Hội đồng Dân tộc làm việc với các Bộ chức năng về tình hình, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006-2016

11/08/2017

Sáng 11/8, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc tổ chức buổi làm việc để nghe các bộ, ngành chức năng báo cáo sơ bộ về tình hình, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006-2016. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân chủ trì buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Hội Đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Thường trực Hội đồng Dân tộc, đại diện Ủy ban Dân tộc, đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư và một số bộ, ngành có liên quan.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân nêu rõ, để chuẩn bị cho đợt giám sát của Hội đồng Dân tộc tại 09 địa phương về đánh giá kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006-2016, Hội đồng Dân tộc tổ chức buổi làm việc với các bộ ngành để nghe các bộ chức năng báo cáo kết quả bước đầu về việc thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến vấn đề này. Do đó, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư cung cấp thông tin đây đủ, thẳng thắn trao đổi những vấn đề còn vướng mắc; từ thực tiễn quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chỉ ra những ưu điểm, nhược điểm còn tồn tại và đề xuất những giải pháp, kiến nghị để khắc phục hiệu quả vấn đề trên.

Báo cáo tại buổi làm việc về tình hình, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các hộ gia đình được giao đất, giao rừng sẽ được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được công nhận quyền sử dụng rừng, khai thác lâm sản, hưởng sản phẩm từ rừng trồng và dưới tán rừng; được chuyển nhượng, thế chấp, bảo lãnh theo quy định.

Báo cáo cho biết, sau hơn 20 năm thực hiện, chủ trương, chính sách về giao đất, giao rừng đã góp phần quan trọng trong việc phục hồi rừng và nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình và cá nhân đã tạo được tâm lý an tâm đầu tư vào rừng, tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập để cải thiện kinh tế; phát huy được tính chủ động sáng tạo của nhiều gia đình nông dân miền núi; xuất hiện nhiều mô hình gia đình, mô hình liên kết cộng đồng quản lý sử dụng rừng và đất hiệu quả bằng việc kết hợp các biện pháp khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên với trồng bổ sung cây bản địa gắn với quy hoạch các vùng nông lâm kết hợp.Trong những năm gần đây, việc hưởng lợi từ sản phẩm khai thác rừng tăng cao nên người dân tộc thiểu số tin tưởng vào chính sách lâm nghiệp hiện hành và mạnh dạn đầu tư vốn trồng rừng theo hướng thâm canh, cây gỗ lớn, nâng cao năng suất chất lượng và giá trị rừng. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách giao đất, giao rừng đã góp phần nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong gian đoạn vừa qua Bộ Tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ được giao về cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn. Cụ thể, Bộ đã ban hành các Thông tư hướng dẫn việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn ngân sách nhà nước theo hướng quy định đơn giản về thủ tục cấp phát vốn, giảm bớt các hồ sơ thanh toán, quyết toán vốn phù hợp với đặc thù của Chương trình; đảm bảo việc cấp phát thanh toán vốn kịp thời, đầy đủ. Bên cạnh đó, về cơ chế chuyển vốn, các địa phương căn cứ vào kế hoạch vốn cả năm và tiến độ thực hiện dự án để rút vốn; cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm bố trí, sắp xếp nguồn vốn ngân sách để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi của các dự án. Bộ Tài chính luôn đảm bảo đủ nguồn vốn theo kế hoạch hàng năm được giao, bảo đảm bố trí 100% kế hoạch vốn cho các dự án thuộc Bộ, ngành quản lý, chuyển vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các địa phương theo định kỳ hàng tháng, quý.  Ngoài ra, Bộ Tài chính thường xuyên chỉ đạo hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn nhanh chóng, kịp thời, hướng dẫn thủ tục và tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, đảm bảo các dự án có đủ điều kiện phải được đáp ứng vốn kịp thời.

Đại diện các bộ, ngành báo cáo tại buổi làm việc

Trong Báo cáo của Bộ Kế hoạch đầu tư trình bày tại buổi làm việc có nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giao đất giao rừng vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như: ranh giới không được xác định rõ ràng giữa các chủ quản lý, đặc biệt là tranh chấp giữa các tổ chức quản lý rừng với người dân địa phương; sai lệch diện tích, vị trí trên hồ sơ, bản đồ so với thực địa; hồ sơ giao đất, giao rừng chưa hoàn chỉnh hoặc đã giao đất nhưng chưa giao rừng, hoặc đã giao đất, giao rừng nhưng chưa hoàn chỉnh đánh giá hiện trạng rừng; một số hộ gia đình, cộng đồng được giao rừng tự nhiên nhưng không được hưởng nguồn lợi từ rừng, rừng được giao không phù hợp với tập quán của họ.

Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày báo cáo, đại diện Bộ cho rằng, việc thực hiện chính sách giao đất, giao rừng tồn tại những hạn chế một phần là do hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở khu vực miền núi và cao nguyên, mặc dù vùng đất này có diện tích lớn nhưng diện tích đất canh tác đất nông nghiệp ít, chủ yếu đất có độ dốc lớn, nhiều núi đá, địa hình phức tạp, thiên tai lũ lụt, khí hậu khắc nghiệt khiến đất ngày càng nghèo kiệt bạc màu. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn tập quán du canh du cư phát nương làm rẫy, ít quan tâm đến thâm canh, bảo vệ đất để canh tác ổn định lâu dài. Ngoài ra, các giải pháp tạo quỹ đất từ việc thu hồi các dự án, doanh nghiệp nông, lâm trường kém hiệu quả, sử dụng chưa đúng mục đích để cấp cho các hộ nên đạt hiệu quả thấp; một số địa phương hết quỹ đất chưa tích cực xây dựng các đề án đặc thù hoặc tìm các giải pháp phù hợp như dạy nghề giải quyết việc làm để giảm thiểu áp lực thiếu đất.

Thảo luận tại buổi làm việc, Thường trực Hội đồng Dân tộc cho rằng, báo cáo của các bộ, ngành đã tiếp cận đúng hướng, đánh giá mặt được, hạn chế, chỉ ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục được những tồn tại trong công tác giao đất, giao rừng giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, nội dung của các báo cáo cũng chưa làm rõ được những vấn đề còn vướng mắc, bất cập, hệ thống số liệu, bảng biểu chưa thực sự chi tiết, rõ ràng, số liệu trên báo cáo và thực tiễn vẫn còn mâu thuẫn.

Đánh giá sơ bộ về công tác thực hiện giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Thường trực Hội đồng Dân tộc cho rằng, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chức năng liên quan trong công tác giao đất, giao rừng chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ và hiệu quả thấp. Đặc biệt là sự phối hợp trong việc xử lý tồn tại về giao rừng và đất lâm nghiệp trước đây chưa được hài hòa giữa các Bộ, việc chưa có sự thống nhất về tiêu chí thống kê, mẫu biểu, bản đồ gây ra nhiều bất cập khi tổ chức giao rừng và đất lâm nghiệp.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đánh giá, buổi làm việc với các bộ ngành hôm nay có vai trò quan trọng giúp Hội đồng Dân tộc có những nhận định bước đầu về tình hình thực hiện chính sách giao đất, giao rừng trước khi đi giám sát tại các địa phương. Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc cũng đề nghị các bộ cần hoàn thiện báo cáo kỹ lưỡng hơn nữa, số liệu đưa ra trong báo cáo phải đảm bảo sự chính xác và có sự phân tích đánh giá hợp lý; những đề xuất kiến nghị của các Bộ, ngành cần rõ ràng, cụ thể, đúng trọng tâm hơn. Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nhấn mạnh, trên cơ sở kết quả giám sát tại các địa phương, Hội đồng Dân tộc sẽ tổ chức các buổi làm việc với các bộ, ngành, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về vấn đề này để tiếp tục chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tới đây. 

Hồ Hương

Các bài viết khác