CẦN XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH KHÁM, CHỮA BỆNH CHO ĐỒNG BÀO MIỀN NÚI, VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

06/05/2022

“Cần dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực vùng sâu, vùng xa…” là một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Khám,chữa bệnh (sửa đổi) do Hội đồng Dân tộc tổ chức tại Đà Nẵng vào chiều 06/5.

 

Toàn cảnh Hội nghị 

Chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh và đời sống của người làm công tác y tế khám, chữa bệnh tại miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những vấn đề được các đại biểu đề cập nhiều nhất. Nhiều dẫn chứng từ câu chuyện đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh Lai Châu, Thanh Hoá… như tình trạng chất lượng y tế khu vực này còn kém, chế độ đãi ngộ thấp khiến đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn không trụ lại lâu. Nhiều trường hợp xin luân chuyển công tác, thậm chí đồng ý trả lại tiền đã được tỉnh hỗ trợ đào tạo chuyên môn trước đó.

Bà Cầm Thị Mẫn - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho biết, điều kiện ở các cơ sở khám, chữa bệnh miền núi rất thiếu thốn. Có quy định về chính sách cho cán bộ y bác sĩ ở đồng bào dân tộc thiểu số lại đang nằm trong quy định chung của y bác sĩ. Đại biểu đặt vấn đề: Ban soạn thảo nên có quy định chính sách riêng đối với y bác sĩ ở vùng đồng bạo dân tộc thiểu số hay không?

Bà Cầm Thị Mẫn - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá

Cũng tại hội nghị, có ý kiến đại biểu đề nghị trong Điều 4 của dự thảo Luật về chính sách của nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh phải có hẳn 1 khoản quy định về chính sách khám, chữa bệnh cho đồng bào miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm cả nguồn nhân lực và chế độ chính sách. Điều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp và cần được phát huy trong dự thảo Luật sửa đổi lần này.

Ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội bày tỏ: “Chủ thể đầu tiên ở đây cần xác định ưu tiên là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì ngoài đồng bào dân tộc thiểu số chung rồi thì chính sách ưu tiên của chúng ta dành cho nhóm đồng bào dân tộc ít người, đó là ưu tiên cao hơn. Trong thiết kế luật và chính sách chúng ta đi theo hướng đó. Thứ 2 là nhóm miền núi, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn. Hiến pháp đã ghi rất chuẩn điều này. Có điều các Luật của chúng ta lại không đi chuẩn như cách tiếp cận của Hiến pháp. Tôi đề nghị đây là điều khoản đã được quy định trong Hiến pháp cho nên cần được nhấn mạnh rất rõ trong luật khám chữa bệnh”.

Ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội 

Cùng với đó phải đảm bảo điều kiện được tiếp cận dịch vụ y tế trong khám, chữa bệnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật lần này vẫn thiên về yếu tố kỹ thuật, còn yếu tố về quản lý nhà nước lại không thấy đề cập. Về quan hệ đối tác công tư, tổ chức y tế phi lợi nhuận cũng chưa được đề cập đến trong dự thảo. Do đó, các đại biểu đề nghị phạm vi điều chỉnh cần được nghiên cứu lại./.

Mỹ Phượng - Lê Quang