HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ VÀ LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

07/05/2019

Tiếp tục Chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 8, chiều 07/5, Hội đồng Dân tộc thảo luận, cho ý kiến về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại phiên họp, các thành viên Hội đồng Dân tộc nhất trí với các quan điểm chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung Luật được nêu trong Tờ trình nhằm tiếp tục cụ thể hóa hiến pháp và kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, đồng thời khắc phục những vướng mắc bất cập trong quá trình thực hiện luật thời gian vừa qua. Đồng thời các thành viên Hội đồng Dân tộc tập trung thảo luận về các vấn đề như vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước, cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các thành viên Hội đồng Dân tộc đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát và giải trình rõ hơn về việc sửa đổi Luật lần này đã đáp ứng được tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14 chưa, để qua đó thấy rõ nội dung nào cần đưa vào luật sửa đổi lần này, nội dung nào cần cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật, các chương trình, đề án để việc sửa đổi đảm bảo tính khả thi.

Về nội dung cụ thể trong sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một số thành viên Hội đồng dân tộc đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện để đảm bảo đúng tinh thần phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Bên cạnh đó, vấn đề phân quyền, phân cấp, ủy quyền đã được quy định tại các luật chuyên ngành khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, do đó cần rà soát các quy định này trong Luật sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Các thành viên Hội đồng Dân tộc thảo luận tại phiên họp

Về nội dung cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân, trong Dự luật quy định giảm số Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng Ban chuyên trách của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh từ 02 người xuống còn 01 người, tăng số Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã loại II từ 01 người lên 02 người. Nhiều thành viên Hội đồng Dân tộc đề nghị cần làm rõ cơ sở của việc giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân vì tỷ lệ số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân so với số dân thì chưa nhiều mà khối lượng công việc của Hội đồng nhân dân thì tương đối nhiều.

Cho ý kiến về nội dung quy định biên chế tối thiểu trong Luật Tổ chức Chính phủ, Hội đồng Dân tộc cho rằng việc quy định biên chế tối thiểu của tổ chức là không phù hợp, đồng thời khi hình thành một tổ chức mới phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, nếu căn cứ vào biên chế thì không hợp lý và chưa thể hiện được chủ trương tinh giản biên chế của Đảng.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Dân tộc; trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Hội đồng Dân tộc sẽ tổng hợp để hoàn thiện báo cáo phối hợp thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh