sát đã làm việc, nghe báo cáo và giải trình của UBND tỉnh, các sở ban ngành của tỉnh Lai Châu và Lào Cai.

Đoàn giám sát của HĐDT đi thực tế tại địa phương.

Quá trình nghiên cứu thực địa và giám sát, các Thành viên Đoàn công tác  đã có những ý kiến trao đổi thẳng thắn xoay quanh các vấn đề: Thực trạng, kết quả tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ phát triển rừng (Điều 29, 30); thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình; sự quan tâm chỉ đạo, các cơ chế, chính sách đặc thù của hai tỉnh về công tác giao đất gắn với giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng (thôn, bản), nhóm hộ và hộ gia đình; đánh giá các mô hình giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cộng đồng và hộ gia đình; bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của chủ rừng, của cộng đồng dân cư và hộ gia đình; trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền và tổ chức, cơ quan đối về thực hiện Luật bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng; kết quả cấp Giấy chững nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp gắn với tài nguyên rừng; hiệu quả, tác động của việc giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho các đối tượng trên địa bàn; đánh giá những khó khăn, bất cập liên quan đến thực hiện Luật Bảo vệ, phát triển rừng năm 2004 và chính sách giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình dân tộc thiểu số giai đoạn 2006-2016...

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, báo cáo giải trình giữa Đoàn giám sát với các địa phương, thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn giám sát đã có các ý kiến sơ bộ kết luận:

1. Đánh giá cao công tác chuẩn bị, phối hợp của các tỉnh trong việc thực hiện chương trình đi cơ sở và làm việc của Đoàn giám sát; sự phối hợp của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh; sự quan tâm chỉ đạo, thực hiện các yêu cầu của Đoàn giám sát.

2. Cơ bản đồng tình với báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ, phát triển rừng và giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình trên địa bàn dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 – 2016.

3. Ghi nhận các kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển lâm nghiệp nói chung, thực hiện giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình tại các tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Ghi nhận sự cố gắng trong thực hiện giao đất, giao rừng và đa dạng đối tượng được nhận giao đất, giao rừng; một số mô hình giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng cho đơn vị Quân đội, cho Doanh nghiệp Thủy điện, cho Nhóm hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số...

4. Khẳng định ý nghĩa, tính chất phù hợp và các kết quả, tác động tích cực của chính sách giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ phát triển rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là các nội dung, vấn đề sẽ được ghi nhận, phản ánh và đưa vào các kiến nghị của Hội đồng Dân tộc trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ phát triển rừng năm 2004 tại Kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa XIV sắp tới.

5. Đoàn giám sát chia sẻ với những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ phát triển rừng nói riêng, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Lai Châu và Lào Cai; nhất là các khó khăn đặc thù của địa bàn vùng núi cao, có nhiều diện tích đất lâm nghiệp, đất dốc, vùng biên giới, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số...Chia sẻ với các địa phương về các khó khăn gặp phải do những bất hợp lý, chậm sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách, nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của chủ rừng, bảo đảm việc giao đất gắn với giao rừng, tài nguyên rừng, khoán chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng... đối với cộng đồng dân cư và hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.

Đoàn giám sát của HĐDT làm việc với UBND tỉnh Lào Cai.

 6. Đồng chí Trưởng đoàn giám sát đã lưu ý, đề nghị hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu:

- Tập trung vào một số biện pháp, nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với từng địa phương, giai đoạn để tháo gỡ các khó khăn, bất cập giữa thời điểm giao đất, giáo rừng trước năm 2005 và giai đoạn 2006-2017; một mặt tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật Bảo vệ phát triển rừng, giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ, phát triển rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, mặt khác tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các mô hình giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ, phát triển rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, các đối tượng khác, đặc biệt là các mô hình có hiệu quả, để có bài học kinh nghiệm tốt cho thời gian tới.

- Trên cơ sở các kết quả giai đoạn hiện tại, các tỉnh cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách bảo vệ, phát triển rừng, giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình.

- Riêng đối với Lào Cai, cần tổ chức đánh giá, sơ tổng kết các hình thức, mô hình giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ, phát triển rừng cho đơn vị quân đội, cho doanh nghiệp có chức năng gắn với quyền lợi, trách nhiệm bảo vệ rừng...Kết quả này cần báo cáo, kiến nghị với các bộ chủ quản, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để kịp thời bổ sung, sửa đổi Luật Bảo vệ phát triển rừng và chính sách pháp luật liên quan đến giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường, nguồn nước, hệ sinh thái; bảo vệ phát triển rừng gắn với phát triển đời sống, văn hóa của cộng đồng, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đoàn giám sát cũng đề nghị các tỉnh quan tâm đánh giá tìm ra các nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm; tạo sự đồng thuận cao trong các cấp ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát triển rừng, thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2015-2020 và 2025.

- Bên cạnh việc chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ bằng phương tiện, kĩ thuật để nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ chuyên quản (địa chính, kiểm lâm, Nông nghiệp, tài nguyên, môi trường...) và sự hỗ trợ kĩ thuật, kết nối hệ thống quản lý dữ liệu lâm nghiệp, đất đai của các sở, ngành, các cấp chính quyền trong tỉnh.

- Tích cực huy động các tiềm năng thu ngân sách, cân đối nguồn, bố trí tương xứng tỷ lệ chi ngân sách địa phương hằng năm cho nhiệm vụ giao đất, giao rừng, đo đạc, cắm mốc giới, vẽ bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài nguyên rừng cho cộng đồng, hộ gia đình trong giai đoạn 2016-2020.

Trong thời gian công tác tại Lai Châu và Lào Cai, đồng chí Hà Ngọc Chiến và Đoàn công tác đã đến thăm, làm việc với Đồn biên phòng Dào San (tỉnh Lai Châu) và Đồn biên phòng A Mú Sung (tỉnh Lào Cai); tặng quà cho một số hộ gia đình chính sách của các xã thuộc hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai.

Đồng chí Hà Ngọc Chiến và Đoàn giám sát thăm đồn biên phòng Dào San, tỉnh Lai Châu.

Đồng chí Hà Ngọc Chiến và Đoàn giám sát thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách.

 

Tiến Thành - Vụ Dân tộc

(Phùng Thị Hạnh - Vụ Dân tộc)

Các bài viết khác